Quảng cáo Mỳ Gấu đỏ gây tranh cãi
Clip dài 30 giây xuất hiện hình ảnh cậu bé Tuấn - bệnh nhân ung thư với nụ cười hồn nhiên, mở cánh cửa bệnh viện chào tạm biệt mọi người để về nhà đã khiến hàng triệu con tim độc giả rung động. “Đó là ký ức về câu chuyện vui của bệnh nhân tên Long, về nụ cười ấm áp của cô y tá Mai, sự ân cần, hóm hỉnh của bác sĩ Quang. Tuy nhiên, với bố mẹ Tuấn, ngày ra viện lại là ký ức buồn vì họ không đủ kinh phí để tiếp tục điều trị cho con” - trích nội dung quảng cáo (xem clip).
Lần đầu xem quảng cáo trên, chị Liên ở Quang Trung (Hà Nội) đã bật khóc. “Cậu bé hồn nhiên không biết mình rời cánh cửa bệnh viện để về nhà chờ chết vì gia đình không đủ tiền chạy chữa. Dù không quen biết, tôi vẫn thấy có trách nhiệm làm gì đó để giúp Tuấn", chị tâm sự.
Chẳng đắn đo, chị Liên ra cửa hàng gần nhà mua ngay một thùng Mỳ Gấu đỏ, với hy vọng, đóng góp nhỏ bé của mình có thể đến được với những em nhỏ đang mắc căn bệnh ung thư như Tuấn.
Thế nhưng mấy ngày gần đây, đọc tin tức trên báo rồi vào diễn đàn mạng, chị bất ngờ khi biết nhân vật Tuấn không có thật. "Khi tôi xem lại và nhìn kỹ hơn thì thấy dòng chữ 'hình ảnh mang tính minh họa' ở góc phải màn hình và tôi thực sự buồn", chị Liên nói.
Chị Lan Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cũng cảm giác bị lạm dụng lòng thương khi biết điều đó. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mỳ gói, chị chọn Gấu đỏ ban đầu vì muốn giúp đỡ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. “Đúng là khi dùng, gia đình tôi rất thích, nhưng lý do đến với sản phẩm là từ quảng cáo thương tâm đó”, chị Lan Anh nói.
Nhiều người từng mua Gấu đỏ ủng hộ chương trình "Gắn kết yêu thương" sau phút ngỡ ngàng đã đem bức xúc "xả" trên các diễn đàn và lập tức tạo lên hiệu ứng không mấy tích cực về clip quảng cáo. Trên Facebook cũng xuất hiện những lời phàn nàn về clip "mua nước mắt" của đơn vị thực hiện - Công ty Thực phẩm Á Châu. Nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng nhà sản xuất mỳ gói đã lợi dụng lòng trắc ẩn để kích cầu tiêu thụ.
Số khác cho rằng cũng là cách bán hàng nhưng doanh nghiệp biết trích lợi nhuận để chia sẻ cộng đồng cũng là điều đáng ghi nhận. Một độc giả chia sẻ, kinh tế khó khăn, nhiều công ty rơi vào tình cảnh phá sản nên việc doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho xã hội là đáng quý. "Khi ăn bát phở giá vài chục nghìn đồng, ít người nhớ đến việc bỏ bạc lẻ làm từ thiện. Tôi xúc động khi xem clip này và thấy việc dùng hình ảnh đóng thế là hợp lý", độc giả này nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Bảo Minh - Phó tổng giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm Á Châu cho hay mấy ngày qua hãng sản xuất mỳ gói này đã theo dõi sát diễn tiến sự việc, ghi nhận không sót bất cứ ý kiến nào từ độc giả. "Độc giả có quyền phản biện và chúng tôi tôn trọng điều đó", ông nói.
Chương trình "Gắn kết yêu thương" (với thông điệp - ăn mỳ để đóng góp cho trẻ có cái Tết no ấm) được công ty triển khai từ cuối năm ngoái với mong muốn đem lại cái Tết no ấm cho trẻ em nghèo. Tại thời điểm xây dựng ý tưởng truyền thông cho chương trình, trong nội bộ công ty cũng xuất hiện các ý kiến khác nhau. Người cho rằng nên sử dụng hình ảnh thật, nhưng đa số ý kiến nói rằng cần lựa chọn nhân vật đóng thế. Lý do đơn giản lúc ấy là: Các em bệnh nhân đều đang trong tình trạng nguy kịch nếu để các em tham gia clip sẽ là hành động tàn nhẫn.
“Nếu không có chương trình này, chúng tôi chỉ có thể giúp vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng cho một số trường hợp. Trong khi, thông qua chương trình Gấu đỏ "Gắn kết yêu thương", với sự chung tay của hàng triệu người tiêu dùng và các nhà hảo tâm, số tiền đóng góp lên đến hơn 1,6 tỷ đồng và kịp thời hỗ trợ 19 trường hợp bệnh nhi cần chữa trị khẩn cấp. 6 em đã xuất viện, trở lại với gia đình”, ông Minh nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận đã có 11 trường bệnh nhân trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được chương trình "Gắn kết yêu thương" hỗ trợ. Các em này đều là những bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả viện phí.
Theo ông Minh, sự quan tâm của cộng đồng đối với chương trình sẽ giúp công ty có động lực để làm nhiều việc hơn nữa vì trẻ em nghèo, tạo sự gắn kết cho cộng đồng, xã hội. "Chúng tôi không thể vì những ý kiến chỉ trích mà dừng việc hỗ trợ lại như vậy thì các bệnh nhân nghèo sẽ thiệt thòi", ông Minh cho biết thêm.
Giới chuyên gia cho rằng câu chuyện quảng cáo mì Gấu đỏ có thể là bài học kinh nghiệm cho các công ty khi marketing cho sản phẩm. Hiện có hai cách phổ biến nhất để kích doanh thu là: Khuyến mãi sản phẩm - đánh vào lòng tham khi đưa ra cơ hội trúng nhà, trúng xe, kim cương hay vàng, bạc. Cách thức thứ 2 mạo hiểm hơn nhưng không kém hiệu quả là đánh vào tình thương.
Theo Giám đốc chiến lược thương hiệu của Công ty Richard Moore Associates - Nguyễn Đức Sơn, xét về một khía cạnh nào đó, cách làm của Gấu đỏ đã thành công trong việc định vị thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng, đặc biệt khi thị trường Việt Nam đã có quá nhiều nhãn hiệu mỳ ăn liền.
“Trong khi đối thủ cạnh tranh thường nhấn mạnh vào đặc tính hay lợi ích sản phẩm như ăn không bị nóng, có lợi cho sức khỏe..., thì thông điệp của Gấu đỏ "gắn kết yêu thương" đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng. Ý tưởng đó không có gì sai khi phát huy truyền thống tương thân tương ái của người Việt”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cái dở của clip là đã đi hơi quá khi khơi dậy lòng trắc ẩn. Thông điệp "từ thiện" vốn nhạy cảm khi thể hiện trong một quảng cáo thương mại nên dễ gây ra cảm giác khó chịu cho người tiếp nhận.
Việc nhân vật Tuấn là diễn viên đóng thế, ông Nguyễn Sơn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông VTK nhìn nhận: Điều đó không quan trọng, cốt lõi nằm ở chỗ thông điệp kêu gọi cộng đồng hành động vì trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Bởi lẽ sẽ không nhân vật thật nào đồng ý để đưa hình thật chạy quảng cáo, lấy lòng trắc ẩn của mọi người.
Giám đốc Điều hành của Teamwork Communications - Trần Chiến Bình đánh giá cao ý tưởng của quảng cáo mỳ Gấu Đỏ với ý nghĩa ủng hộ cho trẻ em nghèo bị ung thư. Theo ông Bình, hãng sản xuất nên lắng nghe ý kiến khách hàng để điều chỉnh phù hợp về chiến lược truyền thông tổng thể, nhằm thuyết phục người tiêu dùng “khó tính”. Ý tưởng, mục đích đang có, nếu được đi đúng hướng, chiến dịch sẽ thành công và mang lại hiệu quả lớn.