Tìm “vàng” từ ví điện tử

Tìm “vàng” từ ví điện tử

Ví điện tử cần một cuộc cách mạng để lan toả mọi ngóc ngách của đời sống.

Theo báo cáo của Cimigo, đến cuối năm 2019, 90% thị trường ví điện tử Việt Nam thuộc về 3 công ty hàng đầu là MoMo, Moca (hệ sinh thái Grab) và ZaloPay. Tuy nhiên, thực tế này chắc chắn đã có rất nhiều thay đổi. Năm 2020 là một năm mà các công ty lớn tiếp tục “đốt tiền” vào chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng mới.

VinID và VinShop (thuộc One Mount Group), ViettelPay, AirPay (thuộc SEA – đồng sở hữu Shopee, Foody) và nhiều bên khác đều có những toan tính và quyết tâm riêng. Thủ tướng chính phủ cũng vừa ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), dự kiến mở đường cho những nhà mạng lớn như MobiFone, Vinaphone tham gia vào “cuộc chơi” thanh toán di động, dù tiềm năng nhưng đang rất... chật chội.

Cuộc chơi dài hơi

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ mới có 10 triệu tài khoản ví điện tử.

Tìm “vàng” từ ví điện tử

Về khối lượng giao dịch, thanh toán di động mới chỉ bằng 1% thanh toán thẻ qua máy POS vào năm 2019. Nhưng cuối cùng, tổng lượng thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống, vì 80% người dân vẫn sử dụng tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày, 98% sử dụng tiền mặt cho các giao dịch dưới 100.000 đồng (theo IDG). Tiềm năng vẫn rất lớn, nhưng đi kèm là không ít thách thức.

Thách thức đầu tiên là chi phí thu hút người dùng vẫn còn ở mức cao. Năm 2020, tất cả các ví điện tử vẫn chưa giảm “đốt tiền” để duy trì tăng trưởng người dùng, phục vụ cho các vòng gọi vốn tiếp theo. Trong bối cảnh các ví điện tử đều được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn, dường như sẽ không ai sớm bỏ “cuộc chơi” tốn kém này. Do đó, viễn cảnh chịu lỗ có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm cho tất cả “người chơi”.

Thách thức thứ 2 là doanh thu dài hạn trên mỗi khách hàng còn rất thấp. Ví điện tử về bản chất là một nền tảng giao dịch, khác với các nền tảng thu tiền qua đăng ký hằng tháng như Netflix. Nếu Netflix có thể giữ chân khách lâu dài, ví điện tử có tập khách hàng khá... thiếu trung thành. Họ thích được khuyến mãi, đến mức “tìm kiếm khuyến mãi” là mục đích mua sắm hàng đầu của 85% khách hàng trên môi trường trực tuyến (theo báo cáo của Nielsen năm 2019). Do đó, doanh thu dài hạn khách hàng mang lại cho ví điện tử vẫn còn khiêm tốn, cần liên tục khuyến khích bằng khuyến mãi, hoặc các hình thức tương tự như trò chơi, tích điểm hay săn thưởng.

Tính đến cuối tháng 10/2020, đã có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Thách thức thứ 3 là lợi thế chuyển tiền miễn phí của ví điện tử đang ngày càng mờ nhạt. Ngày càng nhiều ngân hàng tung ra các dịch vụ ngay trên điện thoại và miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 như Techcombank, Timo, VPBank, MB, VIB... Người dùng thường có thói quen giữ tiền trong tài khoản thanh toán hơn là giữ tiền trong ví điện tử.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là hệ thống chấp nhận thanh toán hạn chế, một khía cạnh chưa được quá chú trọng. Người dùng có thể thích ví điện tử, nhưng rất ít người bán hàng thích chúng. Họ có thói quen sử dụng tiền mặt lâu đời. Tiền mặt ai cũng có và hoàn toàn miễn phí.

Dù có thể dùng ví điện tử, họ cũng thường ưu tiên thanh toán tiền mặt hơn. Đơn giản là vì họ ghét phí giao dịch. Ngoài ra, người bán phải duy trì song song các hệ thống tiền mặt và nhiều ví điện tử một lúc, mỗi ví lại có các thiết bị, quy trình, tài khoản thanh toán khác nhau. Lợi ích quá ít nhưng bất tiện thì quá nhiều.

Cần một cuộc cách mạng ví điện tử

Toàn thị trường ví điện tử đang hướng đến một cuộc “cách mạng thanh toán” không dùng tiền mặt, nhưng để đạt được tầm nhìn đó, cách vận hành của mô hình ví điện tử phải thực sự “cách mạng”. Dưới đây là những giải pháp gợi ý giúp thị trường ví điện tử phát triển bứt phá trong năm 2021.

Tìm “vàng” từ ví điện tử

Người dùng có thể thích ví điện tử, nhưng rất ít người bán hàng thích chúng.
Ảnh: Quý Hoà

Đưa đến người bán một sản phẩm chuyên biệt.

Từ bỏ mô hình kinh doanh dễ dàng chỉ thu phí giao dịch là quyết định vô cùng khó khăn nhưng sẽ mang lại tác động rất lớn. Nó xoá bỏ rào cản cơ bản là thế mạnh cốt lõi của tiền mặt: sự miễn phí. Thay vào đó, ví điện tử cần giải quyết những nhu cầu kinh doanh cốt lõi của người bán dựa trên công nghệ và dữ liệu mà tiền mặt không thể. Nếu giải pháp đủ tốt, người bán sẽ sẵn sàng trả tiền cho chúng, giống như mô hình phần mềm như một dịch vụ (SaaS).

Ví điện tử hoàn toàn có thể cung cấp những tính năng đặc thù giúp người bán thu hút khách hàng mới, tiếp cận lại và giữ chân khách hàng cũ, phân tích hành vi khách hàng để cải thiện sản phẩm hay quản lý nhà cung cấp và đặt hàng. Tiềm năng hơn cả, ví điện tử có thể hợp tác với ngân hàng cho vay vốn lưu động khi nguồn doanh thu được chứng minh rõ ràng qua giao dịch ví. Điều này đang diễn ra với sự hợp tác giữa VinShop và Techcombank cho chủ tiệm tạp hoá.

Tìm “vàng” từ ví điện tử

Nguồn: vietnamnet

Tận dụng công nghệ để triển khai đến người bán nhanh chóng, theo lộ trình chiến lược từ thành phố lớn và ở các lĩnh vực thanh toán hằng ngày.

Với tổng hoà của việc miễn phí giao dịch, cung cấp giải pháp chuyên biệt cùng với các chương trình ưu đãi hấp dẫn, ví điện tử cũng sẽ cần một tốc độ triển khai cực nhanh để đạt được quy mô cần thiết.

Một mạng lưới rộng khắp không nhất thiết phải ở phạm vi toàn quốc. Nó có thể nằm trong một thành phố, thậm chí trong một khu vực nhỏ. Bắt đầu từ TP.HCM, các khu vực quận, huyện bao quanh trung tâm hoặc khu vực trường đại học có thể là một khởi đầu tốt với tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp, mật độ dân số cao và mật độ người bán cao.

Thanh toán di động cũng cần tiếp cận những nhu cầu giao dịch cơ bản nhất, hằng ngày nhất là địa hạt lâu đời của tiền mặt: mua thực phẩm và tạp hoá. Một viễn cảnh hoàn hảo cho ví điện tử là một người bán rau ngoài chợ có thể nhận thanh toán từ khách hàng, thanh toán cho nhà cung cấp, thanh toán tiền điện và hoá đơn, trả điện thoại, nạp 3G, trả tiền thuê cho ban quản lý chợ... tất cả chỉ với ví điện tử.

Tìm “vàng” từ ví điện tử

Thanh toán di động cũng cần tiếp cận những nhu cầu giao dịch cơ bản nhất, hằng ngày nhất là địa hạt lâu đời của tiền mặt: mua thực phẩm và tạp hoá.
Nguồn: Quý Hoà

Giữ chân người dùng bằng cách miễn phí giao dịch và phục vụ toàn diện các nhu cầu tài chính của họ từ thanh toán, quản lý tài chính, đầu tư đến kinh doanh.

Nhu cầu tài chính của người dùng không chỉ là thanh toán, mà hơn thế còn là chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư một cách thông minh. Quản lý tài chính là một tính năng đơn giản, nhưng rất hiệu quả. Nó khuyến khích người dùng chi tiêu nhiều hơn trên một nền tảng nhất định, để có cái nhìn tổng thể nhất về chi tiêu của họ. Nó mở ra cơ hội giúp ví điện tử quảng bá như một công ty vì cộng đồng với các hoạt động giáo dục về chi tiêu thông minh hay tiêu dùng có trách nhiệm.

Ví điện tử cũng có thể mở ra những sản phẩm đầu tư và khuyến khích một lượng lớn tiền được giữ trong hệ sinh thái. Có khá nhiều đối tác tiềm năng là những giải pháp đầu tư, từ chứng khoán đến bất động sản, chú trọng đến khách hàng đầu tư theo khoản góp nhỏ hằng tháng. Việc có càng nhiều người bán nhỏ lẻ kinh doanh thông qua mạng xã hội cũng đòi hỏi một giải pháp thanh toán đáng tin cậy cho cả người bán và người mua. Ví điện tử cũng có thể nuôi dưỡng những khách hàng trung thành nhất bằng việc cung cấp các công cụ và kiến thức cho họ từ những bước đi đầu tiên trong hành trình kinh doanh của mình.

Để tạo ra cuộc “cách mạng thanh toán”, không ai có thể đi một mình. Ví điện tử cần hợp tác với các công ty lớn và với cả... đối thủ.

Ví điện tử đã và đang hợp tác với các công ty lớn trong lĩnh vực số (Ecommerce, giao đồ ăn, viễn thông) để tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ và bổ trợ nhau. Hơn thế, các công ty offline lớn cũng đều có thể là đối tác chiến lược tiềm năng như trung tâm điều hành chợ đầu mối, các khu chợ lớn, công ty hàng tiêu dùng nhanh. Trên thực tế, tất cả đều mong muốn có dữ liệu về các điểm bán lẻ và mong muốn một hệ thống ít dùng tiền mặt.

Hiện tại có 38 ví điện tử đang hoạt động trong nước. Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch.

Tuy nhiên, cạnh tranh lớn nhất của ví điện tử chính là tiền mặt. Không một ví điện tử đơn lẻ nào có đủ nguồn lực về con người và tài chính để có thể thành công. Ngành ngân hàng ở Việt Nam đã mất 34 năm từ thời điểm Đổi mới để xây dựng mạng lưới 282.900 máy thanh toán POS tính đến năm 2019. Đây là nỗ lực chung của nhiều ngân hàng. Trong khi đó, ví điện tử chỉ tốn một thời gian rất ngắn để đạt thành tích ấn tượng: 120.000 điểm chấp nhận thanh toán, chỉ tính riêng của MoMo, người dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của thanh toán di động so với mạng POS mới chỉ là 1% như đã đề cập ở trên.

Dù có nhiều người dùng, nếu không có một mạng lưới thanh toán đủ lớn và đủ nhanh, một tương lai có lãi có thể không bao giờ đến. Bằng cách chấp nhận thanh toán trong một hệ thống chung, các ví điện tử có thể bớt lo lắng về mức độ chấp nhận của thị trường, vì hệ thống thanh toán đã có thể tăng lên gấp bội. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào cải thiện sản phẩm, những tính năng và giá trị cốt lõi. Hãy để người mua và người bán lựa chọn giải pháp mà họ thấy có lợi và yêu thích nhất.

Có thể mọi người đều lo ngại, sự kết hợp này sẽ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Một vài công ty sẽ tự do dùng mạng lưới chung mà không đóng góp xứng đáng. Để giải quyết, điều quan trọng là mạng lưới chung cần được thiết kế để có lợi cho công ty phục vụ người bán và thu phí bên sử dụng mạng lưới từ phía người dùng. Khi sự công bằng được thiết lập, duy trì và phát triển sẽ là hệ quả tất yếu.

Lê Minh Đạo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư