Đầu tư nguồn vốn nhân lực để không ai bị bỏ lại phía sau
Vừa thất nghiệp vừa mang tâm trạng thất vọng, vừa để mất cơ hội vào tay nhân lực nhập khẩu.
Chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng có thể tăng thất nghiệp. Một con robot có thể thay thế hàng trăm công nhân, tác động lên xã hội cả các ngoại ứng tích cực và tiêu cực là không nhỏ.
Thu hút FDI chất lượng cao có thể nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhưng lại ít khả năng tạo thêm việc làm, thậm chí là tăng tỉ lệ thất nghiệp. Như vậy, để chuẩn bị cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, ngoài vấn đề về vốn, chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo cần điều chỉnh theo mục tiêu phát triển để nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi.
Thất nghiệp ở mức vừa phải cũng có lợi cho các điều chỉnh kinh tế. Mặt kia của sáng tạo là tàn phá cái cũ, thành ra thất nghiệp là “đặc sản” của nền kinh tế tư bản phát triển. Ngược lại, ưu tiên ổn định chính trị việc làm và toàn dụng lao động trong những lĩnh vực cũ kỹ sẽ cản trở sáng tạo đổi mới nền kinh tế.
Tín dụng đặc thù cho giáo dục và đào tạo là cần thiết cho nhu cầu phát triển lâu dài. Chi tiêu vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là hướng đến nhóm đối tượng thu nhập thấp nhưng có nhu cầu học tập cao. Nếu chính sách này được triển khai thì sẽ đạt được lợi ích kép, vì không những góp phần kích cầu tiêu dùng giáo dục, mà còn giúp nâng cao kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu nâng cấp nền kinh tế trong tương lai.
Đầu tư hay chi tiêu cho giáo dục và hạ tầng, nếu làm đúng, sẽ không bao giờ sợ lỗ. Hiện cơ cấu lao động của Việt Nam là nông nghiệp 44,3%, công nghiệp 22,9% và dịch vụ 32,8%. Vấn đề là Việt Nam dường như đang bỏ qua giai đoạn công nghiệp hoá, tiến tới nền kinh tế dịch vụ hoá, nhưng là dịch vụ cấp thấp. Như vậy, về lâu dài sẽ là trở lực gia tăng năng suất lao động. Trong đó, hơn 18 triệu lao động có việc làm phi chính thức trên tổng số 55 triệu lao động.
Như vậy, đầu tư cho nâng cấp và tăng trưởng chất lượng lao động trong khu vực nông nghiệp và chuyển dịch sang khu vực công nghiệp là điều cấp thiết, khu vực ngày càng có xu hướng bị dịch vụ lấn át. Có thể thấy, dư địa tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn, một khi có thể thực hiện hiệu quả 2 việc cùng lúc là nâng cấp lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp lớn để vừa tăng được sản lượng, nâng cao chất lượng nông phẩm; đồng thời giảm bớt việc làm trong ngành này để chuyển sang lĩnh vực công nghiệp trong quá trình phát triển sẽ thiếu hụt lao động.
Nhưng việc này không bao giờ thực hiện riêng lẻ, mà phải đồng bộ với những kế hoạch và chính sách hỗ trợ nâng cấp nguồn nhân lực từ phía Nhà nước, nâng cấp luật đầu tư FDI để giảm thiểu tác hại môi trường và nâng cao chất lượng đô thị hoá các đô thị vệ tinh – đô thị đệm giữa các đô thị lớn và nông thôn để chuyển dịch một phần lao động nông thôn sang ngành dịch vụ đô thị.
Như vậy, việc cải thiện nguồn vốn con người phải tương xứng với tích luỹ nguồn vốn vật chất và nâng cấp công nghiệp của nền kinh tế, cũng như giải quyết được bài toán nguồn vốn cho tăng trưởng, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Việc nâng cấp nguồn nhân lực phải đi trước nhu cầu đổi mới kỹ thuật, kinh doanh trong dài hạn.
Nếu không, nguồn vốn con người sẽ trở thành một hạn chế ràng buộc sự phát triển kinh tế, hoặc đất nước sẽ có một lực lượng đông đảo những lao động trẻ được đào tạo, nhưng trình độ và kỹ năng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Thành ra vừa thất nghiệp vừa mang tâm trạng thất vọng, vừa để tuột cơ hội vào nguồn nhân lực nhập khẩu mà có thể trở thành xu hướng không tránh khỏi trong tương lai.
Những cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm công nghệ trong một nền kinh tế tự hào là tăng trưởng nhanh là nghịch lý xã hội không thể biện minh. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhân sự cấp trung và cả cấp cao từ các nước “chủ nợ” và là nơi xuất phát của lao động xuất khẩu “giá bèo”.
Xu thế tự do dịch chuyển lao động không chỉ nhập khẩu bất bình đẳng thu nhập cho những quốc gia đang phát triển nhập khẩu lao động trình độ cao như Việt Nam, mà còn cản trở lộ trình thăng tiến của lao động nội địa, làm chậm tiến trình học tập của các quốc gia nghèo hơn như Việt Nam. Nếu không có chiến lược nâng cấp nguồn nhân lực tầm quốc gia ngay từ hôm nay, tương lai năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị đe doạ không chỉ bởi sự thiếu hụt tầng lớp công nhân kỹ thuật lành nghề, mà tầng lớp quản lý cấp cao cũng sẽ bị giới “expat” quốc tế lấn át.
Không chỉ nguy cơ trở thành thuộc địa tài chính, với người dân một nước thì chủ nghĩa dân tuý với tư bản thân hữu là sự kết hợp thảm hoạ cho dân tộc, vì không chỉ khiến nền kinh tế mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình, mà còn có nguy cơ kéo lùi văn hoá, đạo đức thị trường (xã hội thị trường), tha hoá đạo đức quan trường... Đổi mới để tránh bẫy phải luôn dựa vào 2 yếu tố là nguồn lực và động lực đổi mới. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố đó, quá trình Đổi mới sẽ không thể thành công. Nguồn lực lớn mạnh nhất phải đến từ bên trong.
Phạm Việt Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư