PNJ, khó khăn lớn nhất đã qua?

PNJ, khó khăn lớn nhất đã qua?

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đặc biệt vào quý I và đầu quý II/2020 là thời điểm khó khăn nhất của PNJ, đến hiện tại, PNJ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do dịch gây ra.

Chưa thấy tín hiệu ấm lên của thị trường trang sức

Đầu tháng 11/2020, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã cho ra mắt dòng thương hiệu mới mang tên ‘Style by PNJ’ nhắm đến phân khúc khách hàng trẻ. Các sản phẩm Style by PNJ nghiêng về phía trang sức phụ kiện so với sản phẩm nữ trang truyền thống của PNJ, được sản xuất theo chuẩn của trang sức, đảm bảo chất lượng và độ tinh xảo nhưng có giá bán thấp hơn so với dòng nữ trang cao cấp hiện có.

PNJ, khó khăn lớn nhất đã qua?

Châu Bùi xuất hiện trong MV tài trợ thương hiệu mới ‘Style by PNJ’ của PNJ

Lãnh đạo PNJ cho biết, PNJ đang thay đổi các tiếp cận, phân khúc sản phẩm phù hợp hơn với từng nhóm tiêu dùng theo sức mua và nhu cầu để gia tăng thị phần.

Thương hiệu mới mang tên Style by PNJ ra đời, ngay sau đó MV dưới sự tài trợ của PNJ ‘Em là Châu Báu’ xuất hiện các rapper trẻ có số lượng người hâm mộ lớn như TLinh, MCK và Châu Bùi được ra mắt và thu hút hàng chục triệu lượt xem. Style by PNJ cũng xuất hiện ở các MV triệu view khác như MV của Amee, người mới nhận giải thưởng Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại Việt Nam.

Việc ra mắt thương hiệu mới này là yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mảng bán lẻ của PNJ trong vài năm tới. Bên cạnh đó, lý do kỳ vọng vào sự tăng trưởng trở lại của PNJ, vượt mức lợi nhuận ròng năm 2019 trong giai đoạn 2021 – 2020 còn đến từ những nguyên nhân như: Vị thế là nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam, vaccine COVID-19 dự kiến được phân phối trong năm 2021 giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu đối với hàng hoá không thiết yếu.

Trong khi đó, rủi ro của PNJ có thể kể đến là khả năng xảy ra làn sóng dịch COVID-19 tiếp theo tại Việt Nam dẫn đến giãn cách xã hội. Và ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn cao hơn nhiều thị trường lân cận, mặc dù có giảm nhẹ, nguyên nhân là do có sự tham gia ngày càng nhiều của giới trẻ vào thị trường tiêu dùng khi họ ngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm thời trang như quần áo hàng hiệu và trang sức. Nhưng, mặt khác, sự tham gia của giới trẻ cũng tạo ra thách thức lớn đối với PNJ bởi người trẻ luôn luôn có xu hướng thay đổi, sở thích tiêu dùng có xu hướng biến động liên tục.

Tính đến cuối tháng 11/2020, PNJ có 342 cửa hàng bán lẻ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hoàn thành 87% kế hoạch mở mới các cửa hàng trong năm. Theo ước tính của VNDirect, PNJ chiếm thị phần lớn nhất trong mảng trang sức tại Việt Nam (35,8% trong quý III/2020).

Báo cáo mới công bố, PNJ cho biết, tháng 11/2020, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.812 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 11 tháng đầu năm, doanh thu thuần PNJ đạt 15.305 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% và lợi nhuận sau thuế đạt 939 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ, hoàn thành lần lượt 105,7% kế hoạch doanh thu và 112,7% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

PNJ, khó khăn lớn nhất đã qua?

Trong đó, doanh thu sỉ giảm 18,4% so với cùng kỷ năm 2019 trong tháng 11. Luỹ kế 11 tháng, doanh thu sỉ giảm 24,9% so với cùng kỳ. “Thị trường trang sức bán sỉ vẫn chưa cho thấy tín hiệu ấm lên của thị trường trang sức chung tại Việt Nam”, báo cáo của PNJ cho biết.

Trong khi đó, doanh thu vàng miếng tăng 18,6% so với cùng kỳ trong tháng 11/2020. Luỹ kế đến thời điểm cuối tháng 11, doanh thu vàng miếng tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Hồi phục vừa phải năm 2021

Trong báo cáo mới phát hành của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) về PNJ, công ty chứng khoán này đã đặt tựa đề ‘Toả sáng tương lai’, đánh giá khả quan về triển vọng tăng trưởng của PNJ năm 2021.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phục hồi vừa phải vào năm 2021 do mức độ sẵn sàng chi tiêu của người trẻ đối với các mặt hàng thời trang, nhu cầu đối với các sản phẩm của PNJ như món phụ kiện cũng như tài sản tiết kiệm và kinh tế toàn cầu phục hồi vừa phải”, báo cáo nêu.

PNJ, khó khăn lớn nhất đã qua?

Cơ cấu doanh thu PNJ (tỷ USD) và biên lợi nhuận của PNJ

Báo cáo của Mirae Asset cho biết, doanh thu bán lẻ dự kiến tăng 10% so với cùng kỳ vào năm 2021 (so với tăng trưởng 3% so với cùng kỳ trong năm 2020, tăng trưởng hai con số mỗi năm trong giai đoạn 2017 – 2019) trước khi lấy lại mức tăng trưởng mục tiêu 20%/năm mà ban lãnh đạo PNJ đặt ra cho giai đoạn 2017 – 2022.

“Chúng tôi tin tưởng vào nỗ lực của PNJ trong việc đạt được các mục tiêu đề, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng kép trong giai đoạn 2017 – 2019 (CAGR) là 25,7%/năm nhờ đầu tư vào mạng lưới bán lẻ, chuỗi sản xuất và phát triển thương hiệu. Hoạt động kinh doanh bán lẻ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của PNJ”, nhóm chuyên gia Mirae Asset cho biết.

Về doanh thu vàng miếng dự kiến sẽ tăng 10% so với cùng kỳ vào năm 2021 do môi trường vĩ mô vẫn còn bất ổn. Tuy nhiên, doanh thu vàng miếng đã tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây, tạo cơ sở tăng trưởng cao trong giai đoạn tiếp theo. Doanh thu vàng miếng của PNJ chủ yếu dựa vào nhu cầu tiết kiệm và đầu cơ của người mua trong nước.

Hoạt động kinh doanh bán buôn được dự báo sẽ tăng trưởng 6% so với cùng kỳ mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2023, cao hơn mức tăng trưởng kép hàng năm 2015 – 2019 của tiêu thụ trang sức tại Việt Nam là 4%. Hiện nay, thị trường trang sức của Việt Nam còn phân mảnh, chủ yếu là các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Tương tự, trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 ở nhóm ngành bán lẻ, Công ty chứng khoán VNDirect đã chọn PNJ là 1 trong 3 cổ phiếu ưu thích bên cạnh MWG và VRE. VNDirect đánh giá khả quan cổ phiếu PNJ, cho biết giá mục tiêu của PNJ là 99.500 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hoá hơn 22.387 tỷ đồng.

Bảo Vy
Nguồn BizLive