Giao hàng điện tử: mở rộng cuộc chiến
Thương mại điện tử bùng nổ kéo theo cuộc chiến khốc liệt giữa các công ty giao nhận hàng hoá.
Theo Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, tổng doanh thu dịch vụ bưu chính của Việt Nam đạt trên 35.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.400 tỉ đồng. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu bưu chính tối thiểu đạt 5,5 tỉ USD, chiếm 1,2% GDP.
Thị trường hiện có 435 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 95% là tư nhân. Riêng 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước (Vietnam Post, Viettel Post, EMS, SPT, Nasco Express) dù chỉ chiếm 1% số doanh nghiệp, nhưng đang nắm trong tay trên 60% thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ bưu chính truyền thống ngày càng thấp, trong khi tỷ lệ đơn hàng và doanh thu từ mua bán trực tuyến tăng mạnh. Xu hướng này khiến các doanh nghiệp trên chuyển hướng quyết liệt hơn sang giao nhận thương mại điện tử.
Dù vậy, thị trường này vẫn hấp dẫn các đối thủ mới trong và ngoài nước, nhất là mảng dịch vụ giao hàng thương mại điện tử. Trong khi đó, ở phân khúc giao nhận hàng hoá, sau khi Lazada E-Logistics đầu tư khoảng 10 triệu USD để cung cấp dịch vụ giao nhận không chỉ cho công ty mẹ mà còn cho nhiều công ty khác, đã kích hoạt “cuộc chạy đua” giữa các thương hiệu lớn như Shopee, GoViet, Tiki...
Một số tân binh như hãng gọi xe Be Group cũng nhảy vào lĩnh vực giao nhận khi vận hành thêm 2 dịch vụ giao hàng beExpress và beDelivery phục vụ các doanh nghiệp thương mại điện tử. FPT Retail cũng tham gia lĩnh vực này nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có từ mạng lưới hơn 540 cửa hàng khắp 63 tỉnh, thành phố cùng nguồn nhân lực lớn.
Để cạnh tranh với Shopee, Lazada “bắt tay” với Grab và sự hợp tác này sẽ không chỉ dừng lại ở giao hàng chặng cuối. Lazada sẽ tận dụng tập khách hàng và mạng lưới tài xế của Grab, định hướng người dùng đến dịch vụ giao đồ ăn, đồng thời sử dụng dịch vụ giao hàng. Trong khi đó, Tiki tối ưu hóa dịch vụ giao hàng 2 giờ nhờ chuỗi cung ứng từ đầu tới cuối, cùng mạng lưới trung tâm xử lý hàng hoá trên cả nước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM), mặc dù vẫn giữ thị phần đứng đầu nhưng Vietnam Post và Viettel Post đang mất một lượng khách hàng đáng kể vào tay các đơn vị giao nhận hàng hoá khác. Năm 2020, tại TP.HCM, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chuyển phát rất cao, đơn vị nắm giữ thị phần lớn nhất là Viettel Post cũng chỉ có khoảng 28%, sau đó là Vietnam Post 15%, EMS 10%, Giao Hàng Nhanh 5%, Giao Hàng Tiết Kiệm 7%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chiếm tới 43%. Ở Hà Nội, Viettel Post đang chiếm áp đảo với hơn 52%, Vietnam Post 20%, EMS 4%, Giao Hàng Nhanh 10%, Giao Hàng Tiết Kiệm 9%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chỉ chiếm 20%, thấp hơn TP.HCM.
Theo SSI, 2020 là năm đầu tiên kể từ năm 2012, Viettel Post tăng trưởng lợi nhuận trước thuế một con số (chỉ tăng 1%). Tăng trưởng lợi nhuận giảm còn 5% so với cùng kỳ từ quý III/2020 và chạm đáy với mức giảm 31,8% so với cùng kỳ trong quý IV/2020.
Ảnh: Quý Hoà
SSI ước tính giá dịch vụ trung bình giảm khoảng 10-15% so với cùng kỳ do Viettel Post phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh về giá từ các công ty gia nhập thị trường như BEST và J&T Express trong giai đoạn 2018-2019. Dịch vụ COD (thanh toán tiền mặt khi giao hàng) miễn phí sẽ khiến Viettel Post mất khoảng 10% doanh thu cốt lõi. Trong khi đó, theo số liệu của SSI, Giao Hàng Tiết Kiệm (phục vụ phần lớn cho Shopee) có tổng doanh thu là 4.600 tỉ đồng năm 2019 (thấp hơn 40% so với Viettel Post), nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp là 17% (Viettel Post chỉ đạt 9,6% năm 2020).
Nhận định về thị trường giao hàng, ông Lương Duy Hoài, CEO Công ty Giao Hàng Nhanh, cho biết, với sự xuất hiện của các nền tảng giao hàng công nghệ – mô hình giao hàng tức thời và sự linh hoạt có được từ hàng trăm nghìn tài xế cùng người giao hàng tự do sẽ trở thành đối thủ chính của các doanh nghiệp giao hàng truyền thống. Để tăng sức cạnh tranh, Giao Hàng Nhanh đã đầu tư 3 dàn máy phân loại tự động hiện đại và có năng suất cao.
“Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,5-2% thị trường bán lẻ. Trong những năm tiếp theo con số này sẽ tăng lên đến 10-15%. Từ đó, kéo theo nhiều doanh nghiệp ngoại lớn sẽ tiếp tục đầu tư để chiếm lĩnh thị trường giao hàng”, ông Hoài nói.
Thực tế, thị trường này tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại. GD Express (Malaysia) vừa công bố rót gần 3,3 triệu USD để sở hữu 50% Công ty Chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco), đặt nền tảng cho việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Best Inc Việt Nam đầu tư 8 triệu USD để xây trung tâm phân loại tự động ở TP.HCM vào tháng 1/2021, đặt mục tiêu thiết lập độ phủ toàn quốc cho mạng lưới chuyển phát nhanh với công suất chuyển phát 150.000 bưu kiện/ngày và trong vòng 3 năm sẽ tăng công suất lên gấp đôi.
Theo ông Nelson Wu, Tổng Giám đốc Best Inc Việt Nam, Best Inc mở rộng số lượng bưu cục lên hơn 500 bưu cục Best Express khắp cả nước và dự kiến đạt đến 1.000 bưu cục vào năm nay thông qua mô hình nhượng quyền.
Theo SSI, thị trường thương mại điện tử dự kiến tăng 25% so với cùng kỳ trong năm 2021, đạt quy mô 15 tỉ USD. Tuy nhiên, doanh thu chuyển phát nhanh/ tổng giá trị hàng hóa có thể giảm do cạnh tranh trên thị trường. SSI ước tính năm 2021, doanh thu mảng chuyển phát nhanh và logistics của các doanh nghiệp lớn như Viettel Post sẽ đạt 8.200 tỉ đồng (tăng 22%) và lợi nhuận gộp đạt 741 tỉ đồng (tăng 16,5%).
Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư