Quyết đấu ngôi vương bán lẻ
Cuộc đấu của Central Retail và Winmart xác định vị trí chiếm lĩnh tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Central Retail tại Việt Nam công bố trong 5 năm tới sẽ đầu tư khoảng 35 tỉ baht (1,1 tỉ USD) để mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành của Việt Nam. Trước đó vài ngày, Masan công bố đổi tên chuỗi siêu thị VinMart thành WinMart cùng chiến lược mới để thúc đẩy chuỗi bán lẻ này tăng trưởng mạnh hơn. Đáng chú ý, SK Group (Hàn Quốc) cũng cho biết đã mua 16,26% cổ phần của VinCommerce tại Masan với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VinCommerce được định giá 2,5 tỉ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.
Cuộc đối đầu tỉ đô
Cuộc đấu của Central Retail và WinMart sẽ xác định vị trí dẫn đầu trong trận chiến khốc liệt thị trường bán lẻ Việt Nam. Cuộc chiến này đang được đẩy lên ở quy mô lớn hơn cùng những cách thức khác với ảnh hưởng của làn sóng công nghệ – thương mại điện tử – fintech.
Có thể thấy, người Thái vẫn rất quyết tâm với thị trường bán lẻ Việt Nam. Sau khi bỏ ra tỉ đô để mua lại Big C, Central Retail nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với mảng thực phẩm là ngành hàng trọng yếu đóng góp gần 70% vào tổng doanh thu. Hiện tập đoàn Thái này đã sở hữu 37 trung tâm thương mại và 230 cửa hàng tại Việt Nam. Mục tiêu trong 5 năm tới, chuỗi bán lẻ của gia tộc Chirathivat sẽ đẩy mạnh đầu tư để có độ bao phủ lên 55 tỉnh thành, cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia bán lẻ của Việt Nam.
Ông Philippe Broianigo, CEO của Central Retail, cho biết, với số tiền 1,1 tỉ USD, trong 5 năm tới, công ty sẽ mở rộng quy mô để tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng nhằm gia tăng sự hiện diện từ thành thị đến nông thôn của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng cũng như phát triển các thương hiệu phi thực phẩm hay nền tảng đa kênh.
“Năm 2021, chúng tôi dự kiến giải ngân khoản đầu tư khoảng 6,6 tỉ baht (211 triệu USD) để mở mới 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO!. Bên cạnh đó, Central Retail sẽ chuyển đổi 8 đại siêu thị Big C thành đại siêu thị GO! và chuyển đổi 7 siêu thị Big C thành siêu thị Tops Market”, CEO Central Retail tại Việt Nam tiết lộ.
Central Retail tận dụng cơ hội hiệp định FTA ASEAN đang mở ra ưu thế lớn hơn cho doanh nghiệp Thái khi xuất khẩu hàng hoá vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi 0%. Bà Suparporn Sookmark, Lãnh sự Thương mại, Giám đốc Văn phòng Thương vụ Thái tại TP.HCM, nhấn mạnh, diễn biến thị trường cho thấy, trong chiến lược thâm nhập mở rộng thị trường Việt Nam lần này, các doanh nghiệp Thái có những điều chỉnh khác so với trước đây. Theo đó, họ tập trung mạnh vào sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp, phù hợp với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
Những thương vụ tỉ đô của người Thái thâu tóm Big C, Sabeco... gia tăng thêm sức mạnh của hàng hoá Thái Lan tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chuỗi bán lẻ trong nước cũng đang gia tăng sức cạnh tranh và chiến thắng nhiều đối thủ nước ngoài. Trên thực tế, Việt Nam từng chứng kiến làn sóng đổ bộ của hàng loạt tên tuổi bán lẻ lớn như Lotte, Parkson, Metro... Tuy nhiên, sau nhiều năm, các doanh nghiệp này đều đã rút lui. Gần đây, cuối năm 2020, Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) sở hữu đại siêu thị Emart cũng tuyên bố muốn rút khỏi thị trường Việt Nam, do sau 5 năm nỗ lực mà vẫn không thể mở thêm được điểm bán mới ngoài đại siêu thị duy nhất tại TP.HCM.
Bán lẻ nội phản công
Quy mô đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020), nhờ vào sự tăng trưởng thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tổng mức hơn 5 triệu tỉ VNĐ doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt hơn 3,9 triệu tỉ VNĐ (chiếm 79% và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước).
Thị phần ngành bán lẻ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã về tay doanh nghiệp ngoại thì đến nay, doanh nghiệp trong nước đã vượt trội về số điểm bán và chiếm ưu thế. Hiện có 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước. Cuộc đấu giữa một bên là các hệ thống bán lẻ nước ngoài như FamilyMart, K Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K... và một bên là các nhà bán lẻ nội như BRG Retail, Saigon Co.op, WinMart và WinMart+, Bách Hoá Xanh, Satra...
Dấu ấn mở rộng của doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng rõ nét. Saigon Co.op đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tối thiểu đạt 2.000 điểm bán và doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm trong vòng 5 năm tới. Satra đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 5 siêu thị SatraMart, 4 trung tâm thương mại Centre Mall, duy trì từ 150-250 cửa hàng mang thương hiệu Satra.
Đáng chú ý nhất là thương vụ M&A giúp Masan nắm quyền điều hành hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ cùng 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi. Vincommerce là nền tảng bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán và hiện chiếm gần 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.
Theo ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần The CrownX (đơn vị hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer), năm 2020 Công ty quản lý chuỗi VinMart và VinMart+ ghi nhận doanh thu xấp xỉ 31.000 tỉ VNĐ, tăng 14%. Trong đó, hệ thống cửa hàng VinMart+ tăng trưởng doanh thu 42%, dù số lượng cửa hàng giảm mạnh.
Sau quá trình tái cấu trúc, chuỗi bán lẻ này đặt ra tham vọng lớn hơn khi đặt bán lẻ vào hệ sinh thái có nền tảng công nghệ và tài chính phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khoẻ của người tiêu dùng. Một mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm nay là tự phát triển và vận hành 10.000 cửa hàng; 20.000 cửa hàng sẽ được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với những tiệm tạp hoá gia đình. Mục tiêu đến năm 2025, có 30.000 cửa hàng, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Ít nhất 50% cửa hàng trở thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số.
Lam Hồng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư