Bán cổ phần, Habeco có bị Carlsberg thâu tóm?
Việc bán cổ phần tại Công ty Bia Hà Nội (Habeco) cho Carlsberg là động thái cần thiết để phát triển, tuy nhiên, không ít người lo ngại rằng: Liệu Habeco có bị Carlsberg "nuốt gọn" như trường hợp của Huda Huế không?
Gần đây, Bộ Công thương đã quyết định chọn Carlsberg làm đối tác chiến lược của Habeco với việc bán lại cho Carlsberg thêm cổ phần mà Bộ Công thương đang nắm giữ ở Habeco.
Trước đó, Carlsberg đang nắm giữ 17,23%, mong muốn được nâng thành 30%, nhưng có vẻ như mọi chuyện không được thành công khi Bộ Công thương đang xem xét không tăng ngay lập tức 30% mà chỉ 25%. Từ mức giá 32.000 đồng/cổ phần, nay Carlsberg đã đưa ra mức giá 50.015 đồng/cổ phần, nếu bán thêm cho Carlsberg thì Bộ Công thương sẽ thu về một số tiền không hề nhỏ.
Bộ Công thương có cái lý của mình khi đưa ra quyết định chỉ cho phép Carlsberg tăng thêm 25% thay vì 30 như ý muốn của họ. Bởi nếu không tính toán một cách rõ ràng thì Carlsberg sẽ nắm trong tay quyền chi phối tại đơn vị này rất nhiều, gây ảnh hưởng tới Habeco và lợi ích của cổ đông, chưa tính tới yếu tố họ có thể lợi dụng những khúc mắc về tài chính mà Habeco đang có.
Ví dụ điển hình nhất mà Habeco đang có là: Hiện tại, đơn vị này định giá chưa chính xác giá trị của Habeco hiện nay. Habeco chưa thể định giá tài sản của mình một cách rõ ràng, như việc Habeco đang có một bất động sản (được sử dụng là nơi sản xuất) tại địa chỉ 183 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, được định giá 1.000 tỷ VNĐ chiếm xấp xỉ 40% giá trị doanh nghiệp.
Theo như Habeco giải thích, sở dĩ họ định giá cao như thế vì trên thực tế, doanh nghiệp này phải để lại 1 tỉ lệ lợi nhuận rất lớn để bù đắp khoản "vốn ảo" hàng năm là thiệt thòi cho cổ đông đại chúng. Doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý lẽ để đưa tỉ lệ này xuống. Xong cho tới thời điểm này chưa có một câu trả lời chính xác nào từ cơ quan chức năng.
Bộ Công thương đã quyết định chọn Carlsberg làm đối tác chiến lược của Habeco với việc bán lại cho Carlsberg thêm cổ phần mà Bộ Công thương đang nắm giữ ở Habeco.
Bộ Công thương đã từng gửi công văn yêu cầu Carlsberg phải chấp hành mọi nghĩa vụ phát sinh liên quan tới xử lý tồn tại về lợi thế sử dụng theo quyết định của phía cơ quan chức năng Việt Nam sau này. Đây là một khoản tiền khá lớn, nếu cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối thì sẽ dễ dàng xử lý, nhưng nếu cổ đông nước ngoài nắm giữ số cổ phần quá cao sẽ đồng nghĩa với việc: họ có quyền phủ quyết nghị quyết mọi vấn đề của ĐHCĐ.
Nhiều ý kiến cho rằng: Không nên phát hành thêm cho Carlsberg vì hiện tại thế lực của Carlsberg rất lớn, nắm trong tay hàng loạt cổ phần lớn tại các công ty bia lớn ở Việt Nam, chưa kể tới việc Huda Huế đã thuộc 100% vốn của Carlsberg. Nên Habeco và Bộ Công thương phải có biện pháp an toàn khi bán cổ phần cho Carlsberg.
Ngoài những biện pháp như không để Carlsberg nắm quá 30% trong Habeco còn phải có những điều khoản rõ ràng, phải để Carlsberg hiểu rằng họ đang "chơi ở sân nhà của Việt Nam" chứ không phải sân nhà của họ. Và nếu đã chơi ở "sân nhà Việt Nam" thì bắt buộc phải làm theo luật. Để đảm bảo lợi ích của người dân và đóng góp cho Việt Nam.
Tính tới thời điểm hiện tại nếu không tính Bộ Công thương và Carlsberg thì Habeco có hơn 1.000 cổ đông, nhưng gộp nhóm này lại chưa vượt quá 2% ở Habeco. Đồng nghĩa với việc 1.000 cổ đông này không hề có tiếng nói ở Habeco, mà chỉ có Bộ Công thương và Carlsberg là những đơn vị có quyền chi phối tại Habeco.
Ở thời điểm này, nếu bán cho Carlsberg 25% có thể chưa ảnh hưởng gì nhiều cho Habeco và lợi thế của Bộ Công thương nhưng sớm hay muộn thì Habeco cũng thành công ty lên sàn, và nếu như không xử lý khéo léo thì không ai có thể lường trước được: sẽ có sóng gió ở Habeco như ở Bibica đang diễn ra hay không?