9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Đây cũng có thể được coi là những người định hình nền thời trang thế giới.

Thời trang là một ngành công nghiệp thay đổi chóng mặt, nơi mà mọi điều điên rồ nhất đều có thể diễn ra. Thương hiệu của bạn có thể trở thành cái tên được thèm muốn nhất hoặc đang trên bờ vực phá sản, tất cả chỉ vỏn vẹn trong 1 năm.

Tuy nhiên, có một số nhà mốt danh tiếng cùng các nhà bán lẻ hàng đầu đã chiến đấu chống lại tỷ lệ cược đầy khốc liệt này và vẫn tiếp tục cung cấp hàng loạt thiết kế đáp ứng cho nhu cầu người tiêu dùng. Và chính xác ngay lúc này đây, loạt công ty thời trang kể trên đã trở thành những cường quốc quốc tế hàng đầu, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Nhưng những người đứng đằng sau chuỗi đế chế này, những người liên tục quản lý để thách thức và tăng giá trị ròng của bản thân, họ sẽ đối đầu với cuộc chiến sống còn này như thế nào? Liệu họ có giữ vững được danh hiệu của mình như một người giàu có nhất hay đơn giản sẽ bị người khác vượt mặt? Hãy cùng theo dõi danh sách dưới đây để chiêm ngưỡng sự biến thiên không hồi kết của thời trang qua 9 gương mặt đại diện giàu có nhất.

1. Bernard Arnault – Chủ tịch tập đoàn LVMH

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Đứng đầu trong danh sách này chính là Bernard Arnault, người đàn ông quyền lực nhất giới thời trang. Bên cạnh đó, ông cũng đứng top 2 người giàu nhất thế giới khi nắm trong tay số tài sản trị giá 122,1 tỷ USD. Tập đoàn LVMH của ông nắm quyền kiểm soát hàng loạt thương hiệu thời trang đình đám hiện nay như Céline, Dior, Donna Karan, Emilio Pucci, Fendi, Givenchy, Marc Jacobs, Loewe, Louis Vuitton... cùng nhiều hãng nước hoa, đồng hồ danh tiếng khác.

Bernard Arnaul sinh năm 1949, tốt nghiệp ngành kỹ sư tại trường École Polytechnique năm 1971 tại Pháp. Sau đó, ông về làm việc tại công ty của bố chuyên về kỹ thuật dân dụng. Với tầm nhìn của mình, Bernard giúp việc làm ăn của công ty trở nên phát đạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 1984, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, ông thâu tóm được hãng Dior. Đến 1987, Bernard Arnault sáng lập nên LVMH rồi dần mua lại những thương hiệu thời trang có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.

2. Amancio Ortega – Nhà sáng lập Zara

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Doanh nhân 84 tuổi từng vượt mặt Bill Gates trong năm 2015 để trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 80,3 tỷ USD. Đến 2016, Amancio bị đẩy xuống vị trí thứ hai trong danh sách với khối tài sản 68,2 tỷ USD. Tuy vậy, nếu chỉ tính trong làng thời trang, ông vẫn là người quyền lực nhất trước khi bị soán ngôi bởi Bernard Arnault vào năm 2018.

Nếu chỉ nhắc đến danh tiếng cá nhân, Amancio Ortega có lẽ xa lạ với nhiều người bởi tỷ phú Tây Ban Nha ít khi quan tâm đến những bài phỏng vấn báo chí cũng như không mặn mà xuất hiện ở các bữa tiệc đại chúng. Tuy vậy, chỉ cần đề cập đến thương hiệu thời trang bình dân do ông sáng lập, người nghe sẽ “À!” lên bởi Zara là hiện tượng của làng mốt thế giới trong rất nhiều năm.

3. Phil Knight – Nhà sáng lập Nike

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Với tài sản 48,6 tỷ USD trong tay, Phil Knight chiếm vị trí thứ 23 trong danh sách giàu nhất thế giới và thứ 3 trong làng thời trang quốc tế. Thương hiệu thời trang của tỷ phú sinh năm 1938 cũng là tên tuổi quyền lực hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao.

Năm 1962, trong một lần du lịch vòng quanh thế giới, Phil Knight dừng chân ở Kobe, Nhật Bản. Ông phát hiện một hãng giày chất lượng cao với giá bán cực rẻ là Onitsuka. Phil Knight gọi điện cho chủ hãng để xin quyền phân phối ở Mỹ. Khi giày mẫu được chuyển đến, tỷ phú lập tức đề nghị hãng Bowerman hợp tác. Mối lương duyên này giúp cả hai nhà đầu tư thu được doanh số vượt trội trong lần đầu bán ra. Đến tháng 1/1964, họ tiếp tục cho ra đời hãng thời trang Blue Ribbons Sports. Một thời gian sau, nó đổi tên thành Nike.

4. Francois Henri Pinault – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Kering

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Kering là tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu thời trang lớn như Alexander McQueen, Balenciaga, Brioni, Gucci, Puma, Volcom, Saint Laurent... Cha của Francois Heri Pinault là người sáng lập Kering còn ông giữ chức giám đốc điều hành. Với số tài sản trị giá 44,8 tỷ USD, ông đứng thứ 27 trong danh sách người giàu nhất. Nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Balenciaga và Gucci trong 5 năm trở lại đây, Francois Henri Pinault đang dẫn đầu tốc độ tăng trưởng trong giới thời trang.

Tỷ phú người Pháp sinh năm 1962. Năm 1987, ông bắt đầu làm việc cho PPR – công ty tiền thân của Kering – và được thăng chức làm giám đốc điều hành mảng bán hàng năm 1988. Nhờ khả năng của mình, Francois Henri Pinault nhanh chóng tìm được chỗ đứng. Năm 2005, ông được chỉ định làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Tập đoàn.

5. Tadashi Yanai – Nhà sáng lập công ty Fast Retailing sở hữu hãng UNIQLO

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Doanh nhân 71 tuổi người Nhật có số tài sản trị giá 35 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới và thứ 5 trong làng mốt hiện nay. Công ty thời trang của ông nổi tiếng với bộ máy nhân lực hoạt động quy củ và chính xác. Theo GQ, một trong 10 quy định mà các quản lý của UNIQLO nằm lòng khi làm việc là: “Luôn tuân theo sự chỉ dẫn của công ty. Không được phép làm việc theo ý mình”.

Tadashi Yanai khởi nghiệp bằng công việc bán đồ bếp và quần áo nam tại siêu thị Jusco, Nhật vào năm 1971. Một năm sau, ông bỏ việc và làm thuê cho bố ở cửa hàng may đo riêng. Tỷ phú mở cửa hàng UNIQLO đầu tiên tại Hiroshima vào 1984. Việc kinh doanh ngày càng trở nên phát đạt. Năm 1991, ông đổi tên công ty của bố từ Ogori Shoji thành Fast Retailing.

Ngày nay, Fast Retailing nói chung và UNIQLO nói riêng đều là những tên tuổi quyền lực trong ngành kinh doanh, thời trang. Tadashi Yanai từng nói: “Trông tôi có vẻ thành công nhưng để có được ngày hôm nay, tôi đã làm nhiều điều sai lầm. Con người thường tự dằn vặt mình quá nhiều về những lỗi lầm. Điều quan trọng cần làm là suy nghĩ tích cực và tin tưởng bản thân sẽ thành công trong lần tiếp theo”.

6. Alain Wertheimer và Gérard Wertheimer – Ông chủ của Chanel

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Giàu thứ 53 trên thế giới, Alain và Gérard Wertheimer nắm trong tay khối tài sản 24,6 tỷ USD. Sở hữu một trong số thương hiệu thời trang quyền lực và lâu đời nhất thế giới nhưng hai anh em nhà Wertheimer ít khi xuất hiện trước công chúng. Họ thường để cố giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld ra mặt thay mình. Nhà mốt Chanel của 2 anh em Wertheimer được thừa hưởng từ người sáng lập và là ông nội của họ – Pierre Wertheimer.

7. Leonardo Del Vecchio – Nhà sáng lập Luxottica

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Luxottica là một trong những hãng bán lẻ và cung cấp kính thời trang lớn nhất thế giới hiện nay. Nhờ nó, Leonardo Del Vecchio mới có được vị trí 67 trong danh sách người giàu nhất với tài sản trị giá 20,8 tỷ USD và đứng thứ 5 trong làng mốt. Tỷ phú 85 tuổi sở hữu khoảng 6.000 cửa hàng bán lẻ cùng 73.400 nhân viên.

Leonardo Del Vecchio sinh ra tại Milan. Cha mất sớm, ông bị đưa vào trại trẻ mồ côi vì mẹ không đủ năng lực tài chính. Leonardo bắt đầu sự nghiệp bằng nghề tiện. Nhưng đến 1961, ông chuyển tới vùng vùng Agordo, Ý để học làm kính mắt. Công ty Luxottica được Leonardo cùng các đối tác nhanh chóng thành lập sau đó. Năm 1967, ông bắt đầu bán gọng kính của hãng ra ngoài thị trường, kiếm được doanh thu không nhỏ.

Công ty của tỷ phú này dần thâu tóm nhiều tên tuổi nhỏ hơn và mở rộng tầm ảnh hưởng. Hiện tại, Luxottica không chỉ bán sản phẩm tự sản xuất mà còn cung ứng cho hàng loạt tên tuổi lớn như Burberry, Chanel, Paul Smith, Tiffany & Co., Versace, Vogue, Person, Miu Miu, Tory Burch, Paul Smith, Donna Karan...

8. Stefan Persson – Đồng sở hữu kiêm Chủ tịch H&M

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Đứng thứ 89 trong top người giàu nhất thế giới, Stefan Persson “hạ cánh” ở vị trí thứ 8 trong làng mốt quốc tế. Ông sở hữu khối tài sản trị giá 18 tỷ USD. H&M – công ty thời trang mà Stefan Persson đang nắm quyền – là một trong những đối thủ mạnh nhất của Zara trong phân khúc bình dân. Theo tính toán của giới chuyên môn, năm 2016, mỗi ngày công ty này sẽ mở ít nhất một cửa hàng trên thế giới.

Stefan Persson sinh năm 1947 và hiện là Chủ tịch kiêm cổ đông chính trong công ty thời trang H&M. Thương hiệu này là tài sản Stefan được thừa hưởng từ cha mình vào năm 1982. Ông làm giám đốc điều hành cho hãng trong suốt 6 năm rồi mới lên chức.

9. Heinrich Deichmann – Giám đốc Điều hành Deichmann

9 “ông trùm” quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang thế giới

Với khối tài sản trị giá 9,4 tỉ USD, Heinrich Deichmann là Giám đốc Điều hành của nhà sản xuất giày Deichmann, được thành lập bởi ông nội của ông với tư cách là một cửa hàng bán đồ chơi cobbler ở Đức vào năm 1913.

Danh tiếng của thương hiệu về việc tạo ra giày dép với giá cả phải chăng đã ăn sâu vào lịch sử hình thành của nó. Theo trang web của công ty, gia đình Deichmann đã tổ chức chương trình trao đổi giày cũ để giúp đỡ những khách hàng đang gặp khó khăn sau chiến tranh.

Ngày nay, Deichmann đã phát triển trở thành nhà bán lẻ giày lớn nhất Châu Âu, với hơn 4.200 cửa hàng ở Đức, Mỹ và khắp Châu Âu.

Nam Vũ
Nguồn CafeF