Hội nước mắm Việt Nam đóng góp 70% doanh số toàn ngành
Là món ăn không thể thiếu trong các gia đình Việt, nước mắm đang dần chinh phục thế giới.
Bước đầu chinh phục thế giới
Từ lô hàng đầu tiên đi Hàn Quốc năm 1993, đến nay, Công ty Thanh Hà đã xuất khẩu nước mắm truyền thống sang hầu hết nước Châu Âu và nhiều quốc gia khác. Thị trường nội địa cũng tăng trưởng nhanh, chiếm 40% sản lượng của đơn vị này.
Hiện tại, hiệp hội bao gồm các thành viên là 85 doanh nghiệp, gần 200 cá nhân hoạt động trên toàn quốc. Doanh số và sản lượng kinh doanh nước mắm của các hội viên sáng lập VAFS chiếm khoảng 70% doanh số và sản lượng của toàn bộ ngành nước mắm.
Tuy vậy, theo bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc phụ trách Kinh doanh của doanh nghiệp, nước mắm truyền thống vẫn gặp hai thách thức lớn, đó là khẩu vị của người tiêu dùng và giá cả.
Cũng theo bà, nước mắm truyền thống có độ đạm cao, như ở Phú Quốc thường từ 20 độ đạm trở lên. Do đó, một số người cảm thấy khó ăn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thậm chí, ngay cả khi người tiêu dùng hiểu rõ về các loại nước mắm, quyết định chọn mua của họ cũng phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập và thói quen chi tiêu.
Trong khi đó, đặc tính của nước mắm truyền thống cần sử dụng nhiều lao động, sản lượng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố đánh bắt tự nhiên. Nước mắm truyền thống thường có giá cao gấp 2-4 lần nước mắm công nghiệp. “Giá cả là rào cản lớn nhất. Nhưng nước mắm truyền thống thì không thể rẻ được. Chúng tôi chỉ có thể tìm phương án giảm giá thành để có mức giá phù hợp”, bà Kim Ngân chia sẻ.
Nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng nước mắm, ứng dụng khoa học kỹ thuật; bảo tồn ngành và tăng khả năng cạnh tranh của nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế, các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý, kiểm nghiệm nước mắm đã cùng nhau thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam (VAFS).
Một trong số các mục tiêu chính của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam bên cạnh việc tập hợp các thành viên trong ngành, bảo vệ quyền lợi chính đáng, Hiệp hội cũng mong muốn có thể xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm, quá trình sản xuất nước mắm. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu khoa học cũng được thúc đẩy nhằm tăng năng suất, quảng bá sản phẩm ra thế giới và đẩy mạnh xuất khẩu...
Tiến sĩ Trần Đáng, Thành viên Hiệp hội cho biết, cả nước hiện có gần 3.000 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, với tổng sản lượng trên 200 triệu lít/năm. “Mặc dù gần như chiếm trọn thị trường tiêu dùng nội địa với độ phủ trên 99% bàn ăn gia đình người Việt, cánh cửa cho các doanh nghiệp nước mắm còn rộng mở hơn thế”, ông khẳng định.
Đa dạng vị nước mắm Việt
Tổng giá trị ngành hàng nước mắm hiện nay đạt khoảng 6.000 tỉ đồng/năm; tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua đạt 13,25%/năm. Nước mắm là sản phẩm giàu tính truyền thống của Việt Nam, được gọi là “quốc hồn quốc tuý”. Tuy dung lượng thị trường nội địa không lớn so với các sản phẩm tiêu dùng khác, nhưng nước mắm không thể thiếu trong mọi bữa ăn gia đình và các món ăn của người Việt.
Các vùng làm nước mắm nổi tiếng của Việt Nam có thể kể đến như Cát Hải – Hải Phòng (phương pháp đánh khuấy); Phan Thiết, Nha Trang và Phú Quốc (phương pháp gài nén, tận dụng enzyme và vi sinh phân giải). Các phương pháp chế biến khác nhau, tạo nên chất lượng và hương vị nước mắm mỗi vùng khác nhau.
Hiện nay, trên toàn quốc có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm.
Trong đó, có khoảng 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang...
Một số thương hiệu nước mắm nổi tiếng và có sản phẩm nước mắm phong phú như, nước mắm Vạn Vân (Cát Hải), nước mắm Vạn Phần (Nghệ An), nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng), nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), nước mắm Liên Thành (TP.HCM), đặc biệt là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đang rất nổi tiếng ở trong nước và thế giới.
35 cơ sở tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và ĐBSCL, chiếm 4,5% tổng số cơ sở chế biến thuỷ sản đủ điều kiện xuất khẩu vào 20 thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn lại chủ yếu là chế biến tiêu thụ nội địa với 748 cơ sở, chiếm 22,8% số lượng cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư