Công viên giải trí: “Cuộc chơi” sàng lọc
Đại Nam, Công viên nước Đầm Sen... đều công bố các con số kinh doanh sa sút. Vì tác động của đại dịch hay vì lĩnh vực công viên giải trí đã trở nên “khó xơi”?
Khu Du lịch Đại Nam (hay còn gọi là Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến) ở Bình Dương là một trong những dự án tâm linh kết hợp du lịch quy mô lớn nhất Việt Nam: 450ha. Ông Huỳnh Uy Dũng đã dành 9 năm ròng rã (1999-2008) để triển khai khu du lịch này. Trải qua gần một thập niên xây dựng và tiêu tốn tới 6.000 tỉ đồng, Đại Nam cũng đã mở cửa đón khách.
Đại Nam đã lấn át hẳn Đầm Sen, Suối Tiên về quy mô diện tích và có nhiều địa điểm tham quan đa dạng như đền thờ (9ha), vườn bách thú (12,5ha), biển nhân tạo (21,6ha), khu vui chơi giải trí (50ha), trường đua (đua ngựa, trường đua F1, 60ha), khu vực tâm linh... Theo truyền thông đưa tin, 4 năm trước, có những ngày, Đại Nam đón hơn 40.000 lượt khách. Với giá vé trọn gói các trò chơi trong dịp lễ Tết là 300.000 đồng/vé và ngày thường giảm khoảng một nửa, những năm qua, Đại Nam đã ghi nhận nguồn thu đáng kể.
Nguồn: liengtam
Các công viên giải trí thường kết hợp mô hình công viên chủ đề/ công viên nước. Ở phân khúc cấp cao có VinWonders, Vinpearl Park Royal City, Vinpearl Safari Phú Quốc, Sun World, Asia Park, Bà Nà Hills, Phú Quốc Marina Water Park... Ở phân khúc bình dân có Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam, Khu du lịch Trăm Trứng, Công viên nước Hồ Tây, Waterland Thạch Lâm (Nha Trang), Khu du lịch Hồ Mây (Vũng Tàu), Núi Thần Tài, Long Điền Sơn, Công viên chủ đề Ấn tượng Hội An, Khu du lịch Làng Xanh (Bến Tre), Nông trại Vui vẻ (Phú Quốc), Khu du lịch Bò Cạp Vàng, Khu du lịch Thác Giang Điền… Dù ở phân khúc nào, nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của người dân vẫn rất cao. Chẳng hạn ở VinWonders, có những thời điểm như Tết Nguyên đán 2019, khách đến tham quan vui chơi lên đến hàng chục ngàn lượt mỗi ngày.
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nói chung và công viên giải trí/ chủ đề nói riêng. Bỏ qua yếu tố dịch COVID-19, ông Graham Cooke, sáng lập World Travel Awards, từng nhận định, ngành du lịch Việt Nam đã khiến thế giới ngưỡng mộ. Năm 2019 theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đạt kỳ tích khi thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế. Và để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên gia Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí.
Quy mô thị trường công viên giải trí/ chủ đề thế giới được dự báo đạt 74,7 tỉ USD năm 2026, từ mức 47,2 tỉ USD năm 2018.
Trên thế giới, nhiều nước đã bứt phá ngoạn mục về du lịch nhờ đầu tư vào công viên chủ đề. Điển hình là Singapore. Theo Tổng cục Du lịch Singapore, dù chỉ là đảo quốc nhỏ bé, không được thiên nhiên ưu đãi nhưng năm 2019, nước này vẫn thu hút được 19,1 triệu khách. Đó là vì Singapore đã không tiếc tiền chi tiêu vào đa dạng các loại hình dịch vụ, đặc biệt là vui chơi, giải trí, tham quan.
Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc, với sự tham gia của các công ty hàng đầu như Vingroup, Sun Group. Theo thông tin công bố, chiến lược của Vinpearl (thuộc Vingroup) là định vị và nâng tầm quốc tế lĩnh vực vui chơi giải trí. Vinpearl đã đổi tên các công viên giải trí từ Vinpearl Land sang VinWonders và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các công viên sánh ngang quy mô các quần thể giải trí lớn của thế giới. Năm 2020, bên cạnh các công viên đã có, Vingroup vẫn tiếp tục khởi công dự án Công viên chủ đề VinWonders Vũ Yên (Hải Phòng). Với diện tích 50 ha và tổng mức đầu tư 1 tỉ USD, VinWonders Vũ Yên khi hoàn thành dự kiến sẽ là công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam.
Nguồn: kenhphuquoc
Lợi thế và khác biệt của công ty còn là đã đầu tư lĩnh vực khách sạn với 29 khách sạn – biệt thự nghỉ dưỡng (Vinpearl Resort, Vinpearl Hotel, Vinpearl Luxury, Vinpearl Discovery, Vinpearl Condotel…) trải dài cả nước, với các sân golf ở Nha Trang, Hải Phòng, Phú Quốc, Nam Hội An. Công ty cũng dự tính hợp tác với các hãng hàng không để mở những chuyến bay cố định trong nước/ quốc tế đến các điểm có cơ sở của Vinpearl và sẽ mở văn phòng đại diện ở nước ngoài. Mục đích là trực tiếp tiếp cận thị trường quốc tế và triển khai dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng trọn gói.
Ở phân khúc bình dân, bài toán lại thách thức hơn. Theo thông tin từ Công viên nước Đầm Sen (DSN), lượng khách từ năm 2019 giảm do hoạt động vui chơi tại đây không có điểm đổi mới trong khi ngày càng xuất hiện nhiều khu vui chơi trong các trung tâm thương mại lớn. Đó là chưa kể đến cạnh tranh từ các công viên giải trí/ chủ đề cao cấp. Và với gần 2 tháng ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DSN, cho hay, lượng khách cả năm 2020 chỉ đạt gần 470.000 người. Tính ra, DSN chỉ còn bán ra 1/3 lượng vé so với năm trước. Doanh thu năm qua chỉ đạt 84,2 tỉ đồng, giảm 61,6%; lợi nhuận sau thuế 41,2 tỉ đồng, giảm 58%.
Trong khi đó, các công viên giải trí đứng trước yêu cầu phải liên tục đầu tư cải tạo và mở rộng hoạt động. Ở các diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, Đại Nam đã xuống cấp nhiều hạng mục, thiếu đầu tư mới, ít diện tích xanh và không nhiều dịch vụ hỗ trợ như xe di chuyển, chỗ nghỉ qua đêm, chăm sóc sức khỏe... Tình trạng này cũng xảy ra ở một số khu du lịch, công viên giải trí khác, làm giảm sức hấp dẫn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, một công viên giải trí/ chủ đề nếu thiết kế nhiều trò chơi đa dạng, với thời gian trải nghiệm cần 2-3 ngày, nhiều khả năng sẽ thu hút khách đến và lưu trú lâu hơn.
Đặc biệt, để tăng tính hấp dẫn cho các khu vui chơi giải trí, theo một lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, các công viên giải trí cần có bản sắc riêng, với những sản phẩm đặc trưng thay vì sao chép ý tưởng.
Rõ ràng, lĩnh vực công viên giải trí/ chủ đề ngày càng đứng trước sức ép sàng lọc và nghiêng về sân chơi dành cho các nhà đầu tư lớn, tổ chức công viên giải trí theo mô hình quần thể.
Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư