Thương mại toàn cầu đồng loạt tăng trưởng mạnh kéo theo các nền kinh tế phục hồi
Những gì đang diễn ra cho thấy một thực tế trái ngược so với những dự báo rằng đại dịch COVID-19 sẽ có thể đẩy quá trình toàn cầu hoá vào tình trạng suy giảm vĩnh viễn.
Trong năm nay, thương mại toàn cầu đang hồi phục nhanh chóng hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008.
Khi các chỉ số đơn hàng xuất khẩu đồng loạt tăng
Thương mại phục hồi giúp kéo theo đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời nó cũng cho thấy một thực tế trái ngược so với những dự báo rằng đại dịch COVID-19 sẽ có thể đẩy quá trình toàn cầu hoá vào tình trạng suy giảm vĩnh viễn.
Theo báo Wall Street Journal, khi đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm nay, giao dịch thương mại hàng hoá quốc tế có mức sụt giảm so với cùng kỳ cao nhất tính từ Đại Khủng hoảng năm 1929.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo về khả năng bảo hộ tăng cao, một số công ty cho biết họ sẽ điều chỉnh lại những chuỗi cung ứng vốn dễ chịu ảnh hưởng với các cú sốc bất thường.
Thương mại thế giới hiện vẫn kém sôi động hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Dù vậy, có thể thấy trong khoảng thời gian qua, thương mại đã hồi phục nhanh đáng kể. Thương mại thế giới đã lấy lại được khoảng một nửa mức sụt giảm do đại dịch COVID-19, theo tính toán của viện Kiel, Đức.
Khảo sát của IHS Markit cho thấy số lượng các đơn hàng xuất khẩu tại 14/38 nước trên thế giới tăng. Ở thời điểm tháng 6/2020, con số này chỉ là 4. Số lượng đơn hàng cũng như chỉ số thương mại của nhiều nước đang hồi phục và sẽ sớm tăng trưởng trở lại.
Các hộ gia đình đang chi tiêu tiền mạnh tay vào hàng hoá nhập khẩu. Khả năng họ chi tiêu do nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ, trong khi đó chi tiêu vào các dịch vụ địa phương như ăn uống tại nhà hàng và đi xem phim giảm, tiêu dùng giảm đồng loạt ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác.
Tại Trung Quốc, nơi mở cửa lại các nhà máy đầu tiên sau khoảng thời gian phong toả do đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hoá tháng 8/2020 tăng đáng kể so với năm trước đó. Tại cảng Ninh Ba – Chu San, Trung Quốc, một trong những khu cảng lớn nhất thế giới, khối lượng hàng hoá vận chuyển đã tăng vượt mức của năm 2009. Khối lượng hàng hoá tăng dần tính từ tháng 7/2020, theo số liệu của QuantCube Technology.
Trong 10 ngày đầu tiên của tháng này, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ thấp hơn 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại kéo theo kinh tế phục hồi
Khối lượng vận chuyển hàng hoá tại một số các cảng của Mỹ, Châu Á và Châu Âu đồng thời cũng đã bình thường trở lại, theo tính toán của công ty thống kê vận tải toàn cầu. Đối với một số tuyến vận chuyển hàng hoá quan trọng, khối lượng hàng hoá vận tải tăng lên trên ngưỡng tiền khủng hoảng COVID-19, khối lượng này lập mức cao kỷ lục trong tháng này, nếu tính theo giá vận tải container tại các cảng từ Thượng Hải sang California.
Tuy nhiên, không phải ở nơi nào thương mại cũng có sự phục hồi ngang ngay, thương mại hiện vẫn đang đương đầu với rất nhiều thách thức, trong đó có khả năng đại dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại vào mùa thu năm nay.
Dù vậy, thương mại tại nước nào phát triển, nền kinh tế nước đó cũng tăng trưởng mạnh theo, có thể kể đến một số ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đức. Ngoài ra, cũng phải xét đến ảnh hưởng từ một số chính sách khác, ví như thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm nay. Với trường hợp Hàn Quốc và Đức, ngân hàng Barclays lo ngại 2 nền kinh tế này sẽ có thể tăng trưởng âm 1,5% và 5,3% trong năm nay, mức suy giảm dù vậy vẫn thấp hơn nếu so với các nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ như Italy hay Tây Ban Nha. Kinh tế Italy và Tây Ban Nha được dự báo có thể tăng trưởng âm 9,3% và 10,7% trong năm 2020.
Như vậy rõ ràng, thương mại có vai trò trong sự phục hồi của kinh tế toàn cầu lớn hơn rất nhiều so với tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu xu thế này vẫn tiếp diễn.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Shaun Roache, nhận xét: “Thương mại là một lĩnh vực vẫn tăng trưởng vững vàng. Ví dụ ngay cả khi bạn không đi nghỉ, bạn vẫn có thể tự mua cho mình một chiếc laptop”.
Ngọc Diệp
Nguồn BizLive