Khi Trump bán thương hiệu
Muốn sản phẩm của bạn trở thành một cú hích? Dễ thôi. Chỉ cần gắn thêm 5 ký tự: T - R - U - M - P.
Đó là công thức đảm bảo thành công cho sản phẩm và Donald Trump đã sử dụng công thức này nhiều lần. “Đó không chỉ là vấn đề cái tôi, mà còn vì cái tên của tôi khiến cho mọi thứ trở nên thành công hơn”, Trump trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal như thế.
Những năm gần đây, Trump đã tích cực bán tên tuổi của mình cho các nhà phát triển dự án bất động sản trên khắp thế giới, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Canada cho đến Philippines và Brazil. Thương vụ gần đây nhất của ông là ngày 19.6 khi ông đóng dấu tên mình vào dự án Trump International Hotel & Tower Vancouver (ở Vancouver, Canada) do Holborn Group phát triển. Đây là dự án thứ hai của ông tại Canada, sau dự án Trump International Hotel & Tower Toronto.
Trump cũng đang lên kế hoạch bán tên tuổi cho các công ty phát triển dự án chung cư, resort và trung tâm thương mại tại Philippines và Azerbaijan. Hồi tháng 3, công ty phát triển địa ốc Trump Organization của ông còn mở cả một văn phòng ở Thượng Hải để tìm kiếm và đánh giá cơ hội nhượng quyền thương hiệu tại Trung Quốc.
Trump không thực hiện dự án, thay vào đó, ông bán cho các nhà phát triển dự án quyền sử dụng tên của ông với giá từ 5-10 triệu USD. Ông cũng được một phần doanh số bán căn hộ trong tương lai hoặc hợp đồng quản lý khách sạn (khi nhượng quyền thương hiệu cho dự án khách sạn).
Ông cho biết trong bối cảnh thị trường bất động sản thế giới biến động, ông thà bán thương hiệu còn hơn là xây dựng nhà cửa, khách sạn. “Thương hiệu của tôi quá nóng. Tôi đã kiếm được hàng triệu đô la từ nó và có thể tránh được thời kỳ tồi tệ của thị trường bất động sản”, ông nói.
Trump nổi tiếng là ông trùm bất động sản. Đế chế địa ốc của ông - Trump Organization - khá đồ sộ với các dự án sân golf, resort, sòng bạc trên khắp thế giới. Ông còn là nhà sản xuất kiêm dẫn chương trình cho show truyền hình thực tế “The Apprentice” trên kênh Star World. Chương trình này đã góp phần đưa ông trở thành một cái tên quen thuộc, gia tăng độ nóng cho thương hiệu Trump và cả cho chiến lược nhượng quyền thương hiệu của ông.
Sức hấp dẫn của Trump là lý do hầu như ai cũng muốn có tên của ông trong sản phẩm của mình. Theo một số ước tính, khi được gắn tên Trump, sức hút của sản phẩm đó sẽ tăng thêm 20-25%, nghĩa là cơ hội thành công cũng cao hơn.
“Về mặt tâm lý, ai cũng muốn tậu cho mình căn nhà tốt nhất. Ai cũng biết Trump. Họ thấy tòa tháp chọc trời 68 tầng Trump Tower của ông ở New York. Họ cũng đã xem chương trình The Apprentice của Trump”, Sagar Chordia, Giám đốc tại Panchshil Realty, nhận xét. Panchshil Realty đang xây dựng 2 tòa tháp cao 23 tầng mang thương hiệu của Trump tại Pune (Ấn Độ).
Khai thác triệt để sự hấp dẫn này, Trump đã tích cực trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu và tên của ông không chỉ xuất hiện trên các dự án bất động sản mà còn trên các thanh sôcôla, nước đóng chai, nước hoa cho nam giới, đồ nội thất và cả lên khuy măng-sét, thảm…
Tuy nhiên, có một loại sản phẩm ông không nhượng quyền thương hiệu kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra, đó là một tòa nhà ở Mỹ. Lần cuối cùng Trump ký một hợp đồng nhượng quyền cho một dự án bất động sản ở Mỹ là vào năm 2007. Đó là dự án căn hộ - khách sạn Trump Soho ở trung tâm Manhanttan.
Trump né thị trường Mỹ một phần do không ít dự án mang tên ông tại đây đều gặp phận rủi. Cái bị tịch biên, cái thì đến nay vẫn chưa thể hoàn thành, dẫn đến nhiều vụ kiện tụng liên quan đến hàng trăm người mua căn hộ. Họ kiện những nhà phát triển dự án và cả Trump cũng bị vạ lây.
Các dự án mang thương hiệu của Trump tại các thành phố Mỹ như Tampa và Fort Lauderdale (bang Florida) và New York, đã gặp khó khăn tài chính trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Một công ty bất động sản sở hữu khu đất dự kiến là nơi đặt khu phức hợp căn hộ Trump Towers Philadelphia, đã đệ đơn xin bảo lãnh phá sản hồi tháng 1. Thương hiệu Trump cũng gắn liền với nhiều số phận bi thảm tại thành phố Atlantic (New Jersey) khi các sòng bạc có gắn tên của Trump đã đệ đơn xin bảo lãnh phá sản… tới 3 lần.
Marketing Arm - một công ty theo dõi sức hút của người nổi tiếng bằng cách dựa vào các cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng trực tuyến, thuộc Tập đoàn Omnicom Group Inc - cho biết vào năm 2008, Trump đứng thứ 154 trong số 3.000 người nổi tiếng được xếp hạng theo mức độ hiệu quả của thương hiệu đối với sản phẩm. Thứ hạng của Trump cho thấy ông có sức hút ngang ngửa các diễn viên gạo cội nổi tiếng của Hollywood là George Clooney và Clint Eastwood. Thế nhưng, hiện nay, người tiêu dùng chỉ xếp hạng ông ở mức 2.763, tức sức hút của ông giờ chỉ… cỡ bằng ngôi sao nhạc pop Britney Spears.
Năm 2008, Trump đã thuê Jonathan Low, một đối tác, để tính toán xem cái tên của ông có giá bao nhiêu. Lúc đó, Trump tiết lộ thương hiệu của ông trị giá khoảng từ 2,8-3,4 tỉ USD. Low thì cho biết kể từ năm 2008 đến nay, ông đã không còn thu thập bất cứ dữ liệu gì về thương hiệu Trump nhưng giữa tháng 6 này, ông nói rằng giá trị thương hiệu Trump “có lẽ không giảm và có thể tăng lên”.
Theo giải bày của Trump, các dự án mang thương hiệu của ông gặp khó khăn là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và cũng do cả những nhà phát triển các dự án đó. Ông cũng phủ nhận các dự án này đã làm tổn hại đến tên tuổi của ông tại Mỹ.
Ngay cả khi một dự án gặp vấn đề, các nhà đầu tư phát triển bất động sản nước ngoài vẫn tin tưởng thương hiệu Trump.
Khi được hỏi vì sao những năm gần đây ông không hứng thú với việc phát triển dự án bất động sản ở Mỹ, Trump cho biết thà tự bỏ vốn ra để phát triển dự án của mình còn hơn là nhượng quyền thương hiệu tại thị trường này. Hiện tại, Trump cho biết ông tập trung vào việc nhượng quyền thương hiệu tại các thị trường nước ngoài vì những nơi đó, tên tuổi của ông ít được biết đến hơn.
Ông bắt đầu thực hiện các thương vụ nhượng quyền thương hiệu vào đầu thập niên 2000 sau khi gượng dậy từ lần suýt phá sản của Trump Organization cách đây 1 thập kỷ. Trump cho biết chiến thuật nhượng quyền đã giúp ông không bị rủi ro tài chính trong khi vẫn có thể kiểm soát được chất lượng dự án.
Tuy vậy, ở nước ngoài, không phải dự án nào của ông cũng thuận buồm xuôi gió, như dự án Trump International Hotel & Tower Toronto (Toronto, Canada). Tòa nhà này này đã được khai trương hồi tháng 4.2013 nhưng tỉ lệ lấp đầy đến nay vẫn rất thấp trong khi lại dính rắc rối về pháp lý.
Nói đi cũng phải nói lại. Có nhiều thương vụ nhượng quyền của ông đã thành công. Dự án Trump Tower ở trung tâm thành phố White Plains (New York) đã bán hết toàn bộ 212 căn hộ chỉ trong chưa đầy 6 tháng sau khi mở bán vào năm 2004.
Các nhà phát triển bất động sản nước ngoài từng làm việc với Trump, trong đó có Robbie Antonio, nhà phát triển một dự án tòa tháp căn hộ mang thương hiệu Trump ở Philippines, cho biết thương hiệu của ông không hề bị sứt mẻ ở đất nước của họ.
Ngay cả khi một dự án gặp vấn đề, các nhà đầu tư phát triển bất động sản nước ngoài vẫn tin tưởng thương hiệu Trump. Mặc dù dự án Trump International Hotel & Tower Toronto đang dính vào nhiều vụ lùm xùm, nhưng Joo Kim Tiah, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Holborn Group, nhà phát triển dự án Trump International Hotel & Tower Vancouver, vẫn lạc quan. “Thương hiệu Trump đồng nghĩa với bất động sản, sự thành công và chất lượng cao nhất”, ông nói.