Một kỷ nguyên chấm dứt sau khi chủ tịch Samsung qua đời

Một kỷ nguyên chấm dứt sau khi chủ tịch Samsung qua đời

Với sự hỗ trợ từ Nhà Xanh, các tập đoàn gia đình như Samsung đã góp công lớn vào “kỳ tích sông Hán” của nền kinh tế Hàn Quốc những thập kỷ qua. Nhưng kỷ nguyên này giờ đã kết thúc.

Theo Nikkei Asian Review, sự ra đi của Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee tượng trưng cho sự kết thúc của một kỷ nguyên. Đó là quãng thời gian mối quan hệ giữa Nhà Xanh và các tập đoàn gia đình lớn (chaebol) thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên.

“Vào tháng 12/2016 khi đến Seoul làm việc, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ”, nhà báo Hiroshi Minegishi của Nikkei Asian Review viết. Khi đó, các tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc – bao gồm Samsung, Hyundai Motor, SK, LG, Lotte, Hanwha, Hanjin và CJ – lần đầu tiên phải điều trần trước quốc hội Hàn Quốc.

Các cuộc điều trần xuất phát từ cáo buộc hối lộ liên quan đến những khoản thanh toán của 50 công ty (bao gồm các tập đoàn lớn) cho hai quỹ do một người bạn của bà Park Geun Hye – tổng thống Hàn Quốc lúc bây giờ – kiểm soát.

Một kỷ nguyên chấm dứt sau khi chủ tịch Samsung qua đời

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong và cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vào năm 2015
Ảnh: Nikkei

Mối quan hệ giữa Nhà Xanh và chaebol

Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong, khi đó là Giám đốc Điều hành của công ty, phải chịu sự giám sát đặc biệt chặt chẽ. Trong cuộc chất vấn trước Quốc hội, ông Jae Yong phủ nhận và cho rằng đó hoàn toàn là vì “các mục đích xã hội”.

Sự tăng trưởng thần tốc của Hàn Quốc kể từ những năm 1960 được truyền thông gọi là “phép màu trên sông Hán”. Quá trình tăng tốc được thúc đẩy bởi cái bắt tay giữa chính phủ và các tập đoàn lớn. Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 64 USD/năm.

Đến thập niên 1960, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ tương đương các nước nghèo tại Châu Phi và Châu Á. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Hàn Quốc trong vòng 40 năm kể từ năm 1961 đến năm 2000 là 7,83%. Chỉ số này từng chạm ngưỡng kỷ lục 14,83% vào năm 1973, 14,54% năm 1969 và 13,12% năm 1976.

Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nền kinh tế Hàn Quốc hiện đứng thứ 21 trên tổng số 205 nước trên thế giới với tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 30.000USD, đứng thứ 30 toàn cầu.

Một kỷ nguyên chấm dứt sau khi chủ tịch Samsung qua đời

Samsung là một trong những tập đoàn lớn thúc đẩy quá trình tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế Hàn Quốc
Ảnh: Reuters

Động lực chính cho sự phát triển thần tốc của Hàn Quốc là các tập đoàn gia đình giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Họ nhận được các ưu đãi lớn từ chính phủ Hàn Quốc như giảm thuế, cho vay giá rẻ và cho phép đẩy mạnh khai thác.

Thông qua mô hình công nghiệp hoá xuất khẩu này, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn phát triển công nghệ mới và nâng cao hiệu quả sản xuất để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chiến lược này đã tạo động lực lớn cho ông Lee Byung Chull – người sáng lập Samsung – phát triển tập đoàn.

Dấu chấm hết

Ông Lee thành lập Samsung Sanghoe – tiền thân của Samsung – vào năm 1938 với tư cách một công ty kinh doanh thực phẩm. Sau đó, ông thành lập Samsung Electronics và mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp nặng, bảo hiểm nhân thọ, khách sạn, công viên giải trí và một loạt ngành công nghiệp khác.

Các công ty hàng đầu của Hàn Quốc nổi tiếng với khả năng ra quyết định nhanh chóng, chuyên môn quản lý và những khoản đầu tư táo bạo. Ông Lee Kun Hee, người nắm quyền điều hành Samsung vào năm 1987, được đánh giá là bậc thầy về mô hình kinh doanh thời hậu chiến của Hàn Quốc. Ông đã giúp tập đoàn thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Một kỷ nguyên chấm dứt sau khi chủ tịch Samsung qua đời

Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun Hee lúc sinh thời và gia đình
Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo một cựu giám đốc điều hành của Samsung, các công ty phải đối mặt với những đợt kiểm tra thuế khắc nghiệt. Các dự án mới của họ cũng không được chấp thuận nếu không tuân theo những yêu cầu của chính phủ. Theo Nikkei Asian Review, các tập đoàn sẽ “bôi trơn bánh xe” bằng những đóng góp cho chính trị.

Tuy nhiên, các tập đoàn phải đối mặt với vấn đề về thừa kế. Việc chuyển giao quyền lực từ thế hệ này sang thế hệ khác đòi hỏi gia đình phải trả một số tiền thuế cực lớn. Những tập đoàn này thường chia rẽ sau khi vị lãnh đạo mới được chọn ra sau một cuộc chiến bên trong gia tộc.

Theo Nikkei Asian Review, rất khó để loại bỏ hoàn toàn rủi ro, ngay cả khi sử dụng mọi kỹ thuật tài chính để giảm bớt khoản thuế thừa kế khổng lồ. “Samsung nên suy nghĩ về sự đối xử đặc biệt mà tập đoàn đang được hưởng, những vi phạm nguyên tắc thị trường và mối quan hệ tay đôi giữa chính phủ và các tập đoàn. Khi đó, tập đoàn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae In khẳng định.

Con trai duy nhất của ông Lee Kun Hee – ông Lee Jae Yong – đã thề rằng các con trai của ông sẽ không được chuyển giao quyền lãnh đạo tập đoàn Samsung. “Kỷ nguyên hợp tác tay đôi giữa chính phủ Hàn Quốc và các tập đoàn khổng lồ dường như đã kết thúc”, nhà báo Hiroshi Minegishi bình luận.

Thảo Cao
Nguồn BizLive