KQKD ngành Bia rượu quý III: Chịu tác động kép, 2 “ông lớn” vẫn có lợi nhuận tăng trưởng

KQKD ngành Bia rượu quý III: Chịu tác động kép, 2 “ông lớn” vẫn có lợi nhuận tăng trưởng

Trong đó Habeco báo lãi quý III gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Ngành bia, rượu là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Những điều lệnh hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập, cách ly... đã ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ bia, rượu. Bên cạnh đó, Nghị định 100 về quy định uống rượu bia khi tham gia giao thông cũng làm cho lượng tiêu thụ bia, rượu giảm mạnh.

Tác động kép, lại diễn ra cùng một lúc đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành bia gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ bị thua lỗ. Tuy nhiên, 2 “đại gia” trong ngành bia rượu là Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) đã kịp thời thích ứng, có lãi tăng trưởng trở lại trong quý III vừa qua.

“Ông lớn” phía bắc Habeco đạt gấp đôi kế hoạch lợi nhuận năm

Habeco được xem là ông lớn ngành bia, đánh chiếm thị phần chủ yếu ở miền Bắc. Quý I đầu năm, bất ngờ trước tác động của Nghị định 100 và sau đó là các lệnh giãn cách liên quan đến dịch bệnh COVID-19, Habeco ghi nhận lỗ 98,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi sau thuế gần 64 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Habeco âm hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quý II công ty đã tạm thời ổn định, báo lãi gần 246 tỷ đồng, thậm chí còn tăng nhẹ so với số lãi 241 tỷ đồng đạt được quý II/2019.

Quý III vừa qua, Habeco ghi nhận lãi sau thuế 341 tỷ đồng, gấp đôi so với số lãi chưa đến 170 tỷ đồng đạt được trong quý III/2019 – mức lãi lớn nhất theo quý trong vòng 4 năm trở lại đây. Doanh thu trong quý đạt 2.720 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ. Kết quả tích cực của Habeco trong quý III vừa qua chủ yếu đến từ việc tiết giảm chi phí, trong đó chi phí bán hàng giảm 230 tỷ đồng (-40%), chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ giảm 227 tỷ đồng (-54%).

Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 của Habeco đạt 488 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

KQKD ngành Bia rượu quý III: Chịu tác động kép, 2 “ông lớn” vẫn có lợi nhuận tăng trưởng

“Ông lớn” phía nam Sabeco

Sabeco (SAB) báo lãi 1.479 tỷ đồng quý III vừa qua, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng. Số lãi này cũng giúp Sabeco tiệm cận quý lãi lớn nhất trong lịch sử – quý II/2019 với số lãi sau thuế 1.530 tỷ đồng.

Trước đó Sabeco báo lãi quý I đạt 717 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lãi quý II đạt 1.216 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020 Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.257 tỷ đồng.

Trong bối cảnh chịu tác động kép, kết quả kinh doanh của cả Sabeco và Habeco đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, và đặc biệt lợi nhuận tăng trưởng dần theo quý từ đầu năm đến nay cho thấy doanh nghiệp đã thích ứng với tình hình, tiết giảm các loại chi phí để kinh doanh có hiệu quả hơn.

KQKD ngành Bia rượu quý III: Chịu tác động kép, 2 “ông lớn” vẫn có lợi nhuận tăng trưởng

Các doanh nghiệp ngành bia khác vẫn còn vật lộn

Ngoại trừ 2 ông lớn Sabeco và Habeco ra, các doanh nghiệp ngành bia, rượu khác vẫn còn đang chật vật vật lộn trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB) báo lãi quý III sụt giảm 48% so với cùng kỳ, đạt 21,6 tỷ đồng. Số lãi này thậm chí còn thấp hơn cả lợi nhuận đạt được trong quý I và quý II.

Bia Sài Gòn Quảng Ngãi (BSQ) ghi nhận lãi sau thuế 27 tỷ đồng trong quý III, giảm 23% so với cùng kỳ. Bia Sài Gòn Phú Thọ (BSP) giảm 34% lợi nhuận trong quý III, xuống còn 11 tỷ đồng. Bia Sài Gòn Miền Trung (SMB) lãi sau thuế quý III gần 50 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ...

Halico vẫn tiếp tục thua lỗ

Một trong những cái tên khá đặc biệt trong ngành bia rượu là Halico (HNR) – doanh nghiệp cồn rượu lâu năm và có tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại thua lỗ triền miên nhiều năm.

Quý III vừa qua Halico lỗ 5,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ 9 tháng đầu năm lên 20,6 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 56 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020.

Tính đến hết quý III/2020, Halico đã lỗ luỹ kế 413 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 379 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 200 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 26 tỷ đồng so với đầu năm, còn 397 tỷ đồng.

KQKD ngành Bia rượu quý III: Chịu tác động kép, 2 “ông lớn” vẫn có lợi nhuận tăng trưởng

Thạch Lâm
Nguồn CafeF