Apple đang thua trên thế thắng
Đàn áp Epic Games, Apple có thể chứng tỏ quyền lực của mình với App Store, nhưng dần mất thiện cảm và niềm tin từ những công ty game khác.
Sự kiện đáng chú ý nhất của Apple trong tháng 8 vừa qua có lẽ là vụ kiện của Epic Games. Sau khi xoá Fortnite khỏi App Store, vô hiệu hoá tài khoản nhà phát triển của Epic, Apple dường như đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới toàn bộ các nhà phát triển khác: Hãy chơi theo luật của Táo khuyết.
Tuy nhiên, thông điệp đó có thể sẽ khiến Apple gặp rắc rối tại Nhật Bản, một trong những thị trường game phát triển nhất thế giới.
Mối lo ngại của những nhà phát triển
Khi nhìn cách Apple đối xử với Epic Games, nhiều studio phát triển game Nhật Bản cảm thấy lo ngại. Họ nhận thấy những quy định, yêu cầu nội dung của Apple quá thất thường, theo những chia sẻ với Bloomberg.
“Từ tận trong tâm mình, tôi mong Epic chiến thắng”, Hironao Kunimitsu, Nhà Sáng lập và Chủ tịch công ty Humi Inc viết trên Facebook.
iPhone là một trong những sản phẩm quan trọng nhất đối với nhiều nhà phát triển game tại Nhật. Square Enix Holdings, công ty từng làm ra những tựa game huyền thoại như loạt Final Fantasy hay Kingdom Heart thu về 40% doanh thu từ game smartphone. Những tên tuổi khác như Bandai Namco hay Sony cũng kiếm về hàng tỷ USD mỗi năm từ các game di động.
Với 702.000 nhà phát triển game đã đăng ký, Nhật là quốc gia sở hữu cộng đồng game lớn trên thế giới. Một nghiên cứu do Apple tài trợ mới xuất bản vào tháng 6 cho thấy tổng doanh thu các dịch vụ trên App Store tại Nhật đạt 37 tỷ USD trong năm 2019, trong đó có 11 tỷ USD từ việc bán các dịch vụ, 24 tỷ USD từ các loại hàng hoá khác và 2 tỷ USD quảng cáo trong ứng dụng.
Tuy vậy, App Store vẫn luôn là vấn đề lớn với các nhà phát triển. Họ cho rằng Play Store trên Android có quy trình xét duyệt ứng dụng nhanh hơn, khả năng hỗ trợ cũng tốt hơn. Tại Nhật có cả một dịch vụ bên thứ ba tên là iOS Reject Rescue chuyên hỗ trợ các nhà phát triển bị Apple từ chối ứng dụng.
“Quy trình xét duyệt của App Store thường mơ hồ, chủ quan và bất hợp lý. Phản hồi của họ cho những nhà phát triển thường cụt lủn và lặp lại những điều đã nói. Dù vậy, bạn vẫn phải lịch sự với họ”, Makoto Shoji, Chủ sở hữu iOS Reject Rescue nhận xét.
Mức phí 30% không phải vấn đề lớn nhất
Mức phí 30% mà Apple thu từ mọi doanh thu trên App Store không phải vấn đề lớn đối với các studio Nhật. Mức phí này thực tế đã xuất hiện trong ngành game Nhật từ những năm 1980, khi Nintendo thu phí băng chơi game.
Điều khiến nhiều nhà phát triển bức xúc là sự hỗ trợ của Apple tệ, nhất là với những trường hợp không phê duyệt game. Quá trình xét duyệt có thể kéo dài tới nhiều tuần. Một nhà phát triển thậm chí còn phải bỏ những giải đấu thường niên trong game, là dịp thu bộn của các game, vì Apple mất cả tháng mà không chịu xét duyệt cập nhật.
“Dù Apple không thừa nhận, tôi nghĩ có những lúc họ quên luôn là có một bản cập nhật cần phê duyệt, hoặc họ cố tình làm thế để phạt những nhà phát triển tỏ thái độ với họ”, ông Shoji nhận xét.
Apple cho biết đội ngũ xét duyệt ứng dụng của mình phải làm việc theo 2 múi giờ, và có cả đại diện biết tiếng Nhật để hỗ trợ các đối tác. Tuy nhiên, vào tháng 11/2019, máy chủ của Apple đột ngột mất kết nối cả ngày mà không có thông báo gì tới các nhà phát triển. Sự việc này khiến họ bức xúc, bởi Apple không hề bồi thường những thiệt hại do sự cố.
Các tiêu chuẩn về nội dung của Apple cũng thường bị thay đổi mà không có thông báo từ trước. Đó có thể là tiêu chuẩn về trang phục trong game, hoặc các thiết lập game mà lúc thì được chấp thuận, lúc lại bị Apple từ chối.
“Apple là cảnh sát trưởng mà đôi lúc có thể đưa ra cách hiểu không công bằng để làm lợi cho chính họ”, Hisakazu Hirabayashi, Nhà tư vấn cho các công ty game tại Tokyo, Nhật Bản nhận xét.
Những rắc rối với các nhà phát triển có thể khiến Apple gặp rắc rối cả với các nhà lập pháp tại Nhật. Theo Bloomberg, cơ quan chống độc quyền của Ủy ban công bằng thương mại Nhật đã tuyên bố sẽ theo dõi những diễn tiến liên quan tới App Store để đảm bảo Táo khuyết không vi phạm các luật về độc quyền.
Hà My
Nguồn BizLive