Chi phí quảng cáo: Giới hạn nào cho chúng ta
Doanh nghiệp ở Trung Quốc được giới hạn chi phí quảng cáo dưới mức 15% tổng doanh thu và được chuyển khoản vượt trần sang năm sau.
Doanh nghiệp ở Trung Quốc được giới hạn chi phí quảng cáo dưới mức 15% tổng doanh thu và được chuyển khoản vượt trần sang năm sau.
Vinamilk chấp nhận chi 50% tổng chi phí kinh doanh cho quảng cáo, tiếp thị. Với quy định chỉ 10% chi phí quảng cáo được khấu trừ thuế, Vinamilk đang phải chấp nhận chi phí tài chính khá lớn. Câu chuyện của công ty sữa hàng đầu Việt Nam này cho thấy đã đến lúc Việt Nam cân nhắc việc bỏ giới hạn chi phí quảng cáo.
Theo báo cáo tài chính, năm 2011, công ty sữa việt nam (Vinamilk) đã chi 902 tỉ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi trên tổng chi phí kinh doanh 1.812 tỉ đồng. Là công ty dẫn đầu ngành sữa, chiếm hơn 40% thị trường trong nước, việc Vinamilk sử dụng 50% tổng chi phí kinh doanh để xúc tiến bán hàng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi quy định mức chi cho quảng cáo tiếp thị được khấu trừ thuế chỉ là 10% tổng chi phí kinh doanh, vô hình chung Vinamilk đã bị khống chế mặc dù họ hoàn toàn có thể đẩy mạnh mức chi cho các hoạt động này hơn nữa.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Sữa là một ngành hàng tiêu dùng nhanh phụ thuộc nhiều vào quảng cáo và khuyến mãi để củng cố doanh số. Chính vì vậy, mức chi cho các hoạt động này ở nhiều doanh nghiệp sữa đều cao hơn 10% chi phí kinh doanh được khấu trừ thuế.
Cụ thể, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy tỉ lệ dành cho quảng cáo tiếp thị trên tổng chi phí kinh doanh ở một doanh nghiệp sữa của Mỹ hoạt động ở Việt Nam trong năm 2008 là 53%, năm 2009 là 37%, và năm 2010 là 14%. Bộ Tài chính cũng cho biết còn nhiều doanh nghiệp sữa khác đã vượt mức trần chi phí quảng cáo tiếp thị.
Thông thường, phần chi phí quảng cáo vượt mức này đã được các doanh nghiệp sữa cấn sang giá bán sản phẩm, để rồi người phải chịu thiệt là khách hàng.
Quy định giới hạn chi phí quảng cáo tiếp thị của doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ năm 1999. Theo Bộ Tài chính, các công ty đa quốc gia với sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ đều chi mạnh tay cho quảng cáo, thậm chí chấp nhận lỗ vốn để giành thị trường. Do đó, không thể phủ nhận những lợi ích của điều luật này, đặc biệt là đối với giới doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh của ngành sữa Việt Nam hiện nay, dường như việc khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị không những làm tăng giá sản phẩm mà còn mang đến những tác dụng ngược khác so với mục đích ban đầu.
Lợi bất cập hại
Hiện nay, ngoài Vinamilk, hầu hết những doanh nghiệp sữa của Việt Nam đều gặp khó khăn trong cạnh tranh với các công ty đa quốc gia vì các tập đoàn nước ngoài vẫn thoải mái bung tiền để quảng cáo.
Ông Lê Viết Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sữa Hancofood, cho biết nhiều doanh nghiệp sữa trong nước chấp nhận chi cho quảng cáo tiếp thị đến 20% chi phí kinh doanh nhằm xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Hà, nếu bỏ ngay giới hạn chi phí quảng cáo thì doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó chống cự được với những doanh nghiệp có vốn lớn và các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ những doanh nghiệp lớn như Vinamilk mới gặp phải những bất lợi từ việc khống chế mức chi phí quảng cáo tiếp thị. Một khảo sát do Bộ Tài chính thực hiện gần đây cho thấy có 66% doanh nghiệp ViệtNam cho rằng nên tiếp tục giữ giới hạn chi phí quảng cáo như hiện nay. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của NCĐT, đa số những doanh nghiệp đồng ý với quy định này đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc các doanh nghiệp hoạt động theo kiểu bao cấp. Có thể nói, đây chưa phải là những đại diện tiêu biểu cho giới doanh nghiệp Việt Nam vào lúc này.
Hiện nay chỉ có Việt Nam và Trung Quốc quy định mức trần chi phí cho các hoạt động xúc tiến bán hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở Trung Quốc được giới hạn chi phí quảng cáo tiếp thị dưới mức 15% tổng doanh thu và được chuyển tiếp khoản chi vượt trần sang năm sau. Trong khi đó, doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu mức trần quảng cáo là 10% tổng chi phí kinh doanh và không được chuyển tiếp phần vượt mức cho năm sau.