Động lực tăng trưởng: Nội công & ngoại kích

Động lực tăng trưởng: Nội công & ngoại kích

VinaCapital đánh giá Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng và dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư 10 tỷ USD vào nền kinh tế.

Đối với các mục tiêu năm 2045, để cạnh tranh vượt trội với các nước trong khu vực, Việt Nam không chỉ phát huy nội lực mà còn nên dựa trên thế mạnh của mình, dùng ngoại lực để xây dựng đất nước.

Về nội lực, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, đây là cơ hội vô cùng lớn cho tất cả các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. “Xây tổ đón đại bàng” đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những chuẩn bị về đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyết với Việt Nam. Trong các yếu tố chuẩn bị, có 2 yếu tố nên được quan tâm hàng đầu:

Yếu tố kết nối: Quy hoạch kinh tế liên vùng nên tính tới sự kết nối giữa các địa phương không chỉ về hạ tầng giao thông – đường bộ, đường thuỷ hoặc đường sắt, đường hàng không giúp hàng hoá được lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí mà còn kết nối các khu công nghiệp – khu chế xuất... với các thành phố và khu dân cư vệ tinh, giúp cho đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, người lao động được hỗ trợ tối đa về điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế cũng như ổn định cuộc sống của gia đình họ.

Động lực tăng trưởng: Nội công & ngoại kích

Nếu lấy ví dụ điển hình, có thể coi TP.HCM là trung tâm thương mại, tài chính, văn hoá lớn nhất của khu vực phía Nam, đồng thời cũng là nơi mà nguồn vốn FDI đổ vào mạnh nhất và là nơi tập trung đông nhất của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, mức độ kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh vẫn còn thiếu thuận tiện vì thời gian di chuyển từ trung tâm này đến các trung tâm tỉnh thành liền kề cần ít nhất 2-3 tiếng trong điều kiện giao thông hiện tại, nếu không kẹt xe. Nếu kể đến các tỉnh miền Tây thì ít nhất cũng từ 3-5 tiếng đi ô tô. Sự thiếu thuận tiện này là yếu tố khiến các nhà đầu tư cân nhắc vì thời gian dịch chuyển quá dài, gây mệt mỏi và lãng phí tài nguyên cũng như công sức.

Yếu tố về Chỉ số thuận lợi kinh doanh, qua quan sát của NCĐT trong suốt nhiều năm qua, đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn. NCĐT vẫn tin rằng, chúng ta có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa.

Về ngoại lực, chúng ta phải thừa nhận rằng, chính dòng vốn FDI đã giúp nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trong suốt những năm qua khi hiệu quả của các tập đoàn kinh tế trong nước còn hạn chế. Ngay trong bối cảnh đại dịch toàn cầu hiện tại, để phục hồi nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một lần nữa dòng vốn FDI lại có thể phát huy vai trò dẫn dắt cho kinh tế Việt Nam.

Khi so sánh lợi thế về thu hút đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực, có thể thấy Thái Lan và Indonesia là 2 nước đã rất thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao vào các dự án lớn, mang lại hiệu quả chung toàn bộ nền kinh tế. Cùng với sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với họ.

Chúng ta đang có lợi thế về việc kiểm soát dịch bệnh, đang là “bến đỗ an toàn” có khả năng đảm bảo tính liên tục trong sản xuất và có những cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư, nhưng lợi thế này sẽ nhanh chóng mất đi khi các quốc gia khác quay trở lại trạng thái bình thường.

Động lực tăng trưởng: Nội công & ngoại kích

Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng và các dự án thuộc về cơ sở hạ tầng dùng hỗ trợ cho sự phát triển của các địa phương, kinh tế từng khu vực đang rất cần các nhà đầu tư thực sự đủ năng lực tài chính và năng lực triển khai. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hướng tới việc liên kết xây dựng các tổ hợp kinh tế lớn với đầy đủ điều kiện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đủ kết nối để việc đầu tư được diễn ra thông suốt và nhanh chóng.

NCĐT và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao các cơ hội đầu tư vào đất nước Việt Nam đầy tiềm năng. Tập đoàn VinaCapital đang hướng tới việc liên kết đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài và cả “đại bàng trong nước” vào những khu kinh tế mở, các dự án có tầm phủ sóng cho một khu vực gồm vài tỉnh thành, dự kiến thu hút trên 10 tỷ USD trong tương lai rất gần.

Hướng về năm 2045, với vị thế Việt Nam hiện có, đồng thời Chính phủ đang có những quyết sách quan trọng cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ để Việt Nam vừa phát huy được nội lực: xây dựng Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trở thành 3 đầu tàu kinh tế quan trọng, thu hút được ngoại lực là nguồn vốn FDI chất lượng cao và bền vững thúc đẩy sự phát triển vững mạnh cho cả 3 khu vực Bắc – Trung – Nam, NCĐT cho rằng mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 là một mục tiêu đầy thách thức nhưng khả quan.

Tương tự như cách Việt Nam đã liên tục chứng minh khả năng thích nghi và không ngừng phát triển, thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử hiện đại và gần nhất là thành tích trong thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Don Lam
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư