Lợi nhuận của Sabeco và Habeco ngược chiều tăng trưởng trong năm 2020

Lợi nhuận của Sabeco và Habeco ngược chiều tăng trưởng trong năm 2020

Sabeco và Habeco đều chịu tác động của Nghị định 100 và dịch bệnh COVID-19 tuy nhiên lợi nhuận của hai “ông lớn” ngành bia lại ngược chiều tăng trưởng trong năm 2020 vừa qua.

Năm 2020 có thể nói là một năm thật sự khó khăn đối với ngành bia. Lĩnh vực này chịu tác động từ Nghị định 100 về phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020), dịch bệnh COVID-19 bùng phát và bão lũ tại miền Trung.

Trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả bởi COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2020, tương ứng giảm 3,6%/22,9%/11,9% so với cùng kỳ trong quý I-III/2020.

Sau khi kiểm soát được đại dịch, từ tháng 6, sản lượng sản xuất bia hàng tháng giảm nhẹ hơn so với mức giảm trong tháng 3 đến tháng 5 và có dấu hiệu phục hồi. Điều này cũng cho thấy rằng chu kỳ tăng/ giảm tồn kho của các nhà sản xuất bia có khả năng trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, cho cả năm 2020, tổng sản lượng sản xuất đạt chỉ 4,4 tỷ lít, giảm 13,9% so với cùng kỳ.

Điều này đã kéo tụt doanh số của các doanh nghiệp ngành bia trong đó hai “ông lớn” là Sabeco và Habeco cũng không ngoại lệ. Dù vậy, hai doanh nghiệp này lại có sự ngược chiều về tăng trưởng lợi nhuận trong năm qua do những nguyên nhân khác nhau.

Lợi nhuận của Sabeco và Habeco ngược chiều tăng trưởng trong năm 2020

Sabeco kẹp giữa ba “gọng kìm”

Trong quý IV/2020, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã SAB) ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 7.865 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ do tác động của bão và lũ lụt. Dù vậy, biên lãi gộp của “đại gia” ngành bia lại được cải thiện đáng kể từ 26,2% lên 31,4% nhờ tiết giảm giá vốn. Lợi nhuận gộp chỉ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 2.468 tỷ đồng.

Cùng sự sụt giảm doanh thu, các chi phí quảng cáo và khuyến mãi, bao bì luân chuyển... được tiết giảm đáng kể giúp chi phí bán hàng giảm 16,6% xuống 754 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ cũng giảm tới 73% xuống gần 140 tỷ đồng. Kết quả, Sabeco lãi sau thuế 1.534 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.466 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với quý IV/2019.

Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh quý cuối cùng không đủ giúp Sabeco ngược dòng tăng trưởng dương trong năm 2020 bởi tác động của Nghị định 100, COVID-19 và mưa lũ tại miền Trung đã phản ánh rõ rệt lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong các quý trước. Thêm vào đó, ảnh hưởng của bão, lũ tại miền Trung cũng kéo tụt doanh số của “đại gia” ngành bia.

Năm 2020, doanh thu của Sabeco sụt giảm tới hơn 26% so với năm trước, xuống gần 27.961 tỷ đồng. Nhờ cải thiện biên lợi nhuận, lãi ròng còn giảm 8% so với năm trước xuống gần 4.937 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 4.723 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Sabeco và Habeco ngược chiều tăng trưởng trong năm 2020

Habeco tăng trưởng nhờ hoạt động bất thường

Trong khi đó, Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã BHN) lại thoát lỗ trong quý IV/2020 nhờ khoản thu nhập khác (59 tỷ đồng) và hoàn nhập chi phí dự phòng phải trả ngắn hạn (256 tỷ đồng).

Trong kỳ, doanh thu thuần của Habeco đạt 1.852 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ tuy nhiên biên lãi gộp lại được cải thiện từ 24% lên trên 26%. Các chi phí phát sinh trong kỳ đều tăng khiến doanh nghiệp này lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Dù vậy, Habeco vẫn thu về 234 tỷ đồng lãi ròng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 254 tỷ đồng, gấp 3,25 lần cùng kỳ.

Kết quả này giúp đẩy lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cả năm 2020 của Habeco lên 718 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 33% so với năm trước bất chấp doanh thu vẫn giảm 20% xuống 7.464 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Sabeco và Habeco ngược chiều tăng trưởng trong năm 2020

Dù ghi nhận tăng trưởng dương tuy nhiên không thể phủ nhận năm 2020 cũng là một năm hoạt động đầy khó khăn của Habeco. Doanh nghiệp này thậm chí đã lần đầu báo lỗ trong 1 quý sau nhiều năm khi lỗ 72 tỷ đồng quý đầu tiên. Tuy nhiên, trong hai quý cao điểm (quý II và III) sau đó, lợi nhuận của Habeco đã hồi phục trở lại ở mức 224 tỷ và 313 tỷ đồng.

Tác động của Nghị định 100 có thể sẽ giảm dần

Bước sang năm 2021, SSI Research đánh giá ngành bia sẽ phục hồi tuy nhiên vẫn cần nhiều thời gian hơn để trở về mức trước COVID-19 bởi sự nhạy cảm với dịch bệnh.

Xu hướng khách ghé thăm nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, bảo tàng... vẫn còn yếu, giảm 10% so với mức cơ sở, theo báo cáo tháng 12/2020 của Google. Việc thiếu vắng khách quốc tế cũng góp phần khiến lượng tiêu thụ bia giảm. Theo GSO, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ năm 2019.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng điều chỉnh thói quen uống rượu, bia, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Mặt khác, Bộ phận phân tích này cho rằng tác động của Nghị định 100 đối với ngành bia có thể giảm dần do người tiêu dùng Việt Nam ngày càng điều chỉnh thói quen uống rượu của họ, đặc biệt là ở các thành phố lớn (nơi tài xế thường xuyên được kiểm tra nồng độ khí thở) và dần quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (taxi, dịch vụ gọi xe).

Theo SSI Reseach, kênh phân phối mua về nhà (off-premise) dần trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on-premise) cần thời gian để phục hồi. Do đó, các công ty bia đã bắt đầu tập trung hơn vào kênh off-premise và kênh thương mại hiện đại.

Tuy nhiên, SSI Research vẫn đánh giá việc phát triển sản phẩm vẫn là yếu tố cạnh tranh quyết định vì người tiêu dùng luôn muốn thử các sản phẩm mới, đặc biệt là những người trẻ. Do đó, việc ra mắt sản phẩm mới thành công sẽ rất quan trọng đối với các nhà sản xuất bia để đạt mức tăng trưởng cao hơn toàn ngành.

Trong dài hạn, loại đồ uống lên men từ trái cây (cider/perry) ước tính ngày càng trở nên phổ biến hơn (mặc dù giá cao), với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) về sản lượng tiêu thụ ước tính là 8% trong giai đoạn 2019 – 2024, cao hơn bia, rượu mạnh hoặc rượu vang, theo ước tính của Euromonitor.

Thanh Hà
Nguồn BizLive