“Miếng bánh” fast food Việt
Theo Korea Times, Lotteria Việt Nam lỗ nặng thêm khoảng 231 tỉ đồng trong năm 2020.
Theo tờ Korea Times, Lotte GRS đơn vị kinh doanh mảng thực phẩm của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đang có kế hoạch rút khỏi thị trường Việt Nam từ năm nay. Lotte GRS vận hành chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh mang thương hiệu Lotteria và chuỗi cửa hàng đồ uống Angel-in-us Coffee.
Đây là thông tin mang tính chấn động với ngành thực phẩm – đồ uống của Việt Nam. Tính đến tháng 5/2020, quy mô của chuỗi Lotteria là 255 cửa hàng, chuỗi Angel-in-us Coffee sở hữu 7 cửa hàng.
Ngay lập tức, đại diện của Lotteria Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Ông cho biết trong năm 2021, chuỗi dự kiến mở thêm 28 cửa hàng. Song song, Lotteria cũng đang đầu tư một nhà máy ở Khu công nghiệp Long Hậu (Long An) nhằm cung cấp mọi nguyên vật liệu, thực phẩm cho Việt Nam.
“Như vậy, chắc chắn không có chuyện chuỗi rút khỏi Việt Nam, thậm chí còn đang mở rộng.”
Hoạt động của Lotteria Indonesia đã bị Lotte GRS cho dừng lại từ năm ngoái do không hiệu quả. Lotteria Indonesia lỗ khoảng 7 tỉ won trên 20 cửa hàng, tương ứng 145 tỉ đồng.
Thị trường Việt Nam cũng không khá hơn, Korea Times trích số liệu giá trị sổ sách của Lotteria Việt nam giảm từ 26,8 tỉ won xuống còn 15,6 tỉ won sau khi ghi nhận khoản lỗ khoảng 11,2 tỉ won (231 tỉ đồng).
Lotteria là chuỗi đồ ăn nhanh có mặt lâu năm tại Việt Nam, đạt quy mô 100 cửa hàng năm 2011 và 200 cửa hàng năm 2014. Dữ liệu từ năm 2015 cho thấy việc Lotteria đã lỗ nặng, khoản lỗ lúc đó lên tới 125 tỉ đồng, tăng lên 135 tỉ đồng vào năm 2016.
Từ năm 2017-2019, số lỗ bất ngờ giảm mạnh, dao động từ 20-24 tỉ đồng. Như vậy, kết hợp với số liệu từ Korea Times, Lotteria Việt Nam có thể đã hạch toán lỗ lớn trong năm vừa rồi.
Doanh thu của Lotteria chứng kiến sự gia tăng trong những năm qua, nhưng tăng không đáng kể. Năm 2019 công ty đạt gần 1.700 tỉ đồng.
Lợi nhuận gộp của Lotteria không phải thấp, với tỷ suất thường xuyên ở mức 57-58%. Nhưng một đặc thù của ngành kinh doanh chuỗi nhà hàng là chi phí thuê mặt bằng, nhân công và vận hành cao. Cứ 10 đồng doanh thu, Lotteria phải chi ra 5 đồng cho các loại chi phí này, điều đó khiến toàn bộ lợi nhuận gộp bốc hơi.
Tình cảnh của Lotteria trái ngược nếu so sánh với một chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh nổi tiếng khác – KFC Việt Nam.
Năm 2019, doanh thu của KFC thua kém một chút so với Lotteria, đạt 1.500 tỉ đồng. Có thể có sự khác biệt về phương thức hạch toán giữa hai chuỗi cửa hàng, biên lãi gộp của KFC chỉ ghi nhận từ 17-18%. Chi phí bán hàng của KFC cũng ở mức thấp, khác biệt so với phần lớn các chuỗi trong ngành F&B. Nhưng điều quan trọng nhất, KFC báo lãi trước mỗi năm hơn 100 tỉ đồng trong giai đoạn 2017-2019.
Trên thực tế, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã phải thực hiện cải tổ mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhất là đối với mảng thực phẩm đồ uống.
Ngay cả hoạt động kinh doanh tại thị trường mẹ Hàn Quốc, Lotte GRS cũng không có được sự thành công. Cuối năm ngoái, công ty đóng cửa một chuỗi nhà hàng lâu năm – TGI Friday’s. Mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhà hàng tại tất cả các thị trường.
Trong một cuộc họp với các CEO của Lotte vào tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn, ông Shin Dong-bin nói rằng: “Đã đến lúc kiểm tra lại các hoạt động kinh doanh của chúng tôi đến thời điểm hiện tại và các CEO phải nhận thức về việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh. Các công ty nên nỗ lực hơn nữa để tạo ra những đổi mới trong viễn cảnh dài hạn”.
Năm ngoái, tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc cắt giảm 20% số giám đốc điều hành so với năm 2019 để thay thế bằng những người trẻ, có năng lực.
Lotte Shopping cũng đang tiến hành cấu trúc mạnh mẽ hoạt động bán lẻ của mình. Tại Việt Nam, hai bộ phận của Lotte Shopping là Department Store và Hypermarket năm ngoái đạt doanh thu lần lượt 18 tỉ won (383 tỉ đồng) và 301 tỉ won (hơn 6.400 tỉ đồng); lần lượt giảm 4,1% và giảm 12,3%. EBITDA đạt 6 tỉ won (128 tỉ đồng) và 31 tỉ won (660 tỉ đồng), lượt giảm 5,4% và giảm 20,1%.
Đông A
Nguồn CafeF