Vốn ngoại đổ vào kho bãi

Vốn ngoại đổ vào kho bãi

Nhiều tên tuổi cùng hướng sự chú ý vào logistics, đặc biệt là mảng kho bãi cho thuê.

Theo Reuters, công ty kho bãi lớn nhất Châu Á có tên GLP đang có kế hoạch ra mắt liên doanh 1,5 tỉ USD tại Việt Nam. Nếu kế hoạch diễn ra như dự tính, đây sẽ là kho hàng đầu tiên của GLP ở Đông Nam Á. GLP lên kế hoạch nhảy vào thị trường Việt Nam vì nhận thấy tiềm năng lớn để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cuộc đua tăng nhiệt

Trước GLP, nhiều công ty lẫn quỹ đầu tư cũng nhận thấy tiềm năng của thị trường bất động sản logistics. Trong đó, nổi bật là cái bắt tay giữa Warburg Pincus với Becamex IDC cho mục đích thành lập liên doanh để phát triển hệ thống nhà xưởng xây sẵn cho thuê, kho vận hậu cần hiện đại cho thuê và các sản phẩm liên quan đến bất động sản công nghiệp. Liên doanh này đã ra đời cách đây 2 năm (2018) và có vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu USD.

Mapletree, một nhà đầu tư khác đến từ Singapore, cũng đã đặt chân đến Việt Nam và hiện sở hữu, quản lý cho 8 dự án bất động sản kho bãi, trải dài từ Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, với tổng tài sản khoảng 719,2 triệu USD.

Vốn ngoại đổ vào kho bãi

Ở các khu công nghiệp, việc mở rộng diện tích để phát triển mảng kho bãi cũng đang được ưu tiên. Theo ghi nhận từ Công ty CBRE, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Dự kiến đến hết năm 2020, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước) tại các tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam. CBRE cũng nhận thấy, giá chào thuê tại các dự án kho mới của chủ đầu tư nước ngoài đã tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Song song đó, nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở kho vận.

Thực tế, thương mại toàn cầu những năm qua có nhiều biến động, khiến bức tranh xuất khẩu của Việt Nam cũng đổi khác. Trong 10 năm qua, xuất khẩu ghi nhận đà tăng trưởng trung bình 16,8%/năm. Những ưu đãi thuế quan và chi phí gia công thấp cũng là yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài. Điều này thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng ngành công nghiệp nói chung và logistics nói riêng.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của World Bank, chi phí logistics ở Việt Nam hiện tương đương khoảng 21% GDP, cao nhất khối Đông Nam Á. Chi phí logistics đang là gánh nặng của nền kinh tế, gây sức ép lên doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Giải pháp được ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đề xuất là tăng khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải. Tuy nhiên, rút ngắn đường đi của hàng hoá lại được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn. Từ đây, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa các hãng thương mại điện tử, bán lẻ... không chỉ về năng lực nhà cung cấp mà còn là cuộc đua về khả năng hoàn thiện hệ thống kho vận. Điển hình, đến nay, Shopee đã chính thức đưa vào vận hành 3 kho trữ hàng ở Việt Nam. Kho thứ 3 mới khai trương tháng 8 vừa qua là kho hậu cần có quy mô lớn nhất của Shopee, không thua kém các kho hàng của Shopee ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đài Loan...

Vốn ngoại đổ vào kho bãi

Hay Tiki hiện có 10 kho tại các thành phố lớn với tổng diện tích hơn 10ha và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác để gia tăng hệ thống kho bãi. Trong khi đó, Lazada cũng mở các kho giao nhận tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và từng khẳng định đây là chiến lược quan trọng nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Khoảng trống cần lấp đầy

Các nhà kinh doanh xác nhận, việc đầu tư hệ thống kho bãi hoàn thiện là cách để cải thiện tốc độ xử lý đơn hàng và giảm chi phí để giành lợi thế ở thị trường thương mại điện tử. Điển hình, theo dữ liệu tự công bố, thời gian giao hàng trung bình trên toàn quốc của Tiki hiện nay là 1-2 ngày. Tuy nhiên, trong một lần phỏng vấn báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki, chia sẻ, việc ứng dụng tự động hoá kho vận không khó nhưng cần diện tích đủ lớn và thị trường đủ quy mô và “dưới 2ha là khó tự động hoá hiệu quả”.

Vốn ngoại đổ vào kho bãi

Các công ty cũng chủ trương triển khai đầu tư kho bãi theo hình thức bắt tay, hợp tác. Chẳng hạn, năm ngoái, Tiki đã hợp tác với Unidepot để gia tăng hệ thống kho bãi, mở rộng năng lực hậu cần nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng của Tiki.

Thực tế, không nhiều đơn vị có năng lực triển khai kho bãi như Tiki. Cách thức mà các công ty chọn là sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Ngoại Thương, năm ngoái, con số sử dụng dịch vụ logistics bên ngoài đã tăng lên, ở mức 50%. Đây là lý do để nhiều đơn vị tham gia cuộc đua cung cấp dịch vụ kho bãi như Tân Cảng Sài Gòn, Mapletree, Sotrans, Gemadept, Vinafco, DHL, YCH Protrade, Damco, Transimex, IndoTrans, Draco... Mảng kho lạnh ghi nhận các tên tuổi ABA Cooltrans, Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex...

Hơn thua nhau trong cuộc đua này, ngoài tài chính còn là nhân lực. Theo báo cáo Bộ Công Thương, 93-95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics và có đến 32,4% số công ty Việt Nam tham gia vào logistics dưới 50 nhân viên. Ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này cũng còn yếu kém. Dù vậy, trước nhu cầu kho bãi dự báo còn tăng mạnh do sản xuất phát triển và chi tiêu tiêu dùng tăng, cơ hội cho các công ty tham gia đầu tư kho bãi vẫn lớn.

CBRE đánh giá, thời gian tới, tỉ lệ kho trống sẽ giảm. Thị trường kho bãi sẽ tập trung tại các thành phố lớn và các tỉnh ven biển, nơi tập trung dân số đông đúc, cần các cảng biển, có khách hàng tiềm năng và là nguồn nhân lực dồi dào.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư