Livestream “lên ngôi” trong mùa dịch

Livestream “lên ngôi” trong mùa dịch

Kênh bán hàng được tận dụng để thúc đẩy hành vi mua sắm ngẫu hứng của người tiêu dùng.

Thương hiệu smartphone OnePlus ra mắt 2 sản phẩm mới nhất tại thị trường Việt Nam bằng hình thức online. Ngay trong sự kiện, chương trình livestream bán được 800 chiếc smartphone trong vòng 29 phút, doanh thu gần 9,9 tỉ đồng.

Thương hiệu lớn nhập cuộc

Sự kiện này gợi nhớ cách CEO Xiaomi trong 2 tiếng đồng hồ livestream đã thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ. Trước đó, Chủ tịch hãng Gree livestream bán được 43,7 triệu USD tiền hàng... tạo nên cơn sốt livestream bán hàng khắp Trung Quốc và nhiều nước tại Châu Á.

Mô hình bán hàng livestream hay còn gọi là Social eCommerce trước đây thường gắn liền với kênh bán hàng trực tuyến của các chủ cửa hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, hiệu quả bán hàng của livestream thu hút cả các thương hiệu lớn tham gia. Thực tế, dịch COVID-19 với những lệnh giãn cách xã hội đã thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng trên toàn thế giới, buộc doanh nghiệp phải thay đổi linh hoạt để tồn tại. Trong bối cảnh hầu hết hoạt động kinh doanh và tiếp thị đều dần chuyển sang hình thức trực tuyến, các nền tảng livestream tạo ra những dấu ấn mới.

Livestream “lên ngôi” trong mùa dịch

Chẳng hạn, trong báo cáo “Tương lai ngành bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ phát triển” của Bain, doanh số bán hàng thông qua hoạt động livestream chiếm khoảng 7% doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc trước đại dịch COVID-19 và có thể tăng hơn gấp đôi trong năm nay. Ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Trung Quốc kỳ vọng tăng trưởng 453% trong 3 năm, từ 29 tỉ USD năm 2018 lên 129 tỉ USD vào cuối năm 2020.

Tại Việt Nam, các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Shopee thúc đẩy các hoạt động livestream để gia tăng doanh số mùa dịch. Chẳng hạn, Lazada ghi nhận hoạt động livestream bùng nổ trong mùa dịch. Số liệu tháng 9/2020 cho thấy, lượt xem livestream đã tăng 21 lần và lượt người mua hàng qua livestream đã tăng 24 lần so với tháng 9/2019.

Đại diện của Tiki cho biết, số lượng người xem livestream tự nhiên (organic) trên app Tiki trong 1 tháng gần đây tăng gấp 5 lần so với thời gian trước đó và số liệu này cũng không hề thua kém so với Facebook, kênh phổ biến nhất về hình thức livestream... Bà Trần Thanh Huyền, Giám đốc Quản lý thương hiệu Lazada cho biết, sử dụng livestream đã giúp người bán hàng gia tăng được lượng người theo dõi và doanh thu.

Livestream “lên ngôi” trong mùa dịch

Livestream đang được các sàn thương mại điện tử chú trọng đầu tư
Ảnh: TL

Theo dự đoán của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này có thể vượt 15 tỉ USD. Để đón con số này, livestream sẽ được chú trọng hơn nữa khi tạo nên sự phấn khích của khách hàng.

Đại diện Lazada cho biết, có nhiều lý do khiến livestream trở thành đòn bẩy doanh thu cho các nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Đó là việc tận dụng lợi thế từ lượng người dùng có sẵn, người bán hàng có thể thu hút lượng người xem đông đảo mà không tốn chi phí. Đặc biệt, trong thời dịch, người bán hàng duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng dễ dàng và thường xuyên, hạn chế rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp.

Người tiêu dùng Việt theo dõi các hoạt động livestream như một cách để kết nối với người bán hàng, đồng thời thu thập tất cả thông tin liên quan đến sản phẩm khi mua sắm trực tuyến tại nhà. Người mua có thể đặt câu hỏi và nhận giải đáp ngay về sản phẩm, giá cả, vận chuyển hay tư vấn sử dụng.

Cuộc đua mới của thương mại điện tử

Livestream đang là một cuộc đua đầy gay cấn trong ngành thương mại điện tử về nội dung, tính sáng tạo để thu hút người dùng. Trong cuộc đua này, nhiều thương hiệu lớn từ hàng tiêu dùng cho tới hàng công nghệ như Xiaomi, Ohui và L’Oreal, P&G, Logitech... đều ghi nhận doanh số bán khả quan hơn từ khi sử dụng hình thức livestream để bán hàng. Đơn cử như P&G đã có lượng đơn hàng tăng gấp 10 sau khi hợp tác với Shopee.

Livestream “lên ngôi” trong mùa dịch

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Vietnam, cho biết livestream đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua sắm trực tuyến của người dùng khi họ dành nhiều thời gian giải trí hơn để theo dõi livestream và sử dụng công cụ này để kết nối cộng đồng, đồng thời tương tác với người bán và tìm hiểu về sản phẩm đang quan tâm.

Ông Bùi Ngọc Hiển, Giám đốc Thương hiệu tại Tiki, cho biết từ đầu năm, Công ty đã mở rộng tính năng livestream bán hàng cho nhiều đối tượng khác nhau trên Tiki, trong đó phải kể đến nhóm các thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu lớn; nhóm nhà bán; nhóm cộng đồng người mua, KOL…

Sắp tới, hoạt động livestream sẽ có thêm nhiều hình thức mới như Big show kéo dài 2-3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền vào mỗi tháng. Còn Lazada xây dựng nền tảng Laztalent với việc tạo không gian cho những người trẻ livestream bán hàng, sáng tạo nội dung, giới thiệu hàng hoá cho các nhãn hàng… để có thu nhập.

Livestream “lên ngôi” trong mùa dịch

Ảnh: TL

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu xu hướng livestream sẽ trở thành công cụ tiếp thị thương hiệu hay chỉ nhằm thúc đẩy hành vi mua sắm ngẫu hứng của người tiêu dùng? Thực tế cho thấy trước sự tăng trưởng mạnh của các đơn hàng từ kênh livestream, các nhà tiếp thị không bỏ lỡ nền tảng này như một kênh truyền thông mới và hiệu quả.

Thói quen mới của người dùng được hình thành trong mùa dịch chắc chắn sẽ còn duy trì kể cả khi dịch bệnh kết thúc. Để thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhà bán lẻ cần làm trải nghiệm mua sắm trực tuyến trở nên sống động hơn qua các hoạt động như livestream, sử dụng công cụ thực tế ảo tăng cường (AR)... cùng những phương tiện khác.

Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư