Lợi kép của EVFTA
EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, hứa hẹn tạo cơ hội lớn cho Việt Nam, không chỉ dừng ở khía cạnh xuất khẩu.
Thông tin về thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến vào thời điểm xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục mới. Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 336,92 tỉ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỉ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực, theo thống kê của Bộ Công Thương, Hiệp định đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho các ngành. Năm 2019 Việt Nam đạt kim ngạch xuất sang EU khoảng 4,4 tỉ USD. Triển vọng hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ còn gia tăng khi 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ xoá bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực và con số này là 99% sau 7 năm.
Thực tế, bà Helena Konig, Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó Tổng vụ trưởng thương mại Châu Âu, cho rằng EVFTA là hiệp định thương mại, đầu tư toàn diện, và đầy tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển ở Châu Á. Theo đánh giá của bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, EU với 27 nước thành viên, tổng dân số khoảng 500 triệu người sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Julien Brun, đối tác quản lý của CEL Consulting, lâu nay, hàng Việt Nam vào EU đã được hưởng ưu đãi theo Chương trình ưu đãi chung (GSP), với 2/3 thuế suất cho hàng dệt may, giày dép, thuỷ sản, thiết bị điện tử và các loại khác từ Việt Nam đã được EU xoá bỏ thuế toàn bộ hoặc một phần.
Vì thế, như báo cáo của nhóm nghiên cứu gồm Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends, trước khi EVFTA có hiệu lực, 117 mặt hàng gỗ của Việt Nam đã có mức thuế nhập khẩu vào EU là 0%. Giá trị xuất khẩu của nhóm này đạt khoảng 500 triệu USD/năm, gần bằng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào EU.
Rõ ràng, tác động của EVFTA đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không lớn. Trong khi đó, khi EVFTA có hiệu lực, chương trình GSP sẽ ngừng lại. Các doanh nghiệp sẽ giao thương theo những quy tắc, thủ tục mới của Hiệp định EVFTA.
“Quá trình chuyển đổi sẽ rất phức tạp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tìm cách để đạt được những yêu cầu hành chính mới (biểu mẫu và thủ tục giấy tờ) sẽ rất khó khăn nếu doanh nghiệp không có cố vấn pháp lý và thuế hỗ trợ”, ông Julien Brun lưu ý.
Ở chiều ngược lại, việc cắt giảm thuế và đơn giản hoá thủ tục hành chính sẽ thu hút các công ty mới của EU vào Việt Nam. Điều này đặt các công ty Việt Nam vào 2 lựa chọn: cạnh tranh hoặc trở thành đối tác. Trong cả 2 trường hợp, ông Julien Brun cho rằng, kết quả của nền kinh tế Việt Nam đều tích cực.
Thứ nhất, khi nhiều doanh nghiệp EU quan tâm và tham gia vào thị trường Việt Nam, các ngành cơ sở hạ tầng, năng lượng bền vững, hệ thống thông tin, hậu cần, chuỗi cung ứng lạnh, sản xuất công nghệ cao và tái chế, đào tạo tay nghề... sẽ buộc phải thay đổi để bắt kịp nhu cầu mới. Dự báo, dòng vốn đầu tư của EU sẽ giúp thúc đẩy năng lực cạnh tranh, hứa hẹn phát triển bền vững, trưởng thành, sáng tạo cho Việt Nam.
Thứ 2, EVFTA bao gồm các tiêu chuẩn quy định, quy chuẩn và quy tắc về sức khỏe và an toàn, đầu tư, ngân hàng và tài chính, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và nhiều chủ đề khác. Phạm vi của nó vượt ra ngoài biên giới quốc gia và tìm kiếm sự hội nhập sâu rộng và bền vững giữa các bên. Những đòi hỏi mới từ EVFTA mời gọi các công ty Việt Nam phải tái tạo chuỗi cung ứng, nâng cấp tiêu chuẩn, bản sắc, tính minh bạch. Nhờ đó, năng lực sản xuất chuyên biệt hơn, cơ sở hạ tầng, hậu cần tiên tiến hơn, quy trình tích hợp hơn và nhanh hơn, nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Lâu nay, Việt Nam toả sáng nhờ khả năng lắp ráp sản phẩm (giày dép, hàng may mặc, điện tử...) với linh kiện, nguyên liệu phần lớn phải nhập khẩu từ bên ngoài. Quy tắc xuất xứ mà EVFTA đặt ra sẽ mời gọi các công ty đầu tư sâu hơn vào chuỗi cung ứng, để cung cấp nguyên liệu/ linh kiện ở quy mô lớn và cho phép Việt Nam tự chủ hơn.
Thông qua EVFTA, EU cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chú ý bảo vệ môi trường như giảm sử dụng đồ nhựa, tránh dùng hoá chất trong rau quả và cá, ưu tiên vận tải hàng không, không nên đối xử tệ với động vật, khuyến khích tái chế và không lãng phí nước. Ông Julien Brun cho rằng, đó đều là những điều kiện thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững.
Rõ ràng, EVFTA không chỉ là một hiệp định thương mại mà đang đặt ra cho Việt Nam bài toán chuyển đổi để tăng khả năng cạnh tranh tại Châu Âu. Ngoài ra, theo ông Julien Brun, Việt Nam có thể coi đây là cơ hội để vượt ra khỏi phạm vi lắp ráp thuần túy, phát triển chuỗi giá trị cung ứng nội địa, hội nhập sâu và hiệu quả hơn, nhờ đó sẽ tạo ra nhiều việc làm có trình độ cho người lao động.
Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư