Ai sẽ thống trị xe điện?
Cuộc đua sản xuất xe của tương lai đang nóng lên hơn bao giờ hết.
Một video gần đây quay cảnh Elon Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla, làm động tác xoay tròn trong chiếc xe hoàn toàn chạy điện của Volkswagen (VW) cùng với Herbert Diess, ông chủ hãng xe Đức này, khiến nhiều người đồn đoán cả 2 đang bắt tay trong một thương vụ thần thánh. Sau đó, VW buộc phải lên tiếng phủ nhận. Một mối quan hệ sâu hơn giữa hãng xe của Musk với đối thủ chính của ông trên thị trường xe điện là điều khó có thể xảy ra, nhưng cuộc gặp mặt giữa 2 người đứng đầu 2 hãng xe cho thấy ngành ô tô đã nhìn nhận cuộc cách mạng xe điện một cách nghiêm túc.
Các hãng xe mới ráo riết chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện, khi có đến hơn 250 doanh nghiệp đang sản xuất động cơ xe điện, 47 nhà máy sản xuất pin đang được xây dựng... Anjan Kumar thuộc hãng tư vấn Frost & Sullivan dự kiến tổng công suất pin xe điện mới sẽ từ 88GWh năm 2019 lên tới 1.400GWh vào năm 2025.
Tổng vốn hoá của các hãng xe điện niêm yết hiện vượt 400 tỉ USD. Tính cả các nhà sản xuất pin, tổ hợp công nghiệp xe điện (sản xuất chưa tới 400.000 xe điện mỗi năm) trị giá ít nhất 670 tỉ USD (không kể các đơn vị khai thác lithium và các mỏ khoáng sản phục vụ sản xuất pin). Con số này gần bằng 3/5 các hãng xe truyền thống, vốn sản xuất 86 triệu chiếc mỗi năm, gần như tất cả đều là xe chạy xăng.
Thế giới xe điện này được đặt tên là Teslaverse, trong đó Tesla của tỉ phú Elon Musk đứng ở vị trí trung tâm. Vào tháng 7, Tesla đã qua mặt Toyota trở thành hãng xe có giá trị nhất thế giới và tiếp tục tăng tốc, dù Tesla chỉ sản xuất 370.000 chiếc so với 10 triệu chiếc của Toyota và chỉ bằng một phần nhỏ tổng doanh thu của hãng xe Nhật này. Vào tháng 8, Tesla đã trị giá hơn 450 tỉ USD. Giá cổ phiếu Tesla đã mất 1/3 sau một đợt điều chỉnh thị trường, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng phục hồi.
Hiện tại, dịch COVID-19 dự kiến làm doanh số bán ngành ô tô giảm 25% trong năm nay. Nhưng số xe điện lăn bánh trên đường sẽ gia tăng khi các quy định thải khí bị siết chặt, giá pin giảm và ngày càng có nhiều mẫu xe điện hơn cho khách hàng lựa chọn. Trong năm tới, cứ 3 trong 100 chiếc xe bán ra sẽ là xe hoàn toàn chạy điện hoặc xe lai cắm sạc. Tỉ lệ này có thể tăng lên mức 20-25% vào năm 2030, tương đương 20 triệu chiếc xe điện mới mỗi năm.
“Vào lúc này Tesla là kẻ săn mồi ở đỉnh của chuỗi thức ăn”, Adam Jonas thuộc Morgan Stanley nhận xét. Tesla đang sản xuất xe điện với quy mô lớn hơn bất kỳ hãng xe nào khác. Giá cổ phiếu tăng lên cũng giúp hãng xe này có được chi phí vốn thấp nhất trong ngành. Cùng với đó, danh mục sản phẩm xe điện đa dạng hơn, với dòng xe tải và xe bán tải sẽ sớm lăn bánh, giúp gia tăng thêm sức hấp dẫn của Tesla. Công ty cũng đang thu hút những kỹ sư xuất sắc nhất.
Anjan Kumar đánh giá Tesla đang đi trước 2-3 năm về công nghệ pin so với các đối thủ. Pin của Tesla có mật độ năng lượng cao hơn, nghĩa là xe chạy quãng đường dài hơn và chi phí thấp hơn. Tại cuộc họp cổ đông ngày 22/9 vừa qua, ông Elon Musk đã trình bày kế hoạch công suất sản xuất mới và công nghệ pin mới mà sẽ giúp Công ty sản xuất xe với giá rẻ hơn. “Trong 3 năm tới, chúng tôi tự tin có thể sản xuất xe điện 25.000USD hoàn toàn tự động”, ông tuyên bố tại cuộc họp.
Phần mềm là một ưu điểm vượt trội của Tesla. Rainer Mehl thuộc hãng tư vấn Capgemini gọi xe Tesla là một lớp vỏ bọc xung quanh phần mềm và các ứng dụng trong đó. Nhờ sản xuất tích hợp theo chiều dọc, các hệ thống được liên kết với nhau ngay từ đầu. Theo Olaf Sakkers thuộc Maniv Mobility, một quỹ Israeli, các hãng xe lớn đã thuê ngoài gần như tất cả công nghệ của họ ngoại trừ động cơ đốt trong và tập trung vào khâu lắp ráp và marketing. Điều này tạo ra một cơ chế đầy phức tạp, theo Sakkers. Ngược lại, phần mềm và phần cơ khí của Tesla lại vận hành trơn tru. Ưu điểm này có nghĩa là những chiếc xe Tesla có thể nhanh chóng “thăng cấp” qua thời gian, nhờ thường xuyên được cập nhật qua mạng những đặc tính mới, khắc phục lỗi cũng như nâng cấp hiệu quả hoạt động. Các hãng xe lớn khác đã trễ sau Tesla tới 5 năm, theo Luke Gear thuộc hãng tư vấn IDTechEx.
Trong khi đó, nhà máy mới 5 tỉ USD tại Thượng Hải đã cho ra những chiếc xe đầu tiên vào tháng 12/2019 và các siêu nhà máy đang được xây dựng ở Berlin (Đức) và Texas (Mỹ) sẽ giúp nâng công suất của Tesla từ 700.000 chiếc lên tới 1,3 triệu chiếc trong 18 tháng, theo Credit Suisse. Nhiều ý kiến cho rằng Tesla sẽ đạt 3-5 triệu chiếc xe mới mỗi năm vào năm 2025 trong tổng số khoảng 85 triệu chiếc trên toàn cầu. Musk thì đặt mục tiêu cho “ra lò” 20 triệu chiếc mỗi năm.
Jonas nhận định, với giá cổ phiếu đang tăng nhanh, Tesla sẽ chiếm tới 30-50% thị trường ô tô. Đó là chưa kể các nguồn thu nhập khác từ bán pin, hệ điều hành hoặc bán một số bộ phận xe điện cho những công ty khác và sau này có thể là bán dữ liệu của tương lai và các hệ thống xe không người lái.
Nhưng Bernstein cho rằng các gã khổng lồ trong ngành ô tô đang thức giấc, khi họ ra sức đầu tư vào xe điện. Kumar ước tính 60% chi tiêu R&D của các hãng xe lớn giờ rót vào xe điện, tăng từ mức 5-10% vào năm 2012. Morgan Stanley tính toán các hãng xe lớn sẽ đầu tư lên tới 500 tỉ USD vào xe điện trong 5 năm tới. Những chiếc có khả năng đem lại doanh thu lớn năm nay có chiếc ID.3 của VW và Mustang Mach-E của Ford.
VW là người chơi tích cực ở xe điện khi dự kiến chi 60 tỉ euro (71 tỉ USD) đến năm 2025 vào xe điện và số hoá. Các hãng ô tô thường phát triển 2-5% phần mềm trong nội bộ, nhưng VW muốn đẩy tỉ lệ này lên 60% vào năm 2025 nhằm tái định vị Công ty như một hãng phần mềm. Các hãng xe và các nhà cung ứng khác cũng không giấu tham vọng. Cái bắt tay gần đây giữa Daimler với Nvidia, một hãng sản xuất chip lớn, sẽ cho phép cập nhật xe điện từ xa vào năm 2024. Aptiv cũng đã cung cấp phần mềm tích hợp.
Các hãng xe lớn có thể tạo ra những công ty khác biệt để thu hút vốn và tài năng từ bên ngoài và dám chấp nhận rủi ro, theo Jonas thuộc Morgan Stanley. Một số đã làm như vậy. GM có công ty xe không người lái Cruise, BMW có iVentures và Toyota có Mobility Foundation. Một chiến thuật khác là đầu tư vào các startup. Đầu tháng 9/2020, GM cho biết sẽ mua 11% trong Nikola, một công ty xe tải chạy điện, với giá 2 tỉ USD. Ford trợ lực cho Rivian với hy vọng chạm tay vào phân khúc sinh lợi xe bán tải chạy điện.
Tại Mỹ, Lucid Motors đã cho ra mắt chiếc ô tô đầu tiên tại trụ sở gần San Francisco vào ngày 9/9/2020, với quãng đường chạy lên tới 800km. Một trong những người hậu thuẫn lớn nhất cho Lucid chính là quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi. Lordstown, Fisker và Canoo cũng đặt mục tiêu bám sát gót Nikola, một công ty lên sàn vào tháng 6 trị giá 13 tỉ USD. Các công ty đang nghiên cứu công nghệ pin thể rắn thế hệ tiếp theo như QuantumScape (được hậu thuẫn bởi VW và Bill Gates) cũng sẽ sớm lên sàn.
Nhiều hãng xe Trung Quốc mô phỏng Tesla như Nio, Xpeng và Li Auto cũng đã niêm yết trên sàn New York. Họ tận hưởng giá nhân công rẻ nội địa, một thị trường trong nước rộng lớn và có vị trí địa lý gần với những nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới như BYD và CATL.
Để sống sót trong thế giới xe điện Teslaverse, người chơi phải cho thấy họ sở hữu bản quyền sở hữu trí tuệ có giá trị khiến họ trở nên khác biệt, có khả năng bán được xe và duy trì được phong độ. Hiện vẫn còn khá sớm để nhận định kẻ thắng người thua. Nhưng lúc này, Tesla có cơ hội nhiều nhất khi tầm nhìn của Elon Musk về tương lai của xe điện đang thuyết phục được rất nhiều người.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư