Sức bật của eTrust.vn
Từ một dịch vụ thử nghiệm, chỉ sau 1 năm eTrust đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng khi cán mốc doanh thu hơn 4 triệu USD trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Không chỉ tồn tại bối cảnh bình thường mới, eTrust.vn còn nắm bắt cơ hội kinh doanh và dẫn đầu xu hướng tặng quà theo hình thức hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch bệnh. Sự thành công của eTrust là ví dụ điển hình nhất về việc kết hợp giữa may mắn và am hiểu thị trường của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn nhất.
Hãy cùng trao đổi với ông Nguyễn Dương Huy Vũ, CEO Công ty TNHH MTV Đầu Tư và Công nghệ Fibo, đơn vị chủ quản eTrust.vn để hiểu thêm về vấn đề này.
Phát triển trong mùa dịch
* Ông có thể chia sẻ một chút về lịch sử hình thành eTrust?
Thành lập năm 2018, tiền thân của eTrust là giải pháp bảo hành điện tử bằng tin nhắn, thay thế các giấy tờ chứng từ bằng tin nhắn điện thoại. eTrust thừa hưởng lợi thế công nghệ từ Fibo, đơn vị có 10 năm trong lĩnh vực viễn thông.
Khách hàng sau khi mua hàng chỉ cần nhắn tin mã số bảo hành theo cú pháp có sẵn thì việc bảo hành sản phẩm sẽ được kích hoạt và họ chỉ việc sử dụng tin nhắn này thay cho giấy bảo hành như trước kia. Chúng tôi đã cung cấp dịch vụ này cho các khách hàng tiêu biểu như Fujifilm, Robot, Hi-Kool...
Trong một lần trao đổi với đối tác trong lĩnh vực FMCG, họ trăn trở về việc tìm kiếm một giải pháp tặng quà dành cho khách hàng để kích cầu đơn giản hơn so với hình thức tặng quà hiện nay như áo mưa, móc khoá, nón... vì chi phí vận chuyển và việc quản lý con người khá phức tạp.
Một ý tưởng hình thành trong chúng tôi là tặng quà tặng bằng tiền vào tài khoản điện thoại. Với hệ thống sẵn có và công nghệ từ Fibo, chúng tôi không gặp nhiều khó khắn trong việc triển khai.
Chính vì thế, chúng tôi quyết định cập nhật thêm tính năng quản lý chương trình tặng quà bằng tin nhắn, với quà tặng là tiền vào tài khoản điện thoại cho eTrust và đưa giải pháp ra thị trường vào giữa năm 2019.
* Vì sao eTrust được các nhãn hàng lựa chọn là đơn vị cung cấp quà tặng trong mùa dịch?
Trên thực tế, thời điểm chúng tôi giới thiệu sản phẩm, nhiều nhãn hàng lớn còn chưa quan tâm vì họ không có nhu cầu phải đổi mới hay thử nghiệm các giải pháp mới. Tuy nhiên, khi COVID-19 diễn ra, các lệnh giãn cách được ban hành, nhiều nhãn hàng có doanh thu phụ thuộc vào hệ thống chuỗi, điển hình như các nhãn hàng FMCG bị ảnh hưởng nặng nề, như ngành bia chẳng hạn. Vì vậy, các doanh nghiệp bắt đầu tìm đến các giải pháp quà tặng thay thế.
Có 3 yêu cầu của các doanh nghiệp đưa ra thời điểm đó:
- Quà tặng trong các chương trình kích cầu phải thiết thực, đủ sức hấp dẫn.
- Hạn chế sử dụng nhiều nhân lực để quản lý, vận chuyển hàng hoá trao tặng (yêu cầu này tối quan trọng hàng đầu vào thời điểm đó).
- Giải pháp này phải được triển khai trong thời gian ngắn, có độ phủ rộng không phụ thuộc và hạ tầng Internet hay thiết bị đầu cuối của khách hàng.
Với việc quản lý tặng quà bằng tin nhắn điện thoại, eTrust đã được lựa chọn. Tức khi khách hàng mua hàng, sẽ nhận được mã code bên trong sản phẩm, khách hàng nhắn tin lên tổng đài để hoàn thành cùng lúc 2 tác vụ là: (1) xác định đúng hàng chính hãng, (2) nhận quà tặng là tiền điện thoại (phụ thuộc vào chương trình khuyến mãi) vào tài khoản điện thoại (trừ vào hoá đơn cuối tháng đối với thuê bao trả sau).
Cách làm này đáp ứng đúng các yêu cầu nhãn hàng đưa ra là quà tặng thiết thực, hạn chế sử dụng nhân lực và triển khai toàn quốc chỉ sau một đêm. Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp hệ thống báo cáo theo thời gian thực, tức là khi một khách hàng mua hàng, doanh nghiệp sẽ biết được số điện thoại, khu vực mua hàng, số lần mua hàng chẳng hạn.
Bên cạnh đó, để gia tăng tính tương tác và lan toả các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp dành cho khách hàng, trong những chiến dịch kế tiếp chúng tôi còn cung cấp hệ thống tính điểm thưởng cho mỗi tương tác của khách hàng trên mạng xã hội Facebook và Zalo.
Ví dụ, khi khách hàng nhắn tin mà sản phẩm lên tổng đài. Tin nhắn hệ thống sẽ trả về ngoài thông tin về xác thực sản phẩm, quà tặng tiền điện thoại thì còn có thêm đường link để khách hàng chia sẻ chương trình lên Facebook hoặc Zalo. Ứng với mỗi hành động như Post, Share, Like hoặc Comment trang Fangpage hoặc OA (Official Account) của doanh nghiệp, khách hàng sẽ nhận được quà tặng thêm tiền từ tin nhắn điện thoại.
CEO Công ty TNHH MTV Đầu Tư và Công nghệ Fibo
Hành động Post hoặc Share sẽ được điểm tương tác nhiều hơn, dĩ nhiên cũng có yêu cầu gắt gao hơn là Post và Share đó tồn tại 24 giờ trên tài khoản của họ. Hệ thống chúng tôi ghi nhận lại và rà soát rồi mới tiến hành chi trả. Lưu ý rằng doanh nghiệp chỉ chi quà tặng tin nhắn cho các tin nhắn hợp lệ mà thôi.
Chúng tôi đã tạo nên được hai điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng thích: kích doanh số (bán hàng), kích thương hiệu (truyền thông lan toả trên mạng xã hội). Kết quả là nhiều doanh nghiệp tìm đến chúng tôi hợp tác, trong đó có hai hãng bia lớn nhất Việt Nam hiện nay là Sabeco và Heineken Việt Nam.
Ba yếu tố dẫn đến sự thành công của eTrust.vn
* Công nghệ có phải là rào cản lớn nhất trong lĩnh vực khi tham gia vào lĩnh vực này không thưa ông?
Tôi không nghĩ vậy, công nghệ eTrust hiện nay có thể tạm xem là đi trước nhu cầu thị trường 6 tháng nhưng công nghệ không phải là chìa khoá chính trong cuộc chơi này.
Có ba yếu tố quyết định eTrust được các nhãn hàng lựa chọn. Đầu tiên là khả năng đồng hành cùng các chiến dịch lớn, chúng ta điều biết các chương trình kích cầu của các nhãn hàng trị giá hàng trăm thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng, có rất nhiều bộ phận tham gia. Có thể ví von như một tập thể các bánh răng hoạt động cùng lúc, cùng tốc độ khi bạn tham gia cùng thì bạn phải là bánh răng khớp với hệ thống, tốc độ chạy hiện tại.
Với việc quản lý chương trình quà tặng bằng tin nhắn, chúng tôi không chỉ làm việc với một hệ thống bánh răng lớn mà là hai, đó là các nhà mạng. Với tần suất xử lý hàng triệu tin nhắn mỗi ngày, hệ thống của chúng tôi phải đảm bảo các quy tắc của nhà mạng để không làm ảnh hưởng đến hệ thống chung của họ.
Lấy ví dụ, chúng tôi từng quản lý các chương trình kích cầu mà mã code quà tặng tin nhắn in lên từng sản phẩm, chứ không phải từng thùng. Việc trả tin nhắn thưởng đối với khách hàng mua nhiều sản phẩm không đơn giản và đôi khi khách hàng nhắn quá nhiều có thể bị hệ thống tổng đài nhận diện là spam và chặn lại. Chúng tôi phải giải quyết vấn đề đó.
Với tần suất xử lý hàng triệu tin nhắn mỗi ngày, hệ thống eTrust phải đảm bảo các quy tắc của nhà mạng để không làm ảnh hưởng đến hệ thống chung của họ.
Cũng không loại trừ trường hợp mã code của khách hàng bị lỗi, khách nhắn tin dò số hoặc các đối tượng trục lợi nhắn tin nhận tiền thưởng thì hệ thống, quy trình xử lý của chúng tôi phải đủ tỉnh táo để phân biệt được.
Thứ hai, chúng tôi không đơn thuần là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ mà còn tham gia đề xuất các chương trình tặng quà hoặc gia tăng tương tác của khách hàng với doanh nghiệp. Chúng tôi góp thêm trí tuệ, tư vấn, chiến lược marketing để giúp cho chiến dịch của hãng thành công.
Cuối cùng, là vấn đề tài chính. Để lấy lòng tin các nhãn hàng, bên cạnh công nghệ, quy trình hay kinh nghiệm vận hành, chúng tôi còn chia sẻ điều khoản trả chậm cùng họ, thường khoảng 30 ngày, khoản công nợ này đôi khi lên đến 25-30 tỷ đồng, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được như eTrust.
* Ông có thể chia sẻ định hướng trong năm 2021 của eTrust?
Có nhiều thứ chúng tôi phải bổ sung để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cả về chiều dọc lẫn chiều ngang.
Về chiều dọc, chúng tôi sẽ đào sâu thêm các hình thức quà tặng bằng tin nhắn ngoài tiền điện thoại dành cho doanh nghiệp. Một trong những hình thức tặng quà chúng tôi kỳ vọng sẽ triển khai sớm vào năm sau là bảo hiểm trực tuyến. Chỉ 1USD/người/năm, mức bồi thường 100 triệu VNĐ, bảo hiểm sẽ là một món quà thiết thực cho mỗi người dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ cùng đồng hành cùng đối tác JetCare, Insurtech Startup trong chương trình này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nhận được đề xuất hợp tác tích hợp hệ thống CRM chuyên dụng cho bán lẻ B2C từ Haravan, kết hợp này giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng thêm khả năng hiện diện trên các kênh thương mại điện tử.
Về chiều ngang, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực FMCG, song song đó là mở rộng sang một số ngành như dược phẩm, dầu nhớt, phụ kiện ô tô. Hệ thống eTrust sẽ được “chuyên biệt hoá” để xử lý các nhu cầu đặt thù của các ngành mới này.
Chúng tôi cũng phát triển các gói dịch vụ dành cho các doanh nghiệp có kinh phí quà tặng dưới 100 triệu đồng/chiến dịch.
* Có vẻ như ông khá tự tin là nhu cầu quà tặng kiểu mới như eTrust sẽ tiếp tục phổ biến trong thời gian tới?
Có thể nói là như vậy. Thực tế kể từ lúc dịch bệnh đến nay, chúng tôi đã nhận được yêu cầu của nhiều doanh nghiệp trong ngành FMCG. Ngành này tính cạnh tranh rất cao, khi một doanh nghiệp đầu tư hiệu quả sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền cho các doanh nghiệp còn lại.
Thứ đến, Mobile Money, dịch vụ cho phép sử dụng tài khoản điện thoại thanh toán hàng hoá thương mại điện tử đã được cấp phép và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới sẽ tạo ra một cú hích đáng kể cho các mô hình tặng quà qua tin nhắn điện thoại như eTrust.
Cơ hội nhiều, cạnh tranh cũng nhiều, chính vì thế chúng tôi chưa bao giờ ngừng đầu tư trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng mở rộng tìm kiếm nhân sự và vốn đầu tư để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông.