IPO tại Mỹ khó nhưng tại sao không?
Thị trường chứng khoán nước ngoài là phép thử lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bloomberg đưa tin VinFast, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Việt Nam, đang tiến hành các thủ tục để niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) với thời gian sớm nhất là trong quý IV/2021. Dù có trở thành hiện thực hay không, thông tin VinFast phát hành IPO tại Mỹ cũng cho thấy khi thị trường vốn trong nước gặp khó khăn, niêm yết trên thị trường quốc tế là hướng đi mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể chọn.
Niêm yết thành công ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ là cơ hội để “hoá rồng” đối với nhiều công ty Việt Nam. Bởi vì, nhiều công ty của Trung Quốc như Alibaba, Sohu... cũng từ những công ty nhỏ của nước này nhưng đã mạnh dạn lên sàn quốc tế và trở thành công ty có vốn hoá 6-7 tỉ USD.
Thực tế, Phố Wall đang rộng cửa cho các công ty niêm yết, thúc đẩy số tiền mà sàn giao dịch này thu được từ các đợt IPO lên mức cao nhất trong 6 năm qua. Theo StockAnalysis.com, đã có 420 vụ IPO trên các thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2020, tăng hơn 88% so với một năm trước.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giữ lãi suất gần bằng 0 kể từ đầu năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Điều này giúp mở đường cho thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới và tạo cho các doanh nghiệp sự tự tin khi IPO. Chỉ riêng NYSE là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, với vốn hoá thị trường của các công ty niêm yết đạt đến 24.500 tỉ USD. Nếu doanh nghiệp Việt tiếp cận được thị trường vốn quốc tế và huy động được nguồn vốn mặt bằng lãi suất thấp để cung ứng cho các hoạt động tại Việt Nam thì sẽ tạo ra nền tảng tài chính dồi dào. Cụ thể, nếu như huy động vốn trong nước, lãi suất trái phiếu các ngân hàng phải trả từ 7-8,5%/năm; trong khi trên nhiều thị trường vốn như Anh, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, mặt bằng lãi suất chỉ 1-2%/năm.
Tính đến ngày 22/1/2020, trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM có tổng cộng 31 doanh nghiệp có vốn hoá trên 1 tỉ USD, bao gồm 23 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Tổng vốn hoá của 31 doanh nghiệp này lên tới 3,22 triệu tỉ đồng, tương ứng 139 tỉ USD.
Tổng vốn hoá của 31 doanh nghiệp này lên tới 3,22 triệu tỉ đồng, tương ứng 139 tỉ USD.
Đây đều là những doanh nghiệp có khả năng bước ra thị trường vốn thế giới. Chẳng hạn, một số sàn giao dịch như London, Hồng Kông hay Singapore đã giới thiệu tới Vietjet khả năng niêm yết trên sàn quốc tế và đặt nhiều quan tâm đến cổ phiếu của hãng hàng không trẻ này. Theo báo cáo tài chính, năm 2020 Vietjet có tổng tài sản 47.036 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.326 tỉ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ.
“Kỳ lân công nghệ” của Việt Nam là VNG cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Sàn Chứng khoán Nasdaq để chuẩn bị các bước cho đợt IPO và niêm yết trên sàn này. Tính đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG là 6.215,5 tỉ đồng. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng hướng tới mục tiêu Việt Nam có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Ở Việt Nam, 2 quỹ đầu tư, một của Dragon Capital và một của VinaCapital cũng đã IPO và niêm yết trên Sàn chứng khoán London (LSE). Trước khi đưa Quỹ VEIL lên niêm yết trên LSE, quỹ có 20 nhà đầu tư chuyên nghiệp góp vốn. Sau 3 năm, VEIL thu hút được 80 nhà đầu tư lớn. Sự hấp dẫn của thị trường vốn ở nước ngoài cũng khiến Bamboo Airways mới đây bất ngờ đặt mục tiêu huy động 200 triệu USD qua IPO tại Mỹ trong quý III/2021, nâng vốn hoá của hãng lên 4 tỉ USD. Trả lời báo chí, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways, nhấn mạnh: “IPO tại Mỹ là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm mở rộng mạng lưới dịch vụ trên toàn cầu”.
Niêm yết trên sàn Nasdaq hay NYSE đòi hỏi các tiêu chuẩn rất khắt khe về chỉ số tài chính và tính thanh khoản dành cho thị trường. Chẳng hạn, công ty phải có lãi, thu về ít nhất 10 triệu USD trong 3 năm gần nhất. Điều đáng mừng là Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, xây dựng Đề án áp dụng IFRS tại doanh nghiệp niêm yết, hay buộc doanh nghiệp quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây là sức ép khiến các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn những chuẩn mực quốc tế trước khi bước được chân ra thị trường vốn ngoại.
Theo Tiến sĩ Majo George, Đại học RMIT, IPO ở nước ngoài sẽ mở ra cánh cửa vốn không giới hạn từ đầu tư nước ngoài cho bất kỳ công ty nào. Điều này tạo nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai của doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, quyết định IPO tại Mỹ của doanh nghiệp Việt nếu thành công sẽ giúp lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang trang mới.
Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư