Bibica - Chọn sai "bạn", nguy cơ mất thương hiệu
Sai lầm trong việc “kết bạn” với đối tác nước ngoài, thương hiệu Bibica đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm.
Hợp tác và mất quyền tự quyết
Thực tế, cuộc chiến Bibica - Lotte đã chính thức được châm ngòi vào ĐHCĐ cuối năm 2012, khi phía Lotte đòi đổi tên công ty thành Lotte - Bibica nhưng bất thành.
Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2013 của Công ty cổ phần Bibica bất thành, các cổ đông lục tục ra về, nhóm cổ đông phía Lotte tập trung lại một góc để bàn bạc.
Cái bắt tay nồng ấm hợp tác 5 năm trước đã biến mất, tại đại hội ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica và nhóm cổ đông Lotte (chiếm khoảng 39% cổ phần Bibica) gần như không nhìn mặt nhau. Giới báo chí vây quanh ông Chiến với câu hỏi: Liệu có giữ được thương hiệu Bibica hay không?
Thực tế, cuộc chiến Bibica - Lotte đã chính thức được châm ngòi vào ĐHCĐ cuối năm 2012, khi phía Lotte đòi đổi tên công ty thành Lotte - Bibica nhưng bất thành. Hiện Bibica chấp nhận phạt và xin gia hạn nhưng đến nay, đã đầu tháng 7/2013, tức sau hơn 2 tháng ĐHCĐ Bibica vẫn chưa biết khi nào mới tổ chức lại được.
Trước ĐHCĐ “hụt” đúng 1 tuần, tại phòng làm việc ở trụ sở Công ty Bibica (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM), ông Trương Phú Chiến, dù cố gắng tiết chế cảm xúc nhưng vẫn không giấu nổi sự nuối tiếc và lo lắng khi thừa nhận sai lầm khi hợp tác với Lotte.
"Khi mời Lotte làm đối tác, Bibica mong muốn có sự hợp tác toàn diện từ quản lý, công nghệ đến kỹ thuật, xuất nhập khẩu…, nhưng Lotte lại muốn biến Bibica thành của riêng của họ”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, khi quyết định hợp tác với Lotte, ông còn quá non kinh nghiệm. Cứ nghĩ hợp tác để tận dụng ưu thế công nghệ, kinh nghiệm của họ, nhưng thực chất bị “sập bẫy”. Hợp tác xong chẳng thấy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm gì hết mà chỉ thấy bị chèn ép, bị phụ thuộc.
Vỡ lẽ ra thì mọi chuyện đã muộn màng. Lotte đã lộ rõ ý muốn khai thác Bibica thành đơn vị sản xuất, phát triển thương hiệu cho Lotte.
“Khi chọn đối tác, là khi bán cổ phần cho đối tác đầu tư, doanh nghiệp cần quy định cổ phần tối thiểu và tối đa sẽ hạn chế khả năng thao túng doanh nghiệp.
Thông thường, tỷ lệ cổ phần dưới 25% là tỷ lệ cổ phần an toàn. Doanh nghiệp nên hạn chế mức cổ phần trên 34%, để ngăn ngừa mức độ phủ quyết của các ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thống nhất của doanh nghiệp”, ông Chiến chia sẻ.
Công thần và tội đồ
Từ năm 1987, sau khi ra trường, ông Chiến đã về Nhà máy lọc đường Biên Hòa (tiền thân Công ty đường Biên Hòa sau này) làm việc cho đến bây giờ. Có thể nói, cuộc đời ông gần như gắn trọn với Bibica.
Từ cậu sinh viên trẻ trung đầy hoài bão cho đến khi mái đầu bạc trắng gần hết, ông vẫn là người của Bibica.
Điều này càng khiến ông thêm đau đớn bởi quyết định hợp tác với Lotte khiến Bibica sắp sửa rơi vào tay đối tác nước ngoài. Vừa là công thần, vừa là tội đồ, nỗi day dứt của ông Chiến là điều có thể hiểu được.
"Khi nắm được công ty, họ sẽ hất tôi ra. Tôi biết điều đó nhưng trong khả năng có thể tôi làm hết sức để bảo vệ quyền lợi người lao động công ty. Tôi sẵn sàng cho việc mất chức tổng giám đốc và không có gì phải nuối tiếc.
Tôi hối hận là từ sai lầm của mình dẫn đến công ty phải trả giá và đối mặt với nguy cơ mất đi thương hiệu Việt uy tín mà nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Bibica tâm huyết, dành cả đời gầy dựng nên”, ông Chiến tâm sự.
Ông Trần Văn Lịch, từng là thành viên điều hành Bibica và hiện vẫn đang làm việc tại đây cho biết, không thể đổ tất cả lỗi do ông Chiến vì trước đó, khi mới vừa cổ phần công ty đã bị mất kiểm soát. Với chủ trương người lao động ai cũng có cổ phần nên khoảng hơn 80% cổ phần của Bibica thuộc về người lao động.
Tuy nhiên, khi cổ phiếu lên giá, nhân viên công ty thi nhau bán. Đến nỗi, công ty phải thực hiện một số biện pháp cực đoan như quy định ai bán cổ phiếu sẽ không nhận con em vào làm việc…, nhằm ngăn chặn người lao động bán cổ phiếu cho người khác. Nhưng rốt cuộc, chỉ sau thời gian ngắn, cổ phiếu của người lao động bị bán hết.
Từ chỗ nắm hơn 80% cổ phần công ty, đến nay, chỉ còn chưa đến 1% cổ phần công ty. “Cổ phiếu nội bộ biến thành đại chúng, vượt ngoài dự đoán của lãnh đạo công ty, mất kiểm soát”, ông Lịch chua xót.
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Bibica, kể trong tiệc tri ân những cán bộ có thâm niên 20 năm trở lên gắn bó cống hiến cho Bibica tổ chức năm 2012 có sự góp mặt của vài chục “tiền bối”. Lạ lùng thay, trong tiệc vui mà mọi người cứ ôm nhau khóc vì biết rằng ngôi nhà thứ hai của họ là Công ty Bibica đang lâm nguy và số phận chưa biết ra sao.
Niềm hy vọng cuối cùng của ông Chiến là nhóm cổ đông SSI (nắm khoảng 30% cổ phần) và các cổ đông trong nước liên kết với nhau để tạo thành đối trọng, ngăn Lotte thực hiện việc thâu tóm Bibica.
Nhưng với lượng cổ phần sở hữu lên tới 39% và tham vọng thôn tính không giấu giếm, giữ được thương hiệu Bibica không hề đơn giản.