Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 chỉ tăng 0,06%
Mặc dù là tháng trước Tết nhưng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng trước.
Mức tăng thấp dù là tháng mua sắm Tết
Đây là mức tăng thấp nhất của các tháng 1 trong vòng 5 năm gần đây. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong rổ hàng hoá tính CPI, có 9 nhóm hàng hoá tăng giá. Trong đó, nhóm Giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,29% so với tháng trước, và nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu đã 2 lần điều chỉnh tăng vào các ngày 11/1/2021 và ngày 26/1/2021.
Trong khi đó, do nhu cầu chuẩn bị cho dịp Tết, nên CPI nhóm Hàng ăn và Dịch vụ ăn uống tăng 0,64% so với tháng trước. Do rét đậm rét hại, nhu cầu mua sắm quần áo tăng cao hơn nên nhóm May mặc, mũ nón, giày dép cũng tăng 0,44%. Đây là các mức tăng khá cao.
Các nhóm hàng hoá còn lại, nhóm Giáo dục tăng 0,33%; nhóm Đồ uống và Thuốc lá tăng 0,32%; nhóm Hàng hoá và Dịch vụ khác tăng 0,24%; còn nhóm Thiết bị và Đồ dùng gia đình và nhóm Văn hóa, Giải trí và Du lịch cùng tăng 0,08% so với tháng trước.
Ngoài các nhóm hàng tăng giá, trong tháng đầu năm mới ghi nhận 2 nhóm hàng giảm giá. Đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm tới 2,31% so với tháng trước, chủ yếu giảm ở giá điện sinh hoạt, do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong khi đó, nhóm Bưu chính – Viễn thông giảm 0,1% so với tháng trước, do giá các mặt hàng điện thoại di động giảm khi các hãng điện thoại cạnh tranh giảm giá vào dịp cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng cuối năm của người dân tăng cao, bình quân tháng 1/2021, giá vàng tăng 2,17% so với tháng trước, dao động quanh mức 5,45 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2020.
CPI cả năm 2021 tăng dưới 4%?
Phân tích những yếu tố tác động tới CPI, ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính), cho biết: CPI năm 2020 chủ yếu bị tác động mạnh bởi giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng 2 nhóm hàng này tăng mạnh vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn do giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% vì đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, kéo dài, nên nhu cầu mặt hàng này trong năm 2020 luôn ở mức cao.
Mặc dù thời điểm hiện tại, giá cả một số hàng hoá, dịch vụ đang tăng, nhưng ông Minh vẫn dự báo, CPI bình quân năm 2021 sẽ dao động từ 3,2-3,8%.
Nhìn vào biểu đồ tăng CPI từng tháng trong năm 2020 so với cùng kỳ năm năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế – Tài chính) dự báo, khả năng CPI năm 2021 sẽ dưới 3%, tức là thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (mục tiêu tăng CPI dưới 4%).
“Với giả định lạm phát cơ bản tăng trung bình 0,23%/tháng, tương đương với mức tăng của năm 2019 – năm trước khi xảy ra bệnh dịch COVID-19, đồng thời, giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng nhẹ, CPI tháng 12/2021 sẽ tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2020, còn lạm phát trung bình sẽ vào khoảng hơn 2%. Trong trường hợp có biến động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình năm 2021 nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%”, ông Độ nhận định.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì năm 2021, CPI sẽ tăng từ 3,5-4,2%. “Nếu đại dịch COVID-19 được khống chế, kinh tế thế giới phục hồi, GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng khoảng 6,17%, thì CPI sẽ tăng 3,5%. Còn trong trường hợp kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến (tăng khoảng 4%), nhờ đó, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,72%, thì CPI năm 2021 sẽ vượt mức Quốc hội cho phép, lên 4,2%”, ông Đức Anh dự báo.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư