Mobile Money vẫn cần một phép thử

Mobile Money vẫn cần một phép thử

Tiền di động (Mobile Money) vẫn cần một phép thử đúng trước khi có thể trở thành “mỏ vàng” mới trong nền kinh tế số.

Thủ tướng đã cho phép triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm, áp dụng từ ngày 9/3/2021. Theo đó, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.

Thí điểm này mở ra cơ hội cung cấp một kênh thanh toán tiện lợi, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh cho các đơn vị thanh toán trung gian như các nhà mạng. Bên cạnh đó, do Chính phủ cũng dễ kiểm soát lượng tiền mặt, các vấn đề về thuế cũng tốt hơn, an toàn hơn.

Mobile Money vẫn cần một phép thử

Các doanh nghiệp viễn thông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money gửi Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến trong quý II/2021, các nhà mạng sẽ triển khai dịch vụ này ra thị trường. Ba nhà mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đại diện của Viettel cho biết, Công ty đã “nhanh chân” triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng. Các nhà mạng nhỏ hơn như Vietnamobile, ITELECOM hay Reddi đều khẳng định quan tâm tới hình thức thanh toán mới này và sẽ sớm thực hiện xin cấp phép.

Có thể thấy, trong giai đoạn đầu, các nhà mạng chỉ đứng ra thu hộ khách hàng, không được hưởng nhiều lợi ích tài chính ngoài việc cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng của mình. Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong giai đoạn đầu phát triển, công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money thường tập trung vào 1-2 dịch vụ chính như việc chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, tỷ trọng đóng góp doanh thu của Mobile Money đối với các nhà mạng ở Việt Nam sẽ chỉ khoảng 1-5%.

Tuy nhiên, tình hình sẽ khác khi thị trường đủ lớn và các nhà mạng có thể thu phí cho mỗi giao dịch. Dịch vụ này được cho là sẽ tạo nguồn doanh thu mới trong bối cảnh doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, SMS) tại Việt Nam liên tục đi xuống.

Cụ thể hơn, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital), cho biết, trong lộ trình phát triển của Viettel đối với dịch vụ Mobile Money là đến năm 2025, Viettel dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao.

Mobile Money vẫn cần một phép thử

Như vậy, doanh thu trung bình một tháng đối với dịch vụ Mobile Money (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025, theo tính toán mức chi tiêu trung bình như trên sẽ rơi vào khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Cộng thêm 2 mạng lớn VinaPhone và MobiFone với hàng chục triệu thuê bao nữa, con số doanh thu/ thanh toán qua Mobile Money chắc chắn sẽ còn lớn hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất. Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng đều được thực hiện bằng tiền mặt. Đây cũng là đối tượng của các dịch vụ Mobile Money.

Trong lộ trình Việt Nam đang đẩy mạnh mục tiêu tiến tới nền kinh tế số, Mobile Money được coi là một động lực lớn, giúp nhanh chóng phổ cập thanh toán số tới toàn dân. Theo Báo cáo Fintech và Ngân hàng số 2025 do Backbase và IDC phối hợp thực hiện, có hơn 3/5 khách hàng (63%) sẵn sàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng kỹ thuật số và tổ chức tín dụng trong 5 năm tới. Tại Việt Nam, giao dịch qua di động cũng được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% trong cùng thời điểm.

Mobile Money vẫn cần một phép thử

Hình ảnh VNPTPay
Ảnh: TL.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Theo Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA), dịch vụ Mobile Money đã có mặt tại hơn 95 quốc gia, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 2 tỷ USD; số người tiếp cận các đại lý chuyển tiền cao gấp 7 lần ATM. Tại Châu Á, Thái Lan và Ấn Độ, dịch vụ này cũng đang phát triển nhanh với 1/2 hoặc 2/3 người lớn có tài khoản Mobile Money.

Mặc dù tiềm năng nhưng thách thức khi thói quen thanh toán dùng tiền mặt ở Việt Nam không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều. Bên cạnh đó, nếu việc định danh khách hàng, quản lý sim rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, Mobile Money có thể là kênh để “rửa giao dịch”, ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền. Chưa kể, vẫn còn đó những lo ngại Mobile Money sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng. Vì vậy, “phép thử” cho Mobile Money là bước đi thận trọng cần thiết trước một “mỏ vàng” lớn nhưng cũng không ít rủi ro.

Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư