WB: Triển vọng kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương năm 2021 sẽ sáng sủa hơn rất nhiều
Viễn cảnh của khu vực sẽ trở nên tươi sáng hơn vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng ở mức 7,9% tại Trung Quốc và 5,1% tại các quốc gia còn lại ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới mới công bố báo cáo nhìn lại tác động của đại dịch COVID-19 lên khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (ĐA-TBD), dưới đây là một số điểm chính trong báo cáo:
Ngăn chặn thành công: Đại dịch cho tới nay cơ bản đã được ngăn chặn tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (ĐA-TBD), chỉ trừ ở Indonesia và Philippines, tuy vẫn là mối đe doạ ở một số quốc gia khác, gần đây nhất là Myanmar.
Các quốc gia ngăn chặn được dịch bệnh đã sử dụng các biện pháp hạn chế đi lại, kết hợp với các chiến lược dựa trên xét nghiệm và thông tin truyền thông để khuyến khích hành vi phòng ngừa.
Căng thẳng kinh tế: Đại dịch lần này và các nỗ lực ngăn chặn lây lan khiến cho hoạt động kinh tế bị hạn chế đáng kể. Khó khăn trong nước kết hợp với suy giảm trên toàn cầu do đại dịch gây ra ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế khu vực ĐA-TBD do sự phụ thuộc vào thương mại và du lịch.
Tình hình chung ở các quốc gia phụ thuộc vào hiệu quả ngăn chặn đại dịch và nguy cơ với các cú sốc bên ngoài ở từng quốc gia. Sản lượng suy giảm 1,8% ở Trung Quốc trong nửa đầu của năm còn sản lượng của các quốc gia còn lại trong khu vực giảm bình quân 4,0%. Cú sốc COVID-19 dự kiến sẽ gia tăng số người sống trong cảnh đói nghèo trong khu vực lên 38 triệu người trong năm 2020 – bao gồm 33 triệu người đáng ra đã có thể thoát nghèo và thêm 5 triệu người tái nghèo, tính theo chuẩn nghèo 5,50USD/ngày (ngang giá sức mua năm 2011).
Cứu trợ: Để ứng phó, chính phủ các quốc gia ĐA-TBD cam kết đến gần 5% GDP bình quân để hỗ trợ các hệ thống y tế công cộng, bình ổn tiêu dùng cho các hộ gia đình và trợ giúp cho các doanh nghiệp tránh phá sản.
Nhưng vì các quốc gia trước đó chi tiêu chưa đến 1% của GDP bình quân cho trợ giúp xã hội nên thường gặp khó khăn khi mở rộng quy mô và triển khai hỗ trợ. Tại một số quốc gia, gói hỗ trợ đến thời điểm này mới chỉ đến tay một phần tư số hộ gia đình bị giảm thu nhập và khoảng 10-20% số doanh nghiệp đủ điều kiện.
Cứu trợ lực lượng lao động và các doanh nghiệp trong khu vực phi chính thức là khó khăn nhất. Nếu phải tiếp tục hỗ trợ trong điều kiện khủng hoảng kéo dài, hầu hết các quốc gia ĐA-TBD sẽ gặp căng thẳng với nguồn thu còn hạn hẹp.
Viễn cảnh phục hồi không đồng đều: Dịch bệnh được ngăn chặn thành công ở môt số quốc gia khiến cho các hoạt động kinh tế được phục hồi, nhưng nền kinh tế khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào phần còn lại của thế giới trong khi nhu cầu trên toàn cầu vẫn đang yếu. Thương mại sẽ được khôi phục ngay sau khi các hoạt động kinh tế trên toàn cầu được khởi động lại, nhưng ngành du lịch khó có thể được khôi phục sớm.
Mặc dù dòng vốn ngắn hạn đã quay lại với khu vực, nhưng đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vẫn bị cản trở do những bất định trên toàn cầu. Chính phủ ở các quốc gia có tiềm lực tài chính còn yếu cũng bị hạn chế về khả năng kích thích kinh tế. Khu vực ĐA-TBD được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 0,9% trong năm 2020.
Trong khi Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020 – do đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, xuất khẩu mạnh và tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới ở mức thấp từ tháng 3, nhưng bị hạn chế bởi tiêu dùng trong nước suy giảm – các quốc gia còn lại ở khu vực ĐA-TBD được dự báo tăng trưởng bình quân âm 3,5% trong năm 2020.
Viễn cảnh của khu vực sẽ trở nên tươi sáng hơn vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng ở mức 7,9% tại Trung Quốc và 5,1% tại các quốc gia còn lại ở khu vực ĐA-TBD, căn cứ vào giả định rằng khu vực tiếp tục phục hồi và hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường ở các nền kinh tế lớn, kết hợp với khả năng có được vaccine.
Tuy nhiên, sản lượng dự báo ở tất cả các quốc gia trong khu vực vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo trước đại dịch trong hai năm tới. Triển vọng trên càng ảm đạm hơn ở một số các quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ cao, với dự báo sản lượng vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng khoảng 10% vào cuối năm 2021.
Trung Mến
Nguồn BizLive