Sự trở mình của các ngân hàng trong cuộc đua ngân hàng số

Sự trở mình của các ngân hàng trong cuộc đua ngân hàng số

Cuộc trở mình của các ngân hàng trong cuộc đua ngân hàng số ngày càng hấp dẫn hơn.

Sau thương vụ hợp tác 5 năm với VPBank, mới đây, Timo chuyển đổi hợp tác với Ngân hàng Bản Việt và đổi tên thành Timo Plus. Thành quả của gần 5 năm thử nghiệm hệ thống là việc sở hữu được 350.000 tài khoản, trong số đó đã có khoảng 100.000 chuyển sang nền tảng của Ngân hàng Bản Việt trong 2 tháng vừa qua.

“Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều muốn phát triển nhanh ngân hàng số. Tôi không muốn nói rằng ngân hàng muốn từ bỏ mô hình ngân hàng truyền thống và thay thế bằng ngân hàng số, mà ngân hàng sẽ kết hợp giữa chi nhánh ngân hàng và dịch vụ số – khái niệm chúng tôi gọi là mô hình Phygital trong phát triển kinh doanh”, ông Ngô Quang Trung, CEO Ngân hàng Bản Việt, chia sẻ.

Sự trở mình của các ngân hàng trong cuộc đua ngân hàng số

Ông Nguyễn Bảo Hoàng, CEO Timo Plus, cũng cho biết: “Những khách hàng của Timo Plus vẫn đang sở hữu nhiều hơn một tài khoản. Điều này nói lên rằng thị trường vẫn có nhiều nhu cầu về dịch vụ ngân hàng mà ngân hàng truyền thống có thể khai thác và chúng tôi cũng có kênh dịch vụ và nhóm khách hàng riêng để nhắm đến”.

Thực ra, trong giai đoạn 2015-2017, đã có nhiều ngân hàng bắt đầu thử nghiệm mô hình ngân hàng số, Timo dựa trên nền tảng của VPBank là một trong số đó. Sau đó, VPBank còn thử nghiệm cả ứng dụng Yolo, nhưng chưa thực sự nổi trội. Thông tin bên lề cho thấy VPBank đang quay trở lại tập trung phát triển ứng dụng di động mang thương hiệu của Ngân hàng.

Đầu tư vào ứng dụng có tên thương mại riêng cũng là trào lưu của năm nay. Gần đây, Ngân hàng VIB với MyVIB được quảng cáo là hợp tác cùng những fintech khá đình đám như Trusting Social với khả năng đánh giá tín nhiệm người dùng, hay những ứng dụng trong dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (A.I) vào quy trình phê duyệt hạn mức thẻ tín dụng chỉ trong 30 phút và thực hiện hoàn toàn online. OCB Omni thậm chí còn quảng cáo khách hàng có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm như mua bảo hiểm hay đầu tư chứng chỉ quỹ VinaCapital ngay trên ứng dụng.

Techcombank thì sở hữu nền tảng ứng dụng di động được đánh giá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Techcombank đã có thêm hơn 330.000 khách hàng, nâng tổng số khách hàng phục vụ lên gần 8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt đạt 153 triệu giao dịch (tăng 130% so với cùng kỳ) và gần 2 triệu tỉ đồng (tăng 91%).

Sự trở mình của các ngân hàng trong cuộc đua ngân hàng số

Câu chuyện về ngân hàng số càng nóng thêm trong năm nay, không chỉ vì dịch COVID-19 giúp đẩy nhanh quá trình “trực tuyến hoá”, mà còn về mặt pháp lý, dường như Ngân hàng Nhà nước dần cởi mở hơn về hoạt động thanh toán nói riêng và Fintech nói chung. Trong lĩnh vực ngân hàng số, hiện có khoảng 10 ngân hàng được phép thử nghiệm eKYC (định danh điện tử) và thị trường kỳ vọng nghị định chính thức về quản lý hoạt động ngân hàng trực tuyến sẽ sớm ra đời.

eKYC ra đời đồng nghĩa với việc khách hàng có thể mở tài khoản, giao dịch mà không phải đến chi nhánh ngân hàng để “trình diện”. Công tác định danh người dùng cũng có thể giảm mạnh nhờ quy trình và giải pháp ứng dụng công nghệ, thay vì thủ công như trước. Dù eKYC vẫn còn tồn tại một số rủi ro như giả mạo giấy tờ, nhưng quy định này được xem là bước tiến dài với công tác số hóa của ngành ngân hàng. “Thay đổi lớn nhất trong lần nâng cấp này là luồng xử lý giao dịch. Trước đây, một giao dịch chuyển tiền mất 5 bước, nay chỉ còn 3 bước, giảm 60-70% thời gian giao dịch”, bà Phạm Thu Hà, Giám đốc Ngân hàng số của VIB, chia sẻ.

Nhưng eKYC chỉ là bước pháp lý đầu tiên trong quá trình dài để thực sự đưa sản phẩm tài chính số của ngân hàng đến người dùng. Trong xu hướng tiếp theo, nhiều nhà quản lý tin rằng đó sẽ là cuộc đua kết nối dịch vụ và Fintech để cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. “Đây là lĩnh vực mà chúng tôi đang khai thác cùng các công ty Fintech. Với bản chất MyVIB là một ứng dụng mở, ngân hàng tận dụng nguồn lực của cộng đồng với những giải pháp đột phá của họ, chắt lọc và lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất, bền vững nhất đưa vào ứng dụng. Mở ở đây là mở về công nghệ, chứ không mở hẳn về việc chọn các đối tác kinh doanh. Chúng tôi có những tiêu chuẩn rất khắt khe trong câu chuyện hợp tác”, bà Hà chia sẻ.

Sự trở mình của các ngân hàng trong cuộc đua ngân hàng số

Ảnh: Quý Hoà

Đại diện OCB cũng cho biết cuối năm 2020 và trong năm 2021, OCB sẽ đẩy mạnh ngân hàng số. Trong đó xu hướng hệ thống mở (open API) sẽ là bước đi quan trọng, với sự kết hợp giữa ngân hàng và các bên thứ 3 như fintech, nhà phát triển độc lập, với các công ty công nghệ lớn, nhóm cộng đồng, chính phủ.

Lộ trình trở thành ngân hàng số cũng đi kèm nhiều thách thức, nổi bật là rủi ro về an toàn thông tin, dữ liệu. Theo khảo sát của PwC (năm 2019), chưa đến 1/2 số ngân hàng thương mại có chính sách và quy trình quản lý dữ liệu toàn hàng hay quy định vai trò các bên có liên quan đến dữ liệu. Hơn 66% trong số 33 lãnh đạo của các ngân hàng thương mại cho biết quy định các tiêu chí đánh giá để đo lường chất lượng dữ liệu chưa được vận hành. Và chỉ 18% ngân hàng thương mại đã xây dựng kiến trúc công nghệ (nền tảng, công cụ...) để hỗ trợ quản lý dữ liệu toàn hàng.

Phần lớn các tổ chức tài chính Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên trong lộ trình triển khai quản trị dữ liệu. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo về quản lý dữ liệu của ngân hàng gần đây.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Phương Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư