CEO Bkav: Đích đến là công ty Camera tỷ “đô” và top 3 smartphone thế giới
Cho dù Bphone – smartphone của Tập đoàn Bkav đến thời điểm này vẫn chưa thành công về mặt thị phần, nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng giám đốc (CEO) Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng, trong câu chuyện với VnEconomy nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) – vẫn tràn đầy hi vọng mục tiêu đứng vị trí số 1 về thị phần vào năm 2023.
* 2020 có thể xem là một năm rất đặc biệt, nhất là với doanh nghiệp doanh nhân trước tác động của dịch COVID-19. Điều đặc biệt bởi dịch COVID-19 này ở Bkav trong hơn 10 tháng qua là như thế nào, thưa ông?
Ngay từ đầu định hướng của Bkav là làm các công việc hữu ích cho xã hội, trong đó có cá nhân tôi và mọi người trong công ty. COVID-19 đến tôi cũng suy nghĩ. Đầu tiên là làm thế nào để góp sức vào chống dịch cùng mọi người. Rồi song song với nó là doanh thu có vấn đề không.
Nhiều người có thể quan tâm đến doanh thu đầu tiên, nhưng doanh thu với tôi thực sự là thứ 2.
Cũng lo chứ, vì tất cả ngưng trệ như thế thì doanh thu có giảm không. May mắn với Bkav là trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên doanh thu gần như không giảm. Thế nên yên tâm và tập trung vào yếu tố thứ nhất, cũng đúng lý do tôi làm từ trước đến nay.
Ngay ra Tết, Bkav họp đánh giá tình hình và nhìn nhận vẫn hoàn toàn có thể làm việc bình thường. Lúc đó dịch dã rất ít, Chính phủ kiểm soát rất tốt, số ca lây nhiễm ít và với tỷ lệ đấy lây nhiễm là khó.
Chúng tôi tham gia chống dịch thì lại được làm rất nhiều, cụ thể với Bluezone (ứng dụng truy vết lây nhiễm người có nguy cơ lây nghiễm COVID-19). Tôi rất chịu khó, có những kinh nghiệm nào thì đưa lên mạng xã hội trao đổi, sau đó anh Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) gọi điện cho tôi tham gia làm phần mềm, thì Bkav tham gia ngay.
* Nhưng rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xem COVID-19 là cơ hội để đổi mới, sáng tạo, tìm những giải pháp, ứng dụng mới để thúc đẩy tăng trưởng. Bkav có vậy không?
Thực ra nó rất tự nhiên vì giờ nhu cầu đặt ra cho công nghệ thông tin nhiều hơn, đặc biệt là thay đổi nhận thức của mọi người về công nghệ thông tin. Trước đây họp hành online cảm thấy khó khăn nhưng giờ thấy rất bình thường, thấy tốt, và mọi người còn nhìn thấy ứng dụng công nghệ thông tin là tốt.
Với Bkav, nhiều dự án lúc trước có thể đang còn dạng ý tưởng hay dè dặt thì giờ thúc đẩy nó lên vì nhu cầu lớn hơn. Bluezone về chống dịch thì không nói, giống như một phần mềm đơn thuần để phục vụ xã hội và là một phạm trù khác.
Những mảng sản phẩm khác của Bkav có cơ hội nhiều hơn, như chúng tôi đang có các giải pháp về đô thị thông minh, gồm một hệ thống rất nhiều phần mềm, không chỉ là một, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số (trong mọi ngõ ngách, lĩnh vực). Mảng đô thị thông minh đang phát triển rất mạnh.
Hay vừa rồi là camera AI (trí tuệ nhân tạo), cũng có cơ hội. Như thương chiến Mỹ – Trung, hay căng thẳng Ấn – Trung thì những nơi đấy họ không hoặc hạn chế nhập sản phẩm (camera) của Trung Quốc, rồi Châu Âu…, chúng tôi đang có cơ hội để xuất khẩu ra tất cả các nước đấy.
Khi có dịch COVID-19, có những ứng dụng, chẳng hạn giãn cách xã hội thì camera AI sẽ tham gia vào việc giám sát, sẽ cảnh báo nơi nào phải giãn cách nhưng đang không thực hiện đúng. Hay đeo khẩu trang nhưng vẫn phải nhận diện được khuôn mặt.
Hôm rồi Bkav đã xuất khẩu camera AI sang Ấn Độ đấy. Tuần này Bkav tiếp tục xuất một đơn hàng nữa sang Mỹ.
1. Tham vọng công ty camera tỷ “đô”
* Chúc mừng ông và Bkav! Nhưng ông có thể chia sẻ doanh thu hay giá trị của các đơn hàng trên không?
Doanh số xin phép chưa tiết lộ. Nhưng Bkav mới làm mà đã có đơn hàng như thế.
Đơn hàng vào Ấn Độ là có một đối tác họ cung cấp cho Chính phủ. Còn đơn hàng vào Mỹ là lắp đặt cho trụ sở chính của Qualcomm, một công viên và toà thị chính của một bang.
Ngoài ra còn nhiều tín hiệu đến từ các quốc gia như Mexico, Phần Lan, Malaysia, Singapore… chúng tôi đang có những đàm phán dự án rồi.
* Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng, cơ hội trong mảng camera này?
Chắc chắn có cơ hội dẫn đầu về mảng này. Và dễ hơn những mảng khác, rất rõ.
Hiện đang dẫn đầu trên thị trường camera là Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang bị một số nơi như Mỹ, Ấn Độ, Châu Âu tẩy chay hoặc hạn chế sử dụng như đã nói.
Chúng tôi phấn đấu sẽ nằm trong top 5 thế giới, tất nhiên sẽ là công ty tỷ “đô”.
Tôi nghĩ chắc chắn mảng này sẽ là công ty tỷ “đô” trong vài năm tới, Bkav đang phấn đấu vì cơ hội rất rõ. Bây giờ camera tất cả mọi nơi trên thế giới đều bùng nổ. Nó giống tai mắt như thế thì người ta không dám dùng của Trung Quốc, đặc biệt như Mỹ.
Tại Trung Quốc có hàng tỷ chiếc camera được lắp đặt. Hai công ty đứng đầu của quốc gia này về camera đang có giá trị mười mấy tỷ “đô”. Mình có cơ hội cạnh tranh với những công ty đấy.
Lần này Bkav làm bán ở nước ngoài trước. Rút kinh nghiệm của sản phẩm smartphone, vì trong nước vẫn còn nhiều định kiến về các sản phẩm công nghệ. Mình thành công ở nước ngoài trước thì trong nước sẽ thuận lợi hơn.
Trong lĩnh vực về camera thì cạnh tranh với đối thủ dễ hơn. Ví dụ các hãng làm về camera thường làm nhiều năm trước rồi dẫn đến công nghệ của họ có phần lạc hậu, còn mình làm là đem công nghệ từ smartphone xuống làm camera. Họ làm camera đơn giản, cách tiếp cận là nâng dần lên, đến lúc nào đó sẽ đuối sức. Nó giống như Nokia phát triển từ feature phone lên, nhưng đến lúc chuyển sang smartphone là đuối sức.
Các doanh nghiệp camera lâu nay thì hình ảnh là chủ yếu, nhưng bây giờ AI mới là chủ yếu. AI lại là phần mềm, chứ không phải là của camera truyền thống. Cho nên nhiều bên có biểu hiện đuối sức. Một số doanh nghiệp camera của Trung Quốc năng động hơn nhưng cũng có biểu hiện không theo được về mặt công nghệ.
* Nếu nhìn camera có cơ hội phát triển thành công ty tỷ “đô” thì liệu mảng smarphone có bị sao nhãng hay rời bỏ không?
Không, mấy mảng đấy cũng tỷ “đô” cả. Smartphone là ngành công nghiệp tỷ “đô” là chắc chắn rồi. An ninh mạng cũng vậy.
Mục đích của Bkav từ đầu là những thứ tốt cho xã hội thì làm. Những thứ tôi làm ngoài chuyện kinh doanh của doanh nghiệp ra nó còn là thương hiệu của Việt Nam với thế giới. Tôi có thành lập công ty riêng về camera và sau này sẽ gọi vốn quốc tế.
* Nhưng dự kiến bao nhiêu năm thì Bkav biến công ty camera này thành công ty tỷ “đô”?
Chúng tôi phấn đấu 5 năm. Điều này là hoàn toàn có thể. Hiện Bkav đã mở công ty độc lập về camera, hoạt động riêng và đang lấy thương hiệu là AI View.
2. Mình cũng là người rất cởi mở với truyền thông
* Với cá nhân ông, có thể thấy một sự rất khác biệt. Là gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2020 thấy được ông rất tích cực tham gia mạng xã hội Facebook và gần như ngày nào cũng có status, nó khác hẳn với trước đây. Vì sao vậy?
Nó cũng rất tự nhiên thôi. Tôi cũng là người rất cởi mở với truyền thông, từ những năm 1997 khi làm về virus, máy tính. Khi mọi người cần thông tin, hỏi tôi thì tôi trả lời, giống như bao việc khác, nó là công việc.
Những năm gần đây thì nó phải kết hợp với mạng xã hội, vì nó là một phần của cuộc sống. Thực ra, tôi cũng đặt ra vấn đề trực tiếp đưa thông tin lên mạng xã hội từ ngày trước khi ra mắt Bphone 2, năm 2017. Lúc đó tôi nghĩ nên làm rồi nhưng đội ngũ cấp dưới bảo không nên, vì anh là CEO cần kín tiếng, và là CEO rồi thì có đội ngũ phát ngôn riêng. Truyền thống là vậy. Nhưng tôi cảm thấy xã hội đã thay đổi.
Thực chất Bkav đang làm rất tốt việc đấy. Bkav có đội ngũ phát ngôn cho từng mảng, rồi thường xuyên có thông cáo báo chí cập nhật thông tin.
Với cá nhân, những ngày đầu tôi trả lời rất nhiều. Rồi đến năm 2009, 2010 tôi tuyệt đối không xuất hiện trong khoảng 6 năm. Và đều phân công cho các bạn phó chủ tịch trả lời. Đến 2017 thì thấy xã hội mạng phát triển và thấy người ta cần giao tiếp trực tiếp mới có sự tin cậy, tôi cảm nhận điều đấy từ 2017, nhưng nó chưa đủ để chuyển đổi.
Đợt vừa rồi thì thấy rất rõ. Kể cả nguyên thủ quốc gia họ cũng đã làm như vậy. Điển hình là ông Trump (Tổng thống Mỹ). Tôi theo dõi Twitter của ông Trump, một ngày ông ấy viết mấy status, hay Tổng thống Indonesia, ông Lý Hiển Long (Singapore)… Tôi phân tích nó giống như mọi việc khác, người ta cần tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn, ngoài kênh truyền thống ra thì cần giao tiếp trực tiếp. Người ta có sự tin cậy nhất định. Và đó là lý do tại sao tôi quyết định tham gia Facebook.
Mục đích vẫn như trước là cung cấp những thứ Bkav làm để mọi người hiểu hơn về tôi, cũng như để phổ biến kiến thức cho xã hội, giống như Bluezone…
* Nhưng lãnh đạo doanh nghiệp thì lấy đâu ra thời gian mà viết status hàng ngày như vậy? Thậm chí cũng có ý kiến rằng thay vì nói nhiều thì ông dành thời gian làm nhiều hơn?
Những thứ tôi nói là những thứ tôi làm. Tôi đúc kết và muốn tốt cho xã hội thì tôi chia sẻ. Tất nhiên là phải cần sắp xếp thời gian để viết. Điều đấy cũng rất có lợi. Lợi cho công việc của bản thân vì khi ngồi viết phải tư duy kĩ hơn, sâu sắc hơn, thế là một lần tự rèn luyện.
Thứ hai, khi đưa thông tin lên mạng xã hội như vậy thì nhiều người cùng biết đến kiến thức, chia sẻ kiến thức đấy. Ngoài ra về công ty thì nhiều người biết hơn về công việc của công ty thay vì lẳng lặng làm.
Có những việc có đội ngũ hỗ trợ nhưng cũng chỉ một phần như các bạn chuẩn bị tư liệu dựa trên ý tưởng mình đưa ra. Facebook cá nhân phải có phong cách của mình, không ai có thể viết thay mình được. Các status hoàn toàn là do tôi tự viết, tự đưa.
Thậm chí giờ tôi thỉnh thoảng còn livestream để chia sẻ thông tin.
Những thứ tôi đưa lên mạng xã hội cũng đều nói về “made in Việt Nam” như thế nào, sản xuất như thế nào, phổ biến kiến thức cho mọi người, hay tinh thần dân tộc là Việt Nam có thể cạnh tranh được…
* Tôi có cảm nhận những thông tin ông đưa lên mạng xã hội như đang cố gắng để thay đổi quan điểm của người dùng, cụ thể là “định kiến với sản phẩm công nghệ Việt” mà ông vẫn thường nói?
Đúng vậy. Bản chất vẫn là những thứ tôi ấp ủ từ trước. Giai đoạn đầu tôi cứ vô tư ai hỏi sao trả lời vậy. Giai đoạn sau thì không trả lời nữa, lúc làm smartphone ấy. Năm 2005 tôi nói thương mại hoá Bkav pro (phần mềm diệt virus) và nói có thể cạnh tranh với sản phẩm hàng đầu thế giới, người ta bảo là nói quá. Vậy tôi không nói nữa, cứ làm thôi.
Gần đây sau khi ra mắt Bphone, tôi mới đúc rút ra không nói cũng là sai lầm. Phải vừa làm vừa nói. Vì 6 năm trời tôi làm như thế người ta không biết mình làm, đến lúc bất ngờ đưa ra kết quả như thế thì bảo vừa mới làm đã có (sản phẩm điện thoại) luôn, mà lại là việc làm rất khó, thế thì chỉ có là lừa đảo, là sang Trung Quốc nhập về bán nhưng lại nói là tự làm. Như thế là sai lầm.
Cả hai thái cực đấy đều có vấn đề. Bây giờ để cho mọi người biết tất cả các thứ đó thì chỉ có cách vừa nói vừa làm. Và nói trực tiếp thì sẽ thuyết phục hơn.
3. Khó nhất vẫn là vốn
* Bluezone có thể xem là ứng dụng công nghệ của người Việt thành công nhất từ trước tới nay, vì chưa có một ứng dụng nào chỉ trong một thời gian rất ngắn đã đạt được hàng chục triệu người dùng như vậy, tất nhiên nó hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi, kể cả là sự chỉ đạo việc sử dụng ứng dụng của cấp bộ ngành, nhà nước. Nhưng nếu soi chiếu vào các sản phẩm Bkav đang làm hoặc sắp làm thì ông đúc rút ra được kinh nghiệm gì cho mình?
Đấy, điều đó một lần nữa khẳng định lời tôi nói từ trước nay là người Việt Nam có năng lực cực kỳ tốt. Bluezone không nói là sản phẩm của Bkav mà là sản phẩm của đất nước, của xã hội. Thế nên, nếu xã hội chung tay thì chúng ta có thể làm tốt nhất trên thế giới, từ sản phẩm, đến triển khai, rồi kể cả chống COVID-19 cũng tốt nhất trên thế giới.
Nhưng vì nhiều người chưa tin vào điều đó, thì Bluezone là một ví dụ.
Tất cả các thứ khác Bkav làm đang giống hệt như vậy nhưng nó chưa được điều kiện thuận lợi như Bluezone nên Bkav đang phải tự giải quyết hết. Còn với Bluezone, khi được các cơ quan, mọi người tham gia vào là đất nước này có thể được những sản phẩm rất tốt như vậy.
Smartphone cũng thế. Tôi không trông chờ có điều kiện đó và không thể có điều kiện đó (điều kiện của Bluezone). Nhưng giả sử, giống Hàn Quốc năm 1960, có mọi thứ cùng được chung tay vào làm, thì tôi chắc chắn Việt Nam sẽ là đất nước hàng đầu về smartphone, Việt Nam là đất nước hàng đầu về camera, là đất nước hàng đầu về smarthome, và Việt Nam là đất nước hàng đầu về an ninh mạng.
Bạn thấy không, an ninh mạng, smartphone, smarthome, camera – thế thì chẳng phải là yếu tố của một cường quốc à. Đủ hết.
Nếu có điều kiện như Bluezone thì cũng là sức mạnh của đất nước này chứ chẳng phải ngoại lực. Làm được Bluezone như thế thì cũng có thể làm được với những sản phẩm khác. Lý thuyết là vậy. Điều đó cho tôi càng có niềm tin hơn.
Những “ông” như camera, smartphone, smarthome, an ninh mạng không thể có điều kiện kia nhưng tôi đang tự tạo điều kiện đấy trong nhiều năm nay. Xã hội càng ngày càng hiểu hơn. Nó không được bùng nổ ngay như Bluezone nhưng rồi sẽ được. Đối với một đất nước thì vài chục năm đâu phải là vấn đề nhưng mình phải nhìn thấy mục tiêu (target), hy vọng đó. Rất là thực tế.
Vẫn là sản phẩm tôi làm nhưng có sự chung tay của mọi người thì nó thành công như thế.
* Nói vậy chứ ngoài các điều kiện chủ quan, thì yếu tố khách quan – là “nỗi sợ” của người dân trước dịch COVID-19 nên rất tích cực cài ứng dụng, còn như smartphone thì làm sao mà có được điều kiện về nỗi sợ này được?
Điện thoại là nhu cầu của người tiêu dùng. Rồi camera, an ninh mạng… nó đang là nhu cầu có sẵn chứ không phải không có.
Đối với chúng tôi vấn đề lớn nhất bây giờ là vốn. Về sản phẩm, mọi thứ đều có thể cạnh tranh sòng phẳng với Apple hay Samsung.
Mọi doanh nghiệp trên thế giới đều có ngân hàng tham gia khi nó cần phải thúc đẩy thương mại. Việt Nam cũng vậy. Nhưng trong lĩnh vực này (sản phẩm công nghệ/ điện thoại), ngân hàng không tham gia. Tôi cũng đã nỗ lực thuyết phục nhưng không thể.
Trên thế giới, ví dụ như Hàn Quốc, có sự can thiệp của Chính phủ rất cao trong việc phát triển các tập đoàn của họ, và Hàn Quốc đã mở hẳn một ngân hàng công nghiệp, là ngân hàng chuyên cho các công ty công nghệ (kiểu như Bkav) vay. Và tiền là của Chính phủ bỏ vào, đưa ngân hàng đó quản lý.
Cách thứ hai là mô hình ở Mỹ với các qũy đầu tư – là trực tiếp, còn ngân hàng là gián tiếp, có sự bảo đảm của Chính phủ.
Ở chúng tôi đều đang không có cả hai. Và mọi thứ mình đều phải tự lo.
Thời điểm hiện tại Bkav đã chọn được một quỹ ngoại sẵn sàng đầu tư cho chúng tôi rồi. Có nhiều quỹ ngoại tham gia vào kế hoạch huy động vốn của Bkav nhưng chúng tôi đã chọn được một quỹ ngoại có cùng triết lý với mình và họ hiểu được những việc Bkav đang làm.
* Cụ thể hình thức đầu tư của quỹ ngoại này như thế nào? Số tiền họ đầu tư vào Bkav là bao nhiêu?
Chúng tôi sẽ bán một phần cổ phần từ công ty phần mềm Bkav (mảng sản phẩm an ninh mạng) cho quỹ ngoại này. Chi tiết cụ thể Bkav sẽ cung cấp trong thời gian ngắn tới. Trước mắt mình chọn một “ông” quỹ vào làm cho tốt, sau đó sẽ có nhiều vòng gọi vốn khác nữa.
4. Đích cuối cùng làm smartphone là đứng top 3 thế giới
* Về sản phẩm smartphone thế hệ mới, dòng flagship (sản phẩm đầu bảng/ cao cấp nhất), sử dụng chip đầu 8 như ông chia sẻ thì sẽ ra mắt khi nào?
Sang năm chúng tôi sẽ ra mắt.
* Nhưng sao Bkav không tiếp tục ra mắt các sản phẩm smartphone tầm trung như người dùng mọng đợi và được đánh giá là có cơ hội hơn mà lại ra dòng đầu bảng, cao cấp nhất?
Nếu cứ làm vậy (theo phân khúc giá như dư luận xã hội) thì mình sẽ bị mắc bẫy về định vị thương hiệu.
Có mấy thứ bẫy, thứ nhất về năng lực công nghệ như đã nói, là làm giá rẻ thì loanh quanh luẩn quẩn công nghệ chỉ thế, không bao giờ có thể hơn được. Bẫy thứ 2 là về hình ảnh, mình làm ra sản phẩm chỉ vừa vừa, khách hàng có hào hứng là mua được, nhưng họ không thực sự cảm thấy anh là một công ty có năng lực, không bao giờ có thể bằng được Apple, Samsung và định kiến đấy sẽ theo mãi.
Và bẫy thứ 3 về tập khách hàng – giá rẻ. Những người thu nhập thấp mua, còn người thu nhập cao hơn sẽ chọn những sản phẩm cao hơn, ở phân khúc cao hơn. Mà như thế thì không bao giờ sờ đến tập có thu nhập cao, mà tập đấy đem lại nhiều thứ, tạo ra sự phát triển, động lực để phải làm tốt hơn và giá trị gia tăng cao.
Các sản phẩm phân khúc cao là hướng tới chất lượng và trải nghiệm của sản phẩm đó.
Mục đích của Bkav là cả ngành công nghiệp điện thoại chứ không phải một góc nào đó. Khi đã làm chủ được công nghệ thì sẽ làm cả bản cho phân khúc giá rẻ. Dự kiến cuối năm nay Bkav sẽ cho ra bản vài triệu, thậm chí 3-4 triệu.
Còn chúng tôi vẫn ra mắt flagship để những người có nhu cầu dùng flagship đang mua của Apple hay Samsung thì cũng có được nhu cầu để đáp ứng.
* Theo ông thế nào là thành công của một sản phẩm điện thoại?
Kết quả là phải có thị phần, thị phần lớn, ít nhất là top 3, không thì phải số 1, số 2.
Tôi thực sự thấy nó rất rõ cơ hội. Bạn có thấy nó có sự dịch chuyển không. Như Châu Âu đang ngập tràn sản phẩm Huawei. Nó đang có sự dịch chuyển, không “ông” nào là mãi mãi cả. Sau “ông ấy” (Huawei) rồi thì đến ông nào? Việt Nam mình đang sẵn sàng cho việc đấy. Chúng tôi có đầy đủ các triết lý để có thể tự tin vào việc đấy, vì mọi công nghệ Bkav giờ thuộc top đầu. Nói rất thực.
* Trong lần phỏng vấn năm 2018 với VnEconomy ông có chia sẻ về mục tiêu chiếm vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam sau 5 năm. Giờ thì chỉ còn 3 năm nữa, ông còn tự tin vào mục tiêu này không hay nó đang ngày càng xa vời?
Tôi nghĩ nó vẫn rất thực tế, rất khả thi. Vì đợt vừa rồi, qua “mùa COVID” chúng tôi đã hoàn thiện rất nhiều, trong lúc xã hội ngưng trệ thì Bkav làm việc rất tích cực, ứng dụng vào rất nhiều nơi, dẫn đến bộ máy cũng tốt hơn, sản phẩm hoàn thiện hơn, quỹ đầu tư cũng đã có. Rồi mảng camera cũng thế, có thể dẫn đầu thị trường.
Đến 2023 chiếm thị phần số 1 thị trường trong nước là hoàn toàn có thể.
Giống như câu chuyện của Bluezone, trong điều kiện thuận lợi trong mấy tuần nó tăng với tốc độ khủng khiếp như vậy. Công nghệ là như thế. Nếu điều kiện thuận lợi thì tất cả các thứ khác cũng thế, tất nhiên khó có điều kiện như Bluezone nhưng không phải là không thể.
* Vậy đích cuối cùng trong hành trình làm điện thoại của ông và Bkav là như thế nào?
Nói thẳng mục tiêu làm smartphone của tôi là phấn đấu để trở thành top 3 của thế giới. Đấy là một cách nghiêm túc và tôi nhìn thấy điều kiện hoàn toàn có thể.
Giống như gần đây, tôi đọc bài về Huawei, thực ra họ làm cũng bắt đầu như mình nhưng trong mấy năm đấy là đã có thể đạt được số 1 rồi nếu như không bị ông Trump “đánh” và Apple cũng sẽ nguy với họ. Nhưng Huawei họ có điều kiện quá tốt của Trung Quốc, rồi vốn…
Khi có điều kiện như vậy thì nó sẽ bùng nổ thôi.
Mạnh Chung
Nguồn CafeF