Smartphone Việt: Vẫn sống, nhưng...

3 năm trước, thương hiệu Việt Mobistar của Carl Ngô Nguyên Kha mới chập chững tiến vào thị trường điện thoại lắm cạnh tranh. Mobistar lúc ấy cũng chỉ có những sản phẩm đơn giản, đánh vào phân khúc thấp và không tạo được ấn tượng cho lắm.

Trong khi đó, Nokia và Samsung cũng tấn công mạnh vào dòng điện thoại giá thấp khiến các thương hiệu Việt đã khó lại càng khó hơn. Nhưng Mobistar và một số nhà sản xuất Việt khác vẫn sống lặng lẽ.

Smartphone Việt: Vẫn sống, nhưng...Vẫn có cửa tồn tại

"Chúng tôi vẫn sống tốt nhờ những sản phẩm như Touch Lai 504 do mức giá chấp nhận được và những tính năng nâng cao như những dòng cao cấp của các thương hiệu lớn. Với mức giá cao nhất là 5 triệu đồng, người dùng đã có rất nhiều sự lựa chọn", Kha nói.

Theo số liệu từ Thegioididong.com, từ đầu năm đến nay, dòng smartphone giá rẻ chiếm đến 62% lượng bán ra ở hệ thống bán lẻ điện thoại này. Giám đốc ngành hàng điện thoại Thegioididong.com Đoàn Văn Hiểu Em cho biết "Chưa bao giờ người tiêu dùng lại có thể dễ dàng sở hữu một chiếc smartphone đến như vậy. Chúng tôi kỳ vọng năm nay, doanh thu smartphone sẽ chiếm 80% và điện thoại phổ thông chiếm 20% trong tổng doanh thu của ngành hàng điện thoại".

Hãng nghiên cứu thị trường GfK lại dự báo smartphone có giá từ 2,5-3,5 triệu đồng sẽ tăng trưởng 200% so với năm ngoái. Trước trào lưu smartphone giá rẻ lên ngôi, các hãng lớn như Samsung, Nokia và cả Apple cũng đang quan tâm tới phân khúc này.

"Trước đây smartphone giá rẻ chủ yếu từ các thương hiệu Trung Quốc được nhập về bán theo kiểu mua đứt bán đoạn nên chất lượng cũng như dịch vụ hậu mãi kém. Hiện nay, các thương hiệu Việt nắm được tâm lý này nên smarphone giá rẻ của họ bắt đầu được người tiêu dùng lựa chọn", ông Hiểu Em, Thegioididong, nói.

Ngoài Mobistar, các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đang cố gắng tung ra những sản phẩm cấu hình mạnh, thiết kế thời trang và mức giá thấp chỉ bằng khoảng phân nửa hoặc 1/3 so với dòng có cấu hình tương đương của các hãng lớn.

Smartphone Việt: Vẫn sống, nhưng...Q-Smart S53, sản phẩm mới đại diện smartphone màn hình lớn nhất hiện nay của thương hiệu của Qmobile, gây chú ý vì được trang bị màn hình lên đến 5,3 inch, có độ nét cao cùng cấu hình phần cứng mạnh và giá bán hấp dẫn.

Viettel cũng nhanh chân gia nhập thị trường với smartphone V8403, giá thấp và dùng kèm với các gói cước ưu đãi của nhà mạng này.

Chính thời điểm kinh tế khó khăn khiến cho người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn khi chọn mua điện thoại. Do đó, những chuỗi chuyên bán dòng sản phẩm cao cấp lại rơi vào tình thế ế ẩm, còn dòng thấp cấp lại bán chạy. Cơ hội cho những dòng điện thoại Việt Nam đang mở ra, vấn đề là họ vượt qua định kiến thế nào để thuyết phục người dùng?

Sẽ sống nếu không bị đánh

Ngoài những sản phẩm thương hiệu Việt, còn có những cái tên từ Trung Quốc như HKPhone, Huawei, ZTE... cũng thể hiện tham vọng lấn sâu vào thị trường di động Việt. HKPhone đầu tư 120 cửa hàng chuyên phân phối duy nhất sản phẩm của hãng. Huawei bám theo tất cả hệ thống Viễn Thông A để mở quầy trải nghiệm sản phẩm... Những ông lớn như Samsung, Nokia, LG cũng tích cực đưa ra những dòng điện thoại thông minh giá thấp để phủ khắp thị trường.

"Thách thức lớn nhất của các hãng nội địa so với các hãng lớn vẫn là thương hiệu. Người tiêu dùng dễ bị thuyết phục mua hàng bởi sản phẩm của một thương hiệu lớn hơn là của chúng tôi. Ngoài ra, thương hiệu Việt cũng gặp khó khăn về ngân sách dành cho truyền thông, hệ thống phân phối. Tuy nhiên, các thương hiệu Việt Nam vẫn có ưu thế về giá và các dịch vụ giá trị gia tăng gần gũi với người Việt", ông Kha cho biết.

Một khó khăn nữa, đó là cuộc đua giá rẻ có thể giết chết các hãng điện thoại Việt Nam. Các hãng phải chấp nhận khuyến mãi, giảm giá liên tục khiến tỉ suất sinh lời của phân khúc giá rẻ đã thấp sẽ càng thấp hơn.

"Vì không có nguồn lực mạnh như các hãng lớn nên chỉ cần họ nện một phát là các hãng Việt Nam có thể ra đi", ông Kha lo ngại.

Nguồn Chiến lược Marketing