Euromonitor International dự báo hoạt động M&A khu vực Đông Nam Á sẽ tăng vọt vào năm tới
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán – sáp nhập (CMAC), thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 – 2022, về mức 4,5-5 tỷ USD vào năm 2021, trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Xuất hiện M&A ở các danh mục mới
Các chuyên gia cũng nhận định, không chỉ những lĩnh vực truyền thống như tài chính, bất động sản, hàng tiêu dùng, mà các lĩnh vực mới như Công nghiệp, Hạ tầng, Năng lượng, Công nghệ – Viễn thông... cũng bứt phá.
Chẳng hạn, với Hiệp định RCEP mới được ký kết, kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp đẩy nhanh hơn nữa kinh tế của các nước ASEAN và các nước đối tác, qua đó mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra các cơ hội mới cho sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như Viễn thông, Công nghệ thông tin, Dệt may, Giày dép, Nông nghiệp...
Với lĩnh vực Viễn thông – Công nghệ, xu hướng chuyển đổi số trong năm 2019 – 2020 đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Temasek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; hay MoMo nhận 100 triệu USD từ Warburg Pincus; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group...
Hay với lĩnh vực Bất động sản, dù được xem là một trong những lĩnh vực truyền thống trong hoạt động M&A, nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp thời gian gần đây đang nhận được nhiều “làn gió mới” trước cơ hội của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại mới ký kết.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, dù dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu khó khăn, hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, song hoạt động sáp nhập, thâu tóm, mua bán bất động sản công nghiệp tại thị trường Việt Nam lại có xu hướng được mở rộng với nhóm khách hàng quốc tế.
Điển hình như Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam; hay gã khổng lồ kho bãi Châu Á là GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistics Partners Việt Nam...
Trong lĩnh vực Sản xuất, Tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Cũng trong quý III/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ Tập đoàn Wistron (Đài Loan).
Ngoài những lĩnh vực trên, những lĩnh vực được cho là sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm lớn của nhà đầu tư quốc tế còn có Năng lượng tái tạo, Tài nguyên, Công nghiệp ô tô, Hàng không, Da giày, Dệt may...
Sẽ bật dậy mạnh mẽ sau dịch
Trong lĩnh vực Nhà hàng và Quầy uống (F&B), thì ngành sữa cũng liên tục diễn ra các thương vụ M&A. Trong đó, Vinamilk nổi lên là “ông lớn” có nhiều thương vụ M&A nhất. Đây được coi là chiến lược quan trọng để đưa Vinamilk vào top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu.
Theo kế hoạch tăng tốc trong 5 năm giai đoạn 2017 – 2021, Vinamilk sẽ đầu tư mạnh vào các thị trường đang phát triển và mới nổi, xây dựng các công ty con thành công thông qua M&A và hợp tác. Vinamilk ước tính đã bỏ ra 300 triệu USD cho hoạt động M&A.
Năm 2019, vụ hợp nhất GTNFoods đưa Mộc Châu Milk về chung nhà với Vinamilk được bình chọn vào top 10 vụ mua bán sáp nhập của năm do Diễn đàn M&A công bố. Thế mạnh quản trị, tài chính và công nghệ được xem là những yếu tố giúp Vinamilk cải tổ thành công nhiều công ty mới gia nhập hệ thống. Sau tái cấu trúc và thay đổi toàn diện chiến lược phát triển, các doanh nghiệp này đều ghi nhận kết quả tích cực.
Năm 2019 được giới chuyên gia kinh tế nhận định là năm cực kỳ sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam. Đình đám nhất có thể kể đến các thương vụ của Tập đoàn Masan. Sau M&A, những “đứa con” đều có kết quả kinh doanh khởi sắc.
Chẳng hạn, sau khi hoàn tất mua 52% cổ phần Công ty cổ phần Bột giặt Net (mã CK: NET), Masan có kế hoạch tích hợp NETCO với hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước. Theo Masan, đây là một trong những lĩnh vực lớn nhất và hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh. NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hoá các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dự báo M&A tăng mạnh và sẽ có sự trở lại của nhà đầu tư “kền kền” chuyên thực hiện các thương vụ M&A với giá rẻ. Thậm chí, các nhà đầu tư “kền kền” đang tiếp tục hiện diện nhiều hơn, đặc biệt trong thời gian này và có thể trở lại mạnh mẽ như ở giai đoạn 2010 – 2012.
Nguyên do, theo ông Lực, COVID-19 khiến nhiều công ty phá sản, phải tái cơ cấu toàn diện hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác. Trên thế giới, một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, lưu trú, hàng không (hàng loạt hãng hàng không đã tuyên bố phá sản tự nguyện hoặc nộp đơn xin bảo hộ phá sản).
Báo cáo của Euromonitor International mới đây chỉ ra rằng, sau khi chững lại vì COVID-19, dự báo hoạt động M&A khu vực Đông Nam Á sẽ tăng vọt vào năm tới, hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, các quốc gia Ấn Độ, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh (khoảng 26%), nhất là trong lĩnh vực Dịch vụ truyền thống, Mạng lưới phân phối, Bán lẻ, Bất động sản...
Phương Nga
Nguồn CafeBiz