Thế Giới Di Động, Digiworld phục hồi tích cực, FPT Retail, PNJ vẫn tăng trưởng âm
FPT Retail báo lỗ ròng gần 7 tỷ đồng trong quý III do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và quá trình đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu khiến chi phí tăng cao.
Ngành bán lẻ là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 đặc biệt trong quý II do các biện pháp cách ly xã hội được thực hiện. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước, bức tranh kinh doanh quý III của nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ đã khởi sắc hơn so với quý trước.
Nhìn chung sau 9 tháng đầu năm, nhóm ngành bán lẻ đang có sự phân hoá nhất định. Một số doanh nghiệp đã tăng trưởng dương trở lại như Thế Giới Di Động (mã MWG) hay thậm chí tăng trưởng 2 con số như Digiworld (mã DGW) trong khi số khác vẫn tăng trưởng âm.
MWG tăng trưởng dương trở lại
Sau 9 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 81.352 tỷ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế đạt 2.978 tỷ đồng (tăng 0,05%). Từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3 đến nay, đây là lần đầu tiên MWG ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế luỹ kế dương so với cùng kỳ.
Theo ngành hàng, doanh thu nhóm điện lạnh và gia dụng tiếp tục tăng trưởng dương; máy tính xách tay tăng 44% đạt hơn 2.500 tỷ đồng; đồng hồ gấp 2,8 lần cùng kỳ đạt 1.050 tỷ đồng nhờ bán 750.000 sản phẩm; nhóm thực phẩm và FMCGs tăng 112%. Doanh thu sản phẩm điện thoại di động vẫn giảm nhưng đang dần được cải thiện nhờ triển khai bán các sản phẩm mới và mở thêm cửa hàng ĐMX mini/ supermini.
Biên lợi nhuận gộp luỹ kế 9 tháng được cải thiện đáng kể lên 21,7% so với mức 18,4% cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ đóng góp tích cực của hầu hết các ngành hàng đặc biệt là thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs).
Về quy mô, tổng số cửa hàng tính đến cuối tháng 9 là 3.709 cửa hàng bao gồm 962 cửa hàng Thế giới Di động, 1.124 cửa hàng Điện máy Xanh và 1.623 cửa hàng Bách hoá Xanh. Tổng tài sản đạt hơn 40.727 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
DGW tăng trưởng 2 con số
Mức tăng trưởng ấn tượng nhất thuộc về Digiworld. Trong quý III, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu kỷ lục 3.655 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ mảng điện thoại di động tăng tới 84% lên mức 1.868 tỷ đồng nhờ vào sự tăng trưởng tốt của Xiaomi và đóng góp mới của Apple.
Sau khi trừ chi phí, Digiworld thu về 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 44% so với quý III năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp này đạt được kể từ khi đi vào hoạt động.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần 8.518 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 84% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận.
Được biết, Digiworld chính thức trở thành đại lý phân phối uỷ quyền cho Apple tại Việt Nam kể từ cuối tháng 6/2020. 40% thị phần điện thoại iPhone tại Việt Nam là hàng xách tay và đây là thị trường tiềm năng để Digiworld khai thác. Danh mục sản phẩm chính gồm iPhone, MacBook, iPad, Apple Watch, Beats, Apple TV và các phụ kiện khác.
Digiworld cho biết, khách hàng mục tiêu của họ là các nhà bán lẻ trên toàn quốc, trừ Thế giới Di động và FPT Retail. Nhìn chung, việc bổ sung Apple ở một phân khúc cao cấp hơn sẽ giúp DGW tránh được việc tạo ra cạnh tranh thị phần của các sản phẩm cùng phân khúc.
Những mảng tối vẫn hiện hữu
Không phải doanh nghiệp bán lẻ nào cũng có được sự phục hồi khả quan sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh. FPT Retail (mã FRT) là một điển hình khi báo lỗ ròng gần 7 tỷ đồng trong quý III do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và quá trình đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu khiến chi phí tăng cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà bán lẻ này ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.729 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 94% so với kết quả đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
Năm 2020, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 15.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 220 tỷ đồng. Kế hoạch này đã được tính toán trong bối cảnh dịch bệnh tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh bán lẻ.
Mục tiêu lớn của FPT Retail trong năm 2020 là đẩy mạnh kinh doanh dược phẩm. FPT Retail dự kiến đến cuối năm nay mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 220 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cũng chưa thể thực sự phục hồi sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Theo đó, doanh thu quý III của PNJ gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 3.962 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% so với quý III/2019, xuống mức 202 tỷ đồng.
Theo giải trình của PNJ, doanh thu kênh lẻ (bao gồm trang sức và đồng hồ) trong quý III/2020 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù PNJ phải tạm dừng hoạt động kinh doanh tất cả các cửa hàng ở Đà Nẵng trong tháng 8, tuy vậy sau khi làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 bị kiểm soát, PNJ đã tăng tốc mạnh mẽ trong tháng 9 với mức tăng trưởng doanh thu kênh lẻ đạt 18,2%. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu kênh lẻ tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu đạt 11.779 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm tới 20,3% xuống còn 642 tỷ đồng, giảm 20,3% cùng kỳ năm trước qua đó hoàn thành 77,4% kế hoạch năm.
Theo dự báo của Chứng khoán BSC, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của PNJ có thể đạt 881 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ. Dự báo dựa trên giả định số lượng cửa hàng năm nay sẽ giảm còn 340 cửa hàng trong đó mở mới 22 cửa hàng PNJ Gold, và đóng 14 cửa hàng PNJ Gold cũ và 14 cửa hàng PNJ Silver. Tăng trưởng cửa hàng cũ giả định là âm 8% cao hơn âm 15% trong kịch bản xấu nhất nhờ kỳ vọng phục hồi bán lẻ sau dịch COVID-19 trong nửa sau năm 2020.
Ngoài ra, BSC cũng ước tính tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/ doanh thu thuần tăng 11,74% để kích cầu tiêu dùng và tuyển thêm nhân sự chủ chốt và đầu tư vào công nghệ thông tin, tuy nhiên sẽ giảm dần trong các năm sau. Chi phí tài chính tăng 27% so với năm trước do PNJ duy trì nợ ngắn hạn ở mức cao để đáp ứng vốn lưu động.
Thanh Hà
Nguồn Nhịp sống doanh nghiệp