Tìm vốn cho Startup
Khó khăn do dịch bệnh khiến dòng vốn cho startup ngày càng chọn lọc hơn.
Trong những năm gần đây, hệ sinh thái Việt Nam ngày càng trở nên năng động và phát triển. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng startup đang hoạt động, với hơn 3.000 startup từ đa dạng lĩnh vực. Đồng thời, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, lần đầu tiên vượt qua Singapore và chỉ xếp sau Indonesia.
Mặc dù vậy, số lượng kỳ lân (unicorn – những doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) nhiều năm qua vẫn không tăng trưởng. Việt Nam hiện có 2 “kỳ lân công nghệ”, với VNPay cán ngưỡng 1 tỷ USD, còn VNG đã là kỳ lân từ năm 2014. Việt Nam vẫn xếp trên các quốc gia top dưới trong khu vực Đông Nam Á về số lượng unicorn nhưng nếu so với top trên thì còn kém cả số lượng và quy mô, giá trị. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 5 unicorn vào năm 2025 và 10 unicorn vào năm 2030.
Những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là nhiều startup công nghệ tại Việt Nam sao chép mô hình từ nước ngoài nhưng khả năng cạnh tranh kém, gặp các doanh nghiệp cùng loại hình, ngành nghề từ nước ngoài vào thì rất dễ bị đánh bại. Ngoài ra, nhiều nhà sáng lập các startup công nghệ lại xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ từ tầm nhìn kỹ thuật công nghệ cho nên ít nhiều gặp giới hạn trong việc mở rộng phân khúc người dùng từ góc độ sở thích, trải nghiệm hay phát triển kinh doanh.
Thêm vào đó, nhiều startup hạn chế về khả năng quảng bá, tiếp thị và nguồn vốn để đẩy mạnh tiếp cận, giáo dục người dùng dẫn đến mất rất nhiều thời gian để gia tăng lượng người dùng cũng như giá trị. Có thể nói, Việt Nam đang thiếu vắng các công ty khởi nghiệp có khát vọng lớn trong khu vực. Bình thường các startup đã gặp khó khăn trong việc tạo nguồn thu, trong thời kỳ trước và sau đại dịch COVID-19, khả năng cân đối giữa nguồn thu và chi phí càng khó khăn gấp bội và sức hấp dẫn của họ trong con mắt các nhà đầu tư cũng vì thế suy giảm nghiêm trọng.
Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc VinaCapital, tiết lộ, trong hơn 1.500 công ty khởi nghiệp trong nước, chỉ có 3% là bước đầu thành công. Đó là các công ty có giá trị trên 10 triệu USD, doanh số 2 triệu USD, với hơn 100 nhân viên và có khả năng gọi vốn vòng sau.
Bà Chelsea Nguyễn, Giám đốc Đầu tư của Quỹ ThinkZone Ventures, cho biết: “Số lượng các thương vụ chốt deal thành công trong năm 2020 chỉ đạt 40, thấp hơn nhiều so với con số 123 của năm 2019, giá trị đầu tư cũng chỉ còn khoảng 1/4 so với 900 triệu USD của năm 2019”. Ông Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập và CEO Loship, chia sẻ, Loship thay đổi chiến thuật gọi vốn, thay vì gọi những vòng vốn lớn, thì chia ra gọi từng khoản nhỏ với nhiều nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới. Khi bị cách ly, hạn chế đi lại, nhiều người phải mua sắm online, sử dụng các dịch vụ từ xa. Công nghệ giúp cho nhiều việc tưởng không làm được lại trở nên có thể”, ông Joonpyo Lee, Giám đốc Điều hành SoftBank Ventures Asia, nhận định.
Nửa đầu năm 2020, dù lượng vốn của các quỹ rót vào startup giảm 22% so với cùng kỳ do trở ngại từ dịch bệnh nhưng trên 50% số vốn cam kết, tương đương 220 triệu USD đã chi cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Dennis Lê, Giám đốc Đầu tư quỹ Openspace Ventures, cho biết năm 2020 việc giải ngân vào các startup chậm hơn là do các nhà đầu tư không thể bay đến Việt Nam để thẩm định. Với trường hợp quỹ Openspace, do đã có nhiều deal chuẩn bị từ trước nên khả năng sẽ có một số thương vụ đóng deal vào nửa đầu năm 2021.
Điều thiết yếu nhất hiện nay để có thể gọi được vốn chính là các startup cần phải tự định giá lại chính xác công ty của mình. Bởi vì nhiều startup đang tự định giá quá cao, có startup gọi vốn giá trị công ty 1-2 triệu USD nhưng không dựa trên yếu tố nào cả.
Theo bà Quỳnh Võ, Giám đốc chương trình Zone Startups Việt Nam, quan trọng là các startup phải biết mình làm được gì, thiếu gì, cần gì, muốn gì chứ không thể võ đoán. Đặc biệt, cũng cần lưu ý rằng, sự thay đổi, chuyển động là phải duy trì thường xuyên, liên tục, để đáp ứng và thích ứng các yêu cầu mới của đối tác cũng như thị trường.
Từ năm 2020 trở đi, việc đốt tiền để đổi lấy tăng trưởng không còn là xu hướng mà các quỹ đầu tư quan tâm nữa. Hiện tại, mọi bên đều cần tiền nên sẽ hướng đến những doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận và ổn định về mặt dài hạn. Chính vì vậy, các startup nên dịch chuyển dần mô hình từ rộng sang sâu từ số lượng sang chất lượng. Ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thuỵ Sĩ, nhận định khi số lượng đã đủ, như một lẽ tự nhiên, mọi thứ sẽ đi vào chiều sâu và sẽ cho ra đời những startup chất lượng hơn.
Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư