Thẻ thông hành ngân hàng số eKYC

Thẻ thông hành ngân hàng số eKYC

Bước đi xa hơn trong việc định danh điện tử để sử dụng các dịch vụ tài chính toàn diện hơn.

Sau thời gian lấy ý kiến dự thảo vào tháng 5, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó một nội dung quan trọng là cho phép khách hàng cá nhân mở thanh toán dưới hình thức xác thực điện tử (eKYC).

Hồ hởi mở

Theo thông tư mới, khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp tại quầy như trước kia. Mặc dù đến tháng 3 năm sau mới có hiệu lực, nhưng một số ngân hàng đã được cấp phép thử nghiệm hình thức xác thực điện tử như VPBank, Ngân hàng Bản Việt, HDBank, TPBank, Sacombank... Sau khi Thông tư chính thức ra đời, các ngân hàng sẽ dần hoàn thiện theo quy định trong Thông tư.

Thẻ thông hành ngân hàng số eKYC

Giới ngân hàng rất hồ hởi với tương lai của eKYC vì không chỉ dừng lại ở câu chuyện mở tài khoản thanh toán cá nhân. Đại diện VPBank cho biết trong thời gian tới, ngân hàng này sẽ triển khai eKYC tài khoản thanh toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngoài mở tài khoản ngân hàng từ xa, thông qua hình thức định danh điện tử, ngân hàng còn có thể nhận biết được khách hàng và cho phép họ thực hiện nhiều giao dịch khác như chuyển tiền, gửi tiết kiệm...

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, chia sẻ Ngân hàng có trang bị các kiosk có khả năng nhận diện khuôn mặt để xác thực khách hàng, từ đó nhân viên nắm được ngay sơ bộ thông tin và nhu cầu khách hàng để chuẩn bị phục vụ, giúp tiết kiệm 30% thời gian xử lý giao dịch. “Những thông tin này trước đây phải làm thủ công, giờ là tự động”, ông Lân nói.

Hệ thống nhận diện khách hàng cũng là trọng tâm được TPBank đầu tư từ 3 năm nay với LiveBank. Khách hàng chỉ mất khoảng 5 giây để hoàn thành eKYC, sau đó giao dịch trực tiếp trên hệ thống này. Còn đại diện Ngân hàng Bản Việt nhìn nhận việc mở tài khoản trực tuyến chỉ là bước đầu tiên để kéo khách hàng đến với ngân hàng. Sau khi được xác thực điện tử, ngân hàng có cơ hội giới thiệu nhiều dịch vụ khác hơn.

Đánh giá về tầm quan trọng của việc ban hành quy định eKYC lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng đây là nền tảng đầu tiên để hoạt động thanh toán số và ngân hàng số phát triển trong tương lai.

“Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không. Hiện đã có 84 quốc gia ban hành Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (Fintech, Big Tech...) chứ không chỉ có các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR...”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết.

Thẻ thông hành ngân hàng số eKYC

Nghi ngại làm

Thông tư 16 quy định rõ các ngân hàng triển khai eKYC phải ban hành công khai quy trình, thủ tục phù hợp và chỉ sử dụng để mở tài khoản thanh toán. Thông tư đầu tiên quy định về eKYC cũng chỉ giới hạn tổng hạn mức giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng/tháng. Nếu ngân hàng đủ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro thì có thể tăng hạn mức.

Thiết lập hạn mức thể hiện sự lo ngại về phía cơ quan quản lý. Đại diện Vụ Thanh toán cũng từng chia sẻ lo ngại về trường hợp lừa đảo, mạo danh có thể xảy ra. Rủi ro đầu tiên là một khách hàng đã thực hiện eKYC tại ngân hàng A, sau đó lại định danh ở ngân hàng B nhưng dùng thông tin khác, hay kẻ gian lận sử dụng thông tin cá nhân người khác để mạo danh. Theo đó, hệ thống của ngân hàng phải có công nghệ phù hợp để phát hiện được sự gian lận trong các trường hợp này.

Thẻ thông hành ngân hàng số eKYC

Về bản chất, việc định danh khách hàng nhằm kiểm tra xem chủ tài khoản và người giao dịch có phải là một hay không. Do đó, quy định thực hiện eKYC có thể không chỉ cần thiết lúc mở tài khoản mà cần phải thực hiện ngay trong lúc thực hiện giao dịch.

Để giải quyết câu chuyện trên, một “liên minh dữ liệu” định danh điện tử cũng được tính toán đến. Trong “kho dữ liệu” dùng chung đó, các ngân hàng có thể truy cập vào để đối chiếu và so sánh. “Không có cơ chế chia sẻ sẽ dẫn tới tình trạng khách hàng đã định danh ở ngân hàng A rồi sang ngân hàng B vẫn phải định danh lại. Điều này phát sinh chi phí cho ngân hàng mà lẽ ra nên là chi phí hỗ trợ khách hàng”, đại diện Ngân hàng MB nhận xét.

Thẻ thông hành ngân hàng số eKYC

Tại Việt Nam, đơn vị nắm giữ thông tin dữ liệu khách hàng trong lĩnh vực tài chính là Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC), hiện có cơ chế chia sẻ thông tin, nhưng chỉ giới hạn cho các ngân hàng và thông tin cũng chưa đầy đủ. “Chưa có một tổ chức hay ngân hàng nào đủ khả năng quan sát tổng quan tài chính khách hàng”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, cho biết.

Bên cạnh những rủi ro trong việc xác thực danh tính khách hàng trực tuyến, các lãnh đạo ngân hàng hiện nay cũng lo ngại về tình trạng phát triển công nghệ tự phát. Đại diện Vietcombank góp ý rằng vấn đề cần quan tâm là phải xây dựng một chuẩn chung cho eKYC, không nên để các ngân hàng đua nhau thực hiện rồi lại bắt đầu thiết lập chuẩn mực chung, như câu chuyện đã từng xảy ra với thẻ ngân hàng.

Phương Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư