Thế Giới Di Động (MWG): Tháng 1 doanh thu giảm 12% còn hơn 11.000 tỷ đồng

Thế Giới Di Động (MWG): Tháng 1 doanh thu giảm 12% còn hơn 11.000 tỷ đồng

MWG cho biết, cuối tháng 1/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 khiến nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội, phong toả các khu vực có ca nhiễm đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các mặt hàng không thiết yếu.

CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) mới công bố tình hình kinh doanh tháng 1/2021. Theo đó, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 11.049 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ (tháng 1/2020 đạt 12.560 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 494 tỷ đồng, giảm gần 11%. Với kết quả này MWG đã hoàn thành 9% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch LNST cả năm.

Theo MWG, nhu cầu mua sắm của khách hàng thường tăng mạnh trong khoảng 2 tuần trước Tết Nguyên Đán. Theo đó, mùa cao điểm bán hàng năm nay bắt đầu từ cuối tháng 1 và kéo dài đến hết ngày 10/2/2021 thay vì tập trung vào tháng Giêng như năm 2020. Do vậy, việc so sánh tăng trưởng so với cùng kỳ tháng 1 không có nhiều ý nghĩa. Kết quả luỹ kế 2 tháng đầu năm sẽ phản ánh đúng bức tranh tổng thể cho mùa kinh doanh Tết.

Mặt khác, cuối tháng 1/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện việc giãn cách xã hội, phong toả các khu vực có ca nhiễm đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các mặt hàng không thiết yếu.

Thế Giới Di Động (MWG): Tháng 1 doanh thu giảm 12% còn hơn 11.000 tỷ đồng

Về kết quả kinh doanh từng mảng, chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) đạt hơn 8.700 tỷ doanh thu (tăng 24% so với tháng 12/2020 và tăng 20% so với mức trung bình của 12 tháng trong năm 2020). Trong đó, chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS) – động lực tăng trưởng của mảng bán lẻ điện tử tiêu dùng trong năm 2021 – tiếp tục mở 65 điểm bán mới trong tháng 1, nâng tổng số cửa hàng lên 367 và mang về hơn 450 tỷ đồng doanh thu cho công ty. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt hơn 1,2 tỷ đồng trong tháng cao điểm.

Doanh thu đến từ các giao dịch online chiếm hơn 8% tổng doanh số của TGDĐ và ĐMX. Vào dịp Tết, khách hàng có xu hướng đến trực tiếp cửa hàng nhiều hơn mua online vì cần được tư vấn – hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng, không phải chờ đợi giao hàng, có nhiều lựa chọn mua trả góp dễ dàng. Đặc biệt là lượng khách hàng mới của ĐMS ở vùng sâu, vùng xa hầu hết chỉ quen mua sắm tại cửa hàng.

Về mảng thực phẩm, với 1.749 cửa hàng tại ngày 31/1/2021 và kênh BHX online, chuỗi BHX ghi nhận doanh thu gần 2.300 tỷ đồng, tương đương mức đóng góp gần 21% tổng doanh thu của MWG. Trong tháng 1, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt gần 1,3 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động (MWG): Tháng 1 doanh thu giảm 12% còn hơn 11.000 tỷ đồng

BHX đã hoàn tất nâng cấp thêm 57 cửa hàng diện tích hơn 500m2 chủ yếu tại khu vực tỉnh

Ngoài 30 cửa hàng mở mới trong tháng, BHX đã hoàn tất nâng cấp thêm 57 cửa hàng diện tích hơn 500m2 chủ yếu tại khu vực tỉnh, nâng tổng số cửa hàng loại này lên 239 tại 19 tỉnh thành khu vực Nam Bộ. Tỷ trọng của nhóm cửa hàng này trong tổng doanh thu BHX tăng từ 21% cuối tháng 12/2020 lên 25% vào tháng 1/2021.

Trên kênh BHX online, số lượng đơn hàng và doanh thu tháng 1/2021 tăng lần lượt là 18% và 20% so với tháng 12/2020. Tỷ trọng đóng góp của kênh online trên tổng doanh thu BHX đã tăng đáng kể lên 3% so với mức 1% đầu năm 2020.

Ngoài ra, cuối tháng 1, An Khang có 75 nhà thuốc đang hoạt động (trong đó có 60 điểm bán được sắp xếp đi cùng với mô hình BHX diện tích lớn).

Khả năng tăng trưởng cao như giai đoạn 2015 – 2019 là rất khó

Do ảnh hưởng của COVID-19, doanh số bán hàng thiết yếu dự kiến sẽ tốt hơn các mặt hàng không thiết yếu.

Năm 2021, ban lãnh đạo MWG đánh giá thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở lại đà tăng trưởng hai chữ số với doanh thu thuần dự kiến đạt 125.000 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,6% và 37,7% so với kế hoạch của năm 2020.

Trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ mới đây, Mirae Asset cho rằng MWG đã đi vào giai đoạn bão hoà và khả năng tăng trưởng cao như giai đoạn 2015 – 2019 là rất khó. Thay vào đó, mức tăng trưởng bền vững đối với doanh thu và lợi nhuận của MWG trên 10% được cho là khả thi.

Theo Mirae Asset, FMCG sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán lẻ. Do ảnh hưởng của COVID-19, doanh số bán hàng thiết yếu dự kiến sẽ tốt hơn các mặt hàng không thiết yếu. Điều này dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2021.

Bảo Vy
Nguồn BizLive