Sữa nội tìm trang trại ngoại

Sữa nội tìm trang trại ngoại

Nhiều điểm lợi để các tên tuổi trên thị trường sữa phải theo chân nhau rót vốn đầu tư trang trại ở nước ngoài.

Mới đây, VitaDairy tuyên bố chi khoảng 10 triệu USD mua lại trang trại bò sữa tại Tasmania (hòn đảo Cực Nam, Úc) với khoảng 1.000 con bò. Bà Nguyễn Thị Hà, Tổng Giám đốc VitaDairy, cho biết, sản phẩm của trang trại này chủ yếu phục vụ thị trường Việt Nam do số lượng sữa non tươi được lấy trong 24 giờ không nhiều. Động thái đầu tư trang trại ở nước ngoài của VitaDairy không nằm ngoài xu hướng nối gót các thương hiệu lớn trong ngành sữa Việt vài năm trở lại đây.

Sau khi đầu tư đại dự án 2,7 tỉ USD ở Nga, Tập đoàn TH thông qua công ty con là Công ty Nông nghiệp sạch và Du lịch Quốc tế (CAIT) đã chi 86 triệu USD để mua 3 trang trại gia súc ở Úc với tổng diện tích 1.106.300ha và 60.000 đầu gia súc. TH cũng sở hữu 45.000 con bò sữa và sản xuất khoảng 40% sữa tươi của Việt Nam. Việc mua các trang trại ở Úc là cơ hội để mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp và du lịch ở nước ngoài.

Sữa nội tìm trang trại ngoại

Nguồn: healthplus

Đối với Vinamilk, ngoài việc phải sở hữu nguồn nguyên liệu trong nước thì phải giải quyết bài toán chất lượng sữa tươi theo chuẩn quốc tế. Muốn vậy, Vinamilk cũng phải tăng quy mô đàn bò sữa và đầu tư ra nước ngoài. Vinamilk đã đầu tư xây dựng tổ hợp “resort” bò sữa tại cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào) với quy mô 5.000ha và đàn bò sữa organic 24.000 con (giai đoạn 1).

Vinamilk cho biết dự án này sẽ góp phần nâng tổng số bò tại trang trại do Vinamilk quản lý lên gấp đôi, giúp tăng cường nguồn nguyên liệu sữa tươi organic để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk luôn khẳng định, trong ngành sữa, việc sở hữu hệ thống chăn nuôi bò sữa là điều quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu sẽ tự chủ mọi thứ, đặc biệt là về giá thành.

Việc đầu tư trang trại ở nước ngoài là xu thế không thể đảo ngược.

Ông Trần Bảo Minh, chuyên gia ngành sữa, cho rằng nhu cầu tiêu dùng sữa ở Việt Nam vẫn cao, nhưng do khí hậu thời tiết không phù hợp để mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu. Đặc biệt, việc đầu tư vào trang trại nuôi bò cũng tiêu tốn khá nhiều tài nguyên của đất nước, vì đây là lĩnh vực được cho là cần nhiều diện tích đất và nguồn nước sạch, có thể làm ô nhiễm môi trường... Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể theo đuổi đến cùng và đầu tư bài bản như Vinamilk, TH true Milk, NutiFood.

Theo ông Bảo Minh, việc đầu tư ở nước ngoài là xu thế không thể đảo ngược. Đặc biệt ở châu Âu, dân số ít, khí hậu mát mẻ, có nhiều vùng đất lớn thích hợp nuôi bò sữa cho sản lượng tốt. Khi thị trường nước ngoài bão hoà về nhu cầu, sẽ có nhiều trang trại rất đẹp được rao bán với giá rẻ hơn ở Việt Nam.

Sữa nội tìm trang trại ngoại

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được cho là bệ phóng cho ngành nông nghiệp Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành sữa được củng cố vị thế trên sân nhà. Theo Công ty Chứng khoán SSI, rất ít quốc gia có thể xuất khẩu sữa vào Châu Âu và thị trường này đang áp dụng triệt để các biện pháp bảo hộ, cũng như hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ ngành sữa trong nước.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ EU sẽ được giảm dần theo lộ trình từ 5-15% về mức 3,5-0% với nhiều mặt hàng như sữa và kem, chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc các sản phẩm có chứa thành phần tự nhiên của sữa... Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp sữa Việt gia tăng cạnh tranh trên sân nhà về nguyên vật liệu.

Theo Tổng cục Hải quan, Châu Âu chiếm 20-25% giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam. Thuế nhập khẩu áp dụng cho các mặt hàng nguyên vật liệu được giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sữa. Đối với Vinamilk, tỉ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu từ Châu Âu khoảng 10%, bao gồm bột sữa gầy và bột sữa chưa tách béo. Thuế nhập khẩu các mặt hàng này trước EVFTA là 5%, bắt đầu từ ngày 1/8/2020 được giảm xuống 2,2% và giảm dần về 0% sau năm 2022.

Sữa nội tìm trang trại ngoại

Năm 2020, doanh thu thuần từ thị trường nước ngoài cũng đóng góp cho Vinamilk 8.794 tỉ đồng, tăng 7,4% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu trực tiếp đóng góp 5.561 tỉ đồng, các chi nhánh nước ngoài đóng góp 3.233 tỉ đồng. Không chỉ có đơn hàng xuất khẩu mới ở các thị trường vốn được cho là có tính cạnh tranh rất cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Vinamilk còn chú trọng phát triển thị trường mới tại các nước châu Phi, cũng như một số quốc gia khác tại Đông Nam Á để gia tăng sự hiện diện trên bản đồ xuất khẩu (hiện đã có mặt ở 56 nước).

Tuy nhiên, việc đầu tư nhà máy hay thu mua trang trại ở nước ngoài cũng có rủi ro nhất định. “Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có năng lực quản trị điều hành, tầm nhìn chiến lược và tài chính hùng hậu để làm việc với người nước ngoài. Doanh nghiệp Việt cũng phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Nhật. Hiện nay, các đối thủ này cũng tìm cách thu mua các công ty ngành sữa ở Châu Âu để sở hữu nguyên liệu tốt phục vụ sản phẩm cao cấp cho thị trường trong nước của họ”, ông Bảo Minh cho biết.

Ngọc Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư