Ngân hàng tính gì ở bancassurance?
Ngân hàng thu lợi đáng kể từ các hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền.
SSI Research vừa có báo cáo về việc VietinBank đang xem xét tất cả các hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và có kế hoạch đầu tư thêm vào mảng này. Trong đó, đáng chú ý là VietinBank đã đàm phán lại hợp đồng bancassurance độc quyền với Aviva và một đối tác khác. Nhiều khả năng, như Bloomberg từng đưa tin hồi tháng 6, Manulife Financial có thể là ứng viên nổi bật để trở thành đơn vị phân phối bảo hiểm qua VietinBank.
Chạy đua độc quyền
Hơn 3 năm trước, Aviva từng ký hợp đồng hợp tác độc quyền với VietinBank trong phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sau khi VietinBank bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank Aviva cho Aviva Việt Nam. Giờ đây, bất cứ hãng bảo hiểm nào muốn ký kết hợp đồng bancassurance với VietinBank đều cần thông qua thoả thuận với Aviva. Nguồn tin của Bloomberg từng dự đoán, định giá thương vụ bancassurance độc quyền với VietinBank có thể lên tới vài trăm triệu USD.
Thực tế, làn sóng ngân hàng ký hợp đồng bancassurance độc quyền với các công ty bảo hiểm đã nở rộ từ những năm trước. Chẳng hạn như các thương vụ bancassurance độc quyền 15 năm giữa Prudential Việt Nam và Ngân hàng VIB (2015), Techcombank và Manulife Việt Nam (2017), AIA và VPBank (2017), NCB và Prévoir Việt Nam (2018), Vietcombank và FWD Việt Nam (2019)... Mới đây nhất, tháng 11 vừa qua, ACB đã ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam trong 15 năm.
Có thể thấy, bancasurrance theo hình thức độc quyền ngày càng được nhiều ngân hàng chú ý, khi chỉ vài năm trở lại đây, trên thị trường đã có gần 10 thương vụ như vậy diễn ra. Sắp tới, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều ngân hàng mới, với uy tín và quy mô khách hàng lớn, sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động này.
Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam, cho biết điểm nổi bật của bancassurance độc quyền là cả 2 cam kết cùng nhau phát triển, các sản phẩm/ dịch vụ được thiết kế riêng biệt cho từng phân khúc khách hàng của ngân hàng, dựa trên thế mạnh về phân tích dữ liệu, ứng dụng công nghệ số. Ngoài ra, như xác nhận của đại diện một công ty bảo hiểm trong top đầu, việc lựa chọn đối tác ngân hàng cùng triển khai bancassurance là rất kỹ lưỡng. Ngoài mạng lưới phân phối đủ mạnh, các hãng bảo hiểm còn xem xét đến chiến lược của ngân hàng trong mảng bancassurance cũng như sự năng động, cách thức tổ chức nhân sự, đầu tư công nghệ.
Chia lại thị phần
Các ngân hàng đã thu được lợi ích đáng kể từ những hợp đồng bancasurrance độc quyền. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ACB với mạng lưới phân phối tại 371 chi nhánh trên 48 tỉnh thành, với vị thế là đối tác của các hãng bảo hiểm AIA, Manulife, FWD và đứng thứ 5 trong top nhà phân phối bancassurance Việt Nam, ACB có những điều khoản thuận lợi để đàm phán giá tốt trong ký kết với Sun Life. Con số mà BVSC ước tính cho ACB có thể hơn 90 triệu USD. SSI Research cũng định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng.
Trước đó, hợp tác giữa Techcombank với Manulife Việt Nam từng được kỳ vọng mang về cho ngân hàng này 10.000 tỷ đồng phí bảo hiểm trong 5 năm. Hay thương vụ bancassurance độc quyền giữa TPBank và Sun Life đem về cho TPBank khoảng 75,3 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng). Riêng hợp đồng bancassurance độc quyền giữa Vietcombank và FWD tuy không được tiết lộ giá trị, nhưng mức phí trả trước mà FWD công bố thanh toán cho Vietcombank vào khoảng 400 triệu USD, như một phần của giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh Vietcombank – Cardif (VCLI).
Khi nhiều ngân hàng tham gia sâu vào bancassurance, miếng bánh thị phần sẽ được chia lại.
Với xu hướng người dân ngày càng quan tâm đến bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm nhân thọ đã tăng lên từ chỉ 10% năm 2016 lên 29% năm 2019, VDSC cho rằng, phí bancassurance sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho thu nhập dịch vụ của các ngân hàng.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ mới khoảng 11-12% dân số tham gia bảo hiểm và mức chi cho bảo hiểm còn thấp (chỉ 1,4% GDP, so với 3-4% GDP ở các nước). Ông Larry Madge, Tổng Giám đốc Sun Life Việt Nam, nhận xét, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã tăng trưởng 30%/năm trong 5 năm qua. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành bị giảm sút do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ước tính vẫn có thể tăng trưởng 16%.
Đây là cơ sở để các ngân hàng đẩy mạnh khai thác miếng bánh bancassurance. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết bancassurance đang ngày càng giúp các ngân hàng hoàn thiện hơn trong việc đáp ứng đầy đủ các dịch vụ chủ chốt: cho vay, giao dịch, đầu tư và bảo vệ (bảo hiểm).
Hiện tại, trong mảng bancassurance, Techcombank, VIB và MBBank lần lượt chiếm 3 vị trí đầu bảng. Dù vậy, theo VDSC, khi nhiều ngân hàng tham gia sâu vào bancassurance, miếng bánh thị phần sẽ được chia lại. Chẳng hạn, trong 9 tháng đầu năm 2020, ACB đã mở rộng quy mô, vươn lên vị trí thứ 3 thay vì xếp thứ 5 như năm ngoái. Hay thông qua hợp tác độc quyền với FWD, Vietcombank được kỳ vọng có thể vươn lên dẫn đầu nhờ uy tín và quy mô khách hàng lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
VietinBank đặt kế hoạch trong 5 năm tới sẽ tăng 30-50% mỗi năm nguồn thu nhập từ bancassurance. Mức đóng góp của mảng bảo hiểm vào tổng thu nhập ngân hàng bán lẻ của VietinBank cũng dự tính tăng gấp 3 lần so với các năm trước.
Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu liên quan đến bancassurance, theo khảo sát của Navigos Search, các ngân hàng đang tăng cường tuyển bộ phận kinh doanh nhằm “bán chéo” bảo hiểm, tìm cách kết hợp bán bảo hiểm cho khách hàng khiến nhiều khách hàng bức xúc. Trước tình hình này, đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh bảo hiểm và yêu cầu ngân hàng không được ép khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay vốn.
Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư