Hàng tiêu dùng xanh trỗi dậy
Các sản phẩm thân thiện môi trường đang gây bão trên thị trường tiêu dùng.
Hàng tiêu dùng xanh lên ngôi một phần nhờ sự trỗi dậy của loạt startup tăng trưởng nhanh như Seventh Generation (giặt ủi xanh) hay Beyond Meat (sản xuất thực phẩm thay thế thịt từ thực vật) nhằm cung cấp các sản phẩm được chứng nhận xanh, chất lượng mà người tiêu dùng thực sự muốn mua. Ông Engel, thuộc Unilever, cho biết các công ty, trong đó có Unilever, nhận ra rằng “Bạn không chỉ phải nghĩ về tiền mà còn về sự tiện lợi và chất lượng sản phẩm. Không ai muốn mua một sản phẩm tốt cho môi trường mà lại không tẩy được chất bẩn trên quần áo của họ”.
Cuộc chuyển giao thế hệ cũng góp phần thúc đẩy làn sóng xanh. Nghiên cứu của NYU Stern cho thấy các hộ gia đình trẻ tuổi càng có khuynh hướng mua sản phẩm được giới thiệu là bền vững. Các tập đoàn đa quốc gia, giữa lúc tăng trưởng đang chậm lại, đã nhanh chóng nắm bắt hội này, đẩy mạnh R&D và marketing tập trung vào phân khúc bền vững. Nhà bán lẻ trực tuyến Amazon năm nay cũng đã ra mắt nhãn sản phẩm Climate Pledge Friendly tại 6 nước.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng xanh mang đến triển vọng xán lạn hơn cho tương lai của hành tinh. Nhưng một cuộc chuyển giao thực sự về xu hướng bền vững thường rất tốn kém, khiến các nhà sản xuất loay hoay với câu hỏi “Ai sẽ trả tiền cho những sản phẩm xanh?”. Báo cáo của NYU Stern cho thấy hầu hết sản phẩm dán nhãn xanh có giá cao hơn từ 3-165%.
Không ít doanh nghiệp cho rằng bền vững đồng nghĩa với hy sinh lợi nhuận. Sản xuất bền vững đòi hỏi phải đầu tư quy trình và thiết bị mới rất đắt đỏ, do đó phát triển sản phẩm xanh sẽ đặt họ vào thế bất lợi so với đối thủ đến từ những nền kinh tế mới nổi, trong khi các nhà cung ứng của họ lại khó đảm bảo tính minh bạch cũng như tính bền vững về đầu vào. Không thể đẩy phần chi phí tăng thêm này sang người tiêu dùng, một số doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí, gia tăng hiệu quả trong hoạt động.
François-Xavier Roger, Giám đốc Tài chính Nestlé, tại một hội nghị hồi tháng 9, cho biết chi phí đổi bao bì và trung lập carbon là không nhỏ và nói thêm: “Người tiêu dùng sẽ không trả cho khoản chi phí này. Nhà đầu tư và cổ đông cũng không. Điều chúng ta phải làm là đi tìm tính hiệu quả trong chuỗi cung ứng và các khâu, phòng ban của mình để duy trì nỗ lực xanh”. Paula Quazi, Đồng Sáng lập Smol, một startup về sản phẩm giặt ủi xanh, cũng cho biết loại bao bì carton mà Công ty sử dụng có chi phí cao hơn nhiều so với nhựa và Công ty phải tự cân đối phần chi phí tăng thêm đó.
Engel thì cho rằng không phải tất cả thay đổi xanh đều ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Ông dẫn chứng nỗ lực tiết kiệm năng lượng ở Unilever đã giúp giảm chi phí. Hay Tesla, Nike, IKEA... đã thu về hơn 1 tỷ USD doanh thu hằng năm từ mảng sản phẩm hoặc dịch vụ có tính bền vững. Báo cáo của Harvard Business Review cũng chỉ ra giai đoạn 2006 – 2010, top 100 công ty toàn cầu bền vững nhất thế giới có mức tăng trưởng doanh số trung bình cao hơn đáng kể so với đối thủ của họ.
Không chỉ là lợi ích tài chính. Càng nhiều bằng chứng cho thấy bền vững mang theo nó một loạt lợi thế kinh doanh như thúc đẩy cải tiến, xây dựng quản lý rủi ro, củng cố lòng trung thành khách hàng, thu hút nhân tài, đặc biệt giúp các công ty vượt ra khỏi mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn và tái định vị doanh nghiệp cho một tương lai cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Một ví dụ là Ørsted, tập đoàn điện lực đa quốc gia của Đan Mạch. Trong vòng 10 năm, Ørsted đã lột xác từ một trong những công ty sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhiều nhất Châu Âu trở thành đơn vị dẫn đầu về điện gió ngoài khơi. Ørsted đã giảm được lượng thải khí carbon lên tới 86% và trở thành một trong những công ty bền vững nhất thế giới theo chỉ số Corporate Knights 2020 Global 100 Index.
Một vấn đề khác như quan ngại của Chuyên gia Tư vấn bền vững Sue Garrard là “Một số công ty đang xem vấn đề bền vững một cách nghiêm túc và thực sự đang nỗ lực làm điều đúng đắn. Nhưng lại có rất nhiều nhãn hàng chỉ ‘ăn theo’ cơ hội này để bán hàng... Thực tế, một số tuyên bố xanh về sản phẩm có tính sai lệch”. Bà dẫn chứng nhiều sản phẩm tuyên bố được làm từ nhựa đại dương tái chế, trong khi hiện chưa có một hệ thống nào thu hồi rác nhựa từ đại dương ở quy mô lớn và chỉ có rất ít cơ sở nhỏ thu hồi rác từ bãi biển. Đó là lý do tháng 11 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Thị trường của Anh đã tiến hành điều tra các sản phẩm và dịch vụ tuyên bố là thân thiện môi trường.
John Sauven, Giám đốc Điều hành Greenpeace UK, nhấn mạnh: “Bất kỳ công ty nào muốn được công chúng tin tưởng và muốn trở thành một đơn vị dẫn đầu trong các sáng kiến xanh thì đầu tiên phải nỗ lực hết mình, sau đó hãy trưng biển quảng cáo”.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư