Lazada và câu chuyện logistics trong thương mại điện tử: Phát triển bền vững nhờ trọng tâm là con người
“Logistics đơn thuần là một ngành dịch vụ và nếu không có con người tốt thì chắc chắn cũng sẽ không thành công.”
Năm 2020, thị trường thương mại điện tử ghi nhận những con số phát triển thần tốc của Lazada tại Việt Nam. Hệ thống gian hàng chính hãng LazMall ghi nhận số lượng đơn hàng và khách hàng tăng gấp 3 lần trong các lễ hội mua sắm và gấp 2 lần trong các ngày thường. Số lượng nhà bán hàng tăng gấp 2 lần, riêng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ lên tới hơn 110.000. Số tập livestream tăng hơn 10 lần, số lượt xem livestream tăng gần 25 lần, số lượng đơn hàng thành công thông qua kênh LazLive tăng 45 lần. Sự phát triển ấy tất nhiên kéo theo áp lực cực lớn được đặt lên bộ phận logistics, đặc biệt khi vào những đợt chiến dịch thì số lượng đơn hàng có thể lên đến hàng triệu. Nhưng lúc này là thời điểm mà kế hoạch xây dựng Lazada logistics bền vững bằng việc đầu tư vào công nghệ và lấy con người làm trung tâm của doanh nghiệp này được đền đáp. Hệ sinh thái mạnh mẽ và hiệu quả chính là 1 trong những yếu tố giúp Lazada đạt được những thành công đột phá và bền vững trong năm qua.
Đứng đầu bộ phận logistics của Lazada là anh Vũ Đức Thịnh – Giám đốc Logistics (CLO) Lazada Việt Nam. Những chia sẻ của anh giúp mang đến cái nhìn rõ nét hơn về cách mà Lazada đã đầu tư bền vững vào hệ thống logistics của mình từ những ngày đầu, với tầm nhìn hướng đến tương lai để khi bất kỳ yêu cầu nào tưởng chừng như không thể của hiện tại xuất hiện, hệ thống này đều có thể đảm bảo mọi thứ vận hành trơn tru.
CLO Vũ Đức Thịnh gợi nên khá nhiều tò mò với những chia sẻ cởi mở của anh. Lazada với những thành công vượt trội hiện lên như một bức tranh thú vị và sống động về một doanh nghiệp phát triển trên nhiều tiền đề tưởng chừng như đối lập nhau. Trước hết, thương mại điện tử là lĩnh vực với guồng quay rất nhanh, mọi thứ luôn vận hành ở thì “ngay bây giờ”, nhưng với anh Thịnh thì hướng đầu tư và phát triển của Lazada luôn phải là tầm nhìn của “làm gì tốt nhất cho chúng ta của 5-10 năm sau nữa”. Anh cũng gây ngạc nhiên khi chia sẻ rằng cốt lõi của khái niệm phát triển bền vững mà doanh nghiệp thương mại “điện tử” này đang xây dựng chính là lấy “con người” làm trung tâm phát triển: Customer First!
Customer First có thể được số đông hiểu đơn giản chỉ là “khách hàng thượng đế”, nhưng với Logistics Lazada, đây là một khái niệm rộng hơn rất nhiều, đến mức nó trở thành một hệ sinh thái mạnh mẽ và hiệu quả mà anh Vũ Đức Thịnh tóm gọn lại trong những hạng mục sau: “Đầu tư vào công nghệ thông tin, đầu tư vào tự động hoá, đầu tư vào con người và cam kết đi theo sự phát triển xanh”.
Con người là đích đến sau cùng của công nghệ thông tin và tự động hoá
Nói đến thương mại điện tử là nói đến công nghệ và tự động hoá. Ở Việt Nam, có thể nói Lazada có một hệ thống logistics được đầu tư tiềm năng, giúp doanh nghiệp này trở thành điểm sáng trên thị trường mà theo anh Thịnh chia sẻ là “Thực sự rất nhiều cái Lazada logistics làm và sau đó thị trường đi theo”. Logistics dưới bàn tay của “phù thủy” Đức Thịnh với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, từ tự khởi nghiệp cho đến làm việc trong công ty vận chuyển quy mô toàn cầu, đã phát triển thành một tổ chức độc lập trong Lazada, xây dựng được đa dạng hình thức giao nhận mà sau cùng, người hưởng lợi luôn được đảm bảo là cả người tiêu dùng lẫn nhà bán hàng.
Đối với người tiêu dùng, đây là đối tượng hưởng lợi đầu tiên và quan trọng nhất của Logistics Lazada. CLO Đức Thịnh chia sẻ: “Logistics luôn là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Lazada để đảm bảo khách hàng có những trải nghiệm tối ưu nhất. Phép cộng khó nhất phải thực hiện cho bằng được khi chuyển hàng đến tay khách chính là: Nhanh nhất + Tốt nhất + Rẻ nhất. Thường thì phép toán này chỉ có thể cộng được 2 yếu tố. Ví dụ muốn nhanh, muốn rẻ thì không thể tốt và ngược lại. Nhưng với Logistics Lazada thì phải làm sao để 3 yếu tố này bắt tay với nhau”. Và hiện tại gần như chỉ là Lazada làm được điều này trên thị trường logistics Việt Nam.
Đối với nhà bán hàng, không phải tự nhiên mà số lượng các doanh nghiệp tăng theo cấp số nhân trên sàn Lazada. LazMall tự hào với sự xuất hiện của hầu hết các thương hiệu chính hãng trong nước, đảm bảo nhu cầu mua sắm đa dạng và an toàn, chất lượng của người tiêu dùng. Số lượng nhà bán hàng cũng tăng gấp 2 lần trong năm 2020, đặc biệt, nhóm nhà bán hàng SMEs (trung bình và nhỏ) cũng rất được Lazada ưu ái chăm sóc. Bởi vì nhà bán hàng cũng là một đối tượng quan trọng thuộc hệ sinh thái Customer First của Lazada. Doanh nghiệp này đã khẳng định phương châm phát triển bền vững của mình bằng cách không để ai bị bỏ quên trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, ngay cả khi cuộc cách mạng số này bị thúc đẩy vô cùng đột ngột bởi đại dịch COVID-19, khiến cho cả hệ thống vận hành của thương mại điện tử chịu một áp lực vô cùng khủng khiếp.
Thậm chí trong đại dịch COVID-19 năm qua, Logistic Lazada từ một lĩnh vực khô khan và cơ giới hoá đã cho thấy khía cạnh nhân văn và rất “con người” của mình, như những chia sẻ của anh Thịnh: “Khi giữ được hệ thống logistics vận hành được trong những đợt dịch COVID-19, nó không đơn thuần là giữ cho việc vận hành của Lazada mà thông qua Lazada còn giữ được việc vận hành của hàng trăm ngàn nhà bán hàng. Khi xã hội đóng cửa vì dịch, logistics sống được thì nhà bán hàng sống được và những người làm việc cho nhà bán hàng cũng sống được. Đó là cái ý nghĩa của logistics”.
Đầu tư vào nhân viên để mọi người đều cảm thấy đây là gia đình
“Logistics đơn thuần là một ngành dịch vụ và nếu không có con người tốt thì chắc chắn cũng sẽ không thành công.” – những chia sẻ của CLO Vũ Đức Thịnh khiến nhiều người vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ, khi một sàn thương mại điện tử lại được xây dựng và phát triển với trọng tâm là yếu tố con người như thế.
“Logistics cho thương mại điện tử là hoàn toàn mới, đặc biệt là ở Việt Nam. Hành trình của tôi suốt từ ngày đầu gia nhập Lazada vào năm 2015 đến bây giờ và sẽ còn rất lâu sau đó là sẽ phải đào tạo, huấn luyện, và làm sao đó để đảm bảo một môi trường làm việc tốt nhất cho tất cả mọi người. Ở đó, mọi người có thể cảm nhận Lazada giống như một gia đình, và họ có một cơ hội nghề nghiệp rõ ràng, họ hoàn toàn có thể phát triển được nghề nghiệp của họ với công ty.” – Anh Thịnh chia sẻ, và bởi vì đây là một lĩnh vực rất mới nên ngay cả bản thân anh, người đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành này thì mỗi ngày làm việc ở đây cũng đều là một ngày học được vô số điều mới.
Đầu tư vào phát triển xanh vì môi trường sống của con người
CLO Vũ Đức Thịnh khẳng định: “Lazada luôn hướng đến phát triển bền vững và phát triển xanh”. Cho dù phát triển xanh khiến cho Logistics Lazada chưa thể xây dựng riêng hình thức giao hàng tốc độ trong ngày, nhưng anh Thịnh cho thấy một quan điểm làm việc cực kỳ điềm tĩnh, rằng nếu chỉ cần là giao nhanh và ngay thì đó lại là một nhiệm vụ quá đơn giản, nhưng phải làm sao để phát triển bền vững được trong 5 năm, 10 năm nữa, đó mới là chuyện khó. Vì thế, Lazada vừa tập trung vào việc xử lý bài toán cộng 3 vế “nhanh – rẻ – tốt”, nhưng vẫn vừa phải hướng đến sự phát triển xanh, làm sao để thay vì hai anh shipper chạy ra đường, chúng ta chỉ cần một người nhưng làm được việc của cả hai mà theo anh Thịnh chia sẻ vui là: “Mình phải nghĩ đến chuyện làm sao bền vững chứ không lẽ cứ bắt mọi người đi xe máy ra ngoài đường?”.
Với phương châm làm việc như thế, Logistics Lazada tự hào là người tiên phong xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững, cũng là đơn vị duy nhất trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam xây dựng được đa dạng các nền tảng giao nhận, từ tủ khoá thông minh, liên kết với các cửa hàng 24/7, đặc biệt “xanh sạch” nhất trong số ấy chính là giải pháp Xe đạp điện giao hàng, hiện vẫn đang hoạt động tại các thành phố lớn trong nước.
Thương mại điện tử sẽ còn phát triển nhanh và mạnh nữa trong tương lai. Đặc biệt, Logistics luôn là bộ phận phải đi tiên phong, và những người làm việc trong hệ thống này như thể luôn “đến từ tương lai” vì họ sẽ phải đón đầu và giải được những bài toán “nếu... thì...”, như chính phương châm mà anh Đức Thịnh đã chia sẻ: “Tầm nhìn luôn phải là 5-10 năm nữa. Logistics chính là không bao giờ dừng lại”.