Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả

Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả

Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả.

Đầu năm 2021 ngành du lịch đã khởi đầu với những tín hiệu tích cực. Nhiều khách sạn trong thành phố ghi nhận sự hồi phục của mảng kinh doanh MICE và hội nghị. Bên cạnh các chương trình du lịch tại chỗ (staycation), một số khách sạn thành phố chú trọng hơn về mảng dịch vụ ăn uống F&B như một điểm nhấn để thu hút và khai thác các tệp khách hàng mới.

Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh gần đây ở Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác lại một lần nữa đẩy lùi ngành du lịch cả nước. Vì thế, dịp Tết Nguyên đán năm nay tiếp tục chứng kiến cảnh ảm đạm, vắng vẻ của ngành khách sạn, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá thuê khách sạn và công suất phòng trong dịp Tết cũng sụt giảm mạnh. Trên các nền tảng đặt phòng khách sạn trực tuyến như Booking, Agoda..., nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế, tiêu chuẩn 5 sao đã đưa ra chính sách giảm giá thấp chưa từng có, lên đến gần 70%.

Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả

Cụ thể, tại Hà Nội, khách sạn JW Marriott Hotel giảm từ 6,2 triệu đồng/đêm/phòng xuống còn 3,2 triệu đồng. Tại khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, giá bán trên nền tảng Agoda cũng giảm từ 5,2 triệu đồng xuống còn 1,9 triệu đồng. Tại TP.HCM, hàng loạt khách sạn 5 sao như New World Saigon, Nikko Saigon, Caravelle Saigon, Sheraton Saigon Hotel & Towers, Rex... đều tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá trên 60%, đi kèm với nhiều ưu đãi như miễn phí huỷ phòng, tặng kèm bữa sáng, giảm giá các dịch vụ tại khách sạn như nhà hàng, spa, bar... lên đến 50%.

Ông Trương Đức Hùng, Chủ tịch Chi hội Khách sạn TP.HCM, cho biết thời điểm này mọi năm, những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang vào mùa đón khách quốc tế, công suất ở các khách sạn lớn có thể lên tới 80-90%. Tuy nhiên, sau khi ca nhiễm mới được công bố, nhiều sự kiện, hội họp, khách MICE bị huỷ, ngay cả đám cưới cũng huỷ, khiến nhiều khách sạn thêm khó khăn.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường ghi nhận sự giảm mạnh cả về công suất thuê phòng và mức giá phòng trung bình ngày (ADR), ước tính doanh thu phòng tại một số khu vực giảm gần 70% so với năm 2019. Tại Hà Nội và TP.HCM công suất phòng cho năm 2020 đạt lần lượt 32% và 23%, giảm mạnh so với mức 80% và 72% vào năm 2019. Nhìn chung, công suất phòng tại thị trường Việt Nam giảm từ mức 62% vào năm 2019 xuống còn chỉ 24% năm 2020.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương, nhận xét: “Trong bối cảnh này, một số hội nghị đã phải tạm dừng hoặc bị trì hoãn do lo ngại tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biến phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh MICE của các khách sạn thành phố khi giai đoạn này vốn dĩ là mùa cao điểm từ nhu cầu tổ chức sự kiện và hội nghị”.

Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả

Sự cố tái lây nhiễm trong cộng đồng gần đây cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh lên ngành du lịch. Với tình hình hiện tại, nhiều công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không thích ứng với tình hình mới bằng cách đưa ra các chính sách đặt lại chỗ linh hoạt hơn, mở rộng nền tảng số... Chẳng hạn, theo ông Keith Tan, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, trạng thái bình thường mới của du lịch sẽ tập trung vào các giao dịch không tiếp xúc, như điểm kiểm tra nhập cảnh, đăng ký khách sạn và thanh toán nhằm hạn chế tương tác vật lý và điểm tiếp xúc. Các khách sạn sẽ sử dụng robot để dọn dẹp, làm sạch những khu vực cộng đồng như hành lang và phòng chờ. Ngoài ra, du khách và nhân viên khách sạn sẽ giao tiếp với nhau thông qua màn hình cảm ứng.

Với tình hình mới, nhiều giải pháp đã không còn phù hợp, nhất là phương án giảm giá, bởi doanh nghiệp trong ngành đã kiệt sức. Nhìn xa hơn, cuộc đua giảm giá sẽ đặt ra mặt bằng giá mới của ngành công nghiệp du lịch hậu COVID-19 như đã từng diễn ra sau dịch SARS. Vì thế, khách sạn đang hướng tới điểm cân bằng của tăng trưởng bền vững hơn cùng xu thế của ngành công nghiệp du lịch thế giới.

Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả

Theo tổ chức OECD, COVID-19 đưa ra cơ hội chỉ có một lần trong đời để hướng tới các mô hình phát triển du lịch bền vững và linh hoạt hơn. Ông Paul Flatters, đại diện của Trajectory Partnership, nhận định: “Cách đây 20 năm, phát triển du lịch được coi là tốt cho nền kinh tế, nhưng giờ đây nó là con dao hai lưỡi. Mối quan tâm về tác động của du lịch đối với môi trường trong đại dịch khiến con người nhận thức lại về các vấn đề phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã, cũng như cung cấp việc làm... Nhiều điểm đến không đạt được sự cân bằng giữa lượng khách du lịch và sự nhạy cảm của địa phương”.

Chẳng hạn, người dân Venice từ lâu đã phản đối các tàu du lịch khổng lồ, khiến một số công ty phải bỏ thành phố này khỏi hành trình. Venice cũng có kế hoạch áp thuế đối với tất cả du khách từ năm 2022. Machu Picchu, điểm du lịch đặc biệt của Peru, đã áp đặt giới hạn số du khách mỗi ngày khoảng 600 người so với con số 5.000 du khách trước đó. Thái Lan có kế hoạch quảng bá 55 vùng ít du khách đến thăm của đất nước...

Theo OECD, tập trung thu hút khách du lịch sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn là một cách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch lành mạnh hơn. Cân bằng phù hợp giữa lợi ích và chi phí kinh tế, môi trường và xã hội đã cho thấy một điểm nhấn mới về tính bền vững. Ít sự lựa chọn và cạnh tranh hơn, nếu các doanh nghiệp phá sản, có thể đồng nghĩa với việc giá cao hơn.

Khách sạn tiếp tục gánh thêm khó khăn khi giảm giá không còn là giải pháp hiệu quả

Theo tổ chức OECD, COVID-19 đưa ra cơ hội chỉ có một lần trong đời để hướng tới các mô hình phát triển du lịch bền vững và linh hoạt hơn
Ảnh: Quý Hoà

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, phân tích, sau đại dịch này sẽ không nói trước được về những rủi ro tiếp theo có thể xảy ra, du khách đã chọn những điểm đến ít đông người hơn, tăng tính bền vững và cần có trong sản phẩm, dịch vụ du lịch; cao hơn là yêu cầu về du lịch có trách nhiệm xuất phát từ khách hàng.

Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, thì cho rằng đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc. Bởi lẽ, thị trường chưa hẳn đã hết hy vọng vì sau giai đoạn cách ly toàn xã hội, khi thu nhập chung có xu hướng đi xuống và số chuyến bay quốc tế còn hạn chế, nhu cầu du lịch nội địa sẽ được tăng cường. Ngoài ra, khách lẻ đi công tác cũng sẽ nằm trong nhóm phục hồi sớm sau đại dịch. Khi các chuyến bay quốc tế dần được mở lại, du khách từ Đông Bắc Á dự kiến sẽ quay lại Việt Nam sớm nhất.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Hải Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư