Chương Dương và nỗi ám ảnh mang tên cổ tức
Coca-Cola cho biết đến nay họ vẫn cứ lỗ khi làm ăn ở việt nam và lý do một phần là đầu tư mạnh cho bán hàng và hoạt động quảng cáo, marketing rất lớn. Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương thì ngược lại. Họ không đầu tư mạnh cho bán hàng hay quảng cáo mà chỉ đau đáu tập trung tâm trí cho mục tiêu làm sao để cuối năm có cổ tức.
Cỗ máy già cỗi
Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương có tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc Tập đoàn BGI của Pháp. Thời điểm đó, Chương Dương được coi là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất tại miền Nam.
Sau ngày đất nước giải phóng, Tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam. Giai đoạn này được coi là thời hoàng kim của Chương Dương. Sá xị của Chương Dương có mặt khắp mọi nơi và trở thành thức uống giải khát quen thuộc của người dân miền Nam thời đó.
Đến năm 2004, Chương Dương hoạt động dưới hình thức Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 85 tỉ đồng. Tổng Công ty Bia rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nắm 51% cổ phần.
Kể từ khi bắt đầu niêm yết đến nay, mức lợi nhuận trên doanh thu của Chương Dương ngày càng giảm. Cụ thể, doanh thu của Chương Dương năm 2005 đạt 148 tỉ đồng thì lợi nhuận đạt 18 tỉ đồng. Đến năm 2012, doanh thu đạt 343 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ ở mức 25 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của Chương Dương ít xuất hiện tại các quán ăn, các siêu thị mà chỉ thấp thoáng xuất hiện ở vị trí kém nổi bật so với hàng loạt sản phẩm của các thương hiệu khác. Vậy Chương Dương đang làm gì trong khi đối thủ đã tiến rất xa?
Để dành tiền cuối năm lo cổ tức
Điều lạ là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Chương Dương chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng doanh thu. Đỉnh điểm là vào năm 2011, trong 30 tỉ đồng lợi nhuận của Công ty thì khoản thu từ hoạt động sản xuất chính chỉ chiếm 10%, còn lại là lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư tài chính và các nguồn khác.
Nỗi lo cổ tức hằng năm cho cổ đông khiến cho Chương Dương không dám chi nhiều cho việc tiếp thị sản phẩm.
Hiện nay, tiền của Chương Dương một phần đang gửi ngân hàng. Theo lời ông Hoàng Chí Thành, Tổng Giám đốc Công ty, trong vài năm vừa qua, để có thể chia cổ tức cho cổ đông ở mức 15%, Chương Dương đã phải giảm ngân sách tối đa. Do vậy, các hoạt động đầu tư kinh doanh của Chương Dương gần như bị thắt chặt.
Năm 2012, chi phí marketing của Chương Dương dự kiến là 10 tỉ đồng nhưng thực tế công ty chỉ sử dụng khoảng 1,5 tỉ đồng. Ông Thành cho rằng, Chương Dương không muốn dùng số tiền lớn cho marketing vì như vậy việc chia cổ tức cuối năm sẽ thấp.
Về phân phối, Chương Dương mới chỉ tập trung vào bán sỉ, chưa đầu tư nhiều cho kênh bán lẻ. Đây là nguyên nhân khiến cho sản phẩm của họ vắng bóng trên thị trường. Kênh phân phối của Công ty trải dài từ miền Nam đến khu vực Bắc Trung Bộ nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là TP.HCM.
Trong khi mạng lưới phân phối không nhiều, Chương Dương lại đầu tư phát triển nhiều dòng sản phẩm. Công ty có nhiều dòng sản phẩm như soda, nước chanh, cam, dâu, nước khoáng, nước trái cây song ít được đầu tư mở rộng thị trường nên không phát triển được. Cho đến nay, người tiêu dùng cũng không biết nhiều đến những thương hiệu khác của Chương Dương ngoài sá xị.
Đội ngũ lãnh đạo của Chương Dương hiểu khá rõ về những biến động của thị trường nhưng những vướng mắc về vốn đang cản bước họ. Ông Thành hiểu rằng người tiêu dùng thích nước ngọt không gas nhưng Chương Dương không có dây chuyền sản xuất nên đành nhìn đối thủ lấn lướt. Máy móc thiết bị sản xuất tại Chương Dương được nhập khẩu từ những năm 1990 và chỉ có thể sản xuất nước ngọt có gas. Để sản xuất nước ngọt không gas, cần phải có một dây chuyền sản xuất mới.
Một vấn đề lớn khác đang cản bước Chương Dương là sự thiếu hụt nhân sự. “Quỹ lương nhỏ nên Công ty không chiêu mộ được lao động giỏi”, ông Thành chia sẻ với cổ đông. Nhiều lao động có trình độ cao đã rời bỏ Công ty vì lương chưa thỏa đáng.
Dù vậy, Ban lãnh đạo vẫn đưa ra mục tiêu sẽ đuổi kịp đối thủ và có sự tăng trưởng trong năm 2013. Chương Dương dự kiến mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để tăng sản lượng lên 40 triệu lít/năm. Mặc dù vậy, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ 16 tỉ đồng, giảm so với 25 tỉ đồng năm ngoái.
Trong khi đó, nguồn tài chính của Chương Dương năm nay còn khó khăn hơn năm ngoái. Năm ngoái, họ đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư dài hạn 7.000 chứng chỉ Quỹ Sabeco 1 cho Công ty Cổ phần Bia rượu Sài Gòn để thu về khoản lợi nhuận khoảng 2,9 tỉ đồng. Năm nay nguồn đầu tư này không còn. Lãi suất từ khoản tiền gửi tại ngân hàng ngày càng giảm, hiện chỉ còn 7%. “Vì thế Chương Dương càng phải hạn chế ngân sách cho hoạt động marketing, quảng cáo”, ông Thành giải thích với các cổ đông.
Nhiều cổ đông nhỏ cho rằng, Chương Dương nên phát hành thêm cổ phiếu để có vốn đầu tư cho kinh doanh. Tuy nhiên, Ban Lãnh đạo lại không tán thành vì nếu phát hành thêm cổ phiếu thì đến bao giờ Công ty mới chia được cổ tức?
Theo Ban Lãnh đạo Công ty, Chương Dương đang tìm đối tác để liên kết đầu tư. Có thể Chương Dương sẽ tính đến giải pháp bán cổ phần cho một quỹ đầu tư trong thời gian tới.