50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
“Top 10” đón nhận 4 gương mặt mới và 2 công ty tăng hạng. Các công ty phân phối khí, xuất khẩu cao su thiên nhiên vốn không cần nhiều vốn đầu tư mở rộng sản xuất, lại có ưu thế về giá bán trong 2 năm vừa qua nên 5 công ty này vẫn nằm trong “Top 10” như năm ngoái. Có 3 doanh nghiệp bất động sản và vật liệu xây dựng đã rời khỏi “Top 10”, nhường chỗ cho sự tăng hạng của các công ty tiêu dùng vận tải, y tế và cao su.
Kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, doanh nghiệp chao đảo
Kinh tế Việt Nam vừa trải qua năm 2012 hết sức khó khăn, tăng trưởng GDP ở mức 5,03%, mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” 2013 cũng ít nhiều bị ảnh hưởng và sự xáo trộn vị trí của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng đã phản ánh khá sát tình hình khó khăn này.
Chịu ảnh hưởng chung từ biến động mạnh kinh tế thế giới, đà tăng trưởng các quốc gia châu Á đã chậm lại. Bảng số liệu so sánh với 3 quốc gia Thái Lan, Malaysia, Indonesia cho thấy tăng trưởng doanh thu của 50 doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán ở các nước này đều chậm lại. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chậm lại ở nhóm ngành dầu khí (chiếm 34% lợi nhuận Top 50) đối với Thái Lan và ngân hàng (chiếm 35% lợi nhuận Top 50) đối với Indonesia đã kìm hãm đà tăng trưởng chung của Top 50 hai nước này. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Top 50 Việt Nam giảm mạnh hơn nhiều, từ mức trên 40% năm 2010 xuống còn 5% và 7% trong năm 2012. Điều đó cho thấy quản trị kinh tế vĩ mô ảnh hưởng sâu đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào.
Các công ty mới xâm nhập ngành không chỉ gặp rào cản về cạnh tranh thị
phần khốc liệt mà cần chi phí vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều. Với tỉ lệ
lạm phát cao theo thời gian như Việt Nam đang trải qua thì vốn dùng đầu
tư ngày nay đã lớn gấp nhiều lần ngày xưa.
Từ năm 2008 đến 2012, Việt Nam liên tiếp trải qua các đợt bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn này, chính sách tiền tệ được xem là công cụ chính của Việt Nam để ứng phó. Việc quá phụ thuộc vào công cụ này và thiếu sự phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa đã khiến lãi suất biến động quá nhanh và mạnh trong các năm qua.
Năm 2009, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, kéo lãi vay ngắn hạn xuống mức 6,5%/năm bằng cách hỗ trợ lãi suất 4%/năm khiến tín dụng tăng trưởng mạnh lên mức 37,5% so với đầu năm 2009. Đầu năm 2010, chính sách tiền tệ và tài khóa được thắt chặt trở lại để kiềm chế lạm phát, nhưng đến giữa năm, trước áp lực khát vốn, Ngân hàng Nhà nước lại nới lỏng tiền tệ khiến tăng trưởng tín dụng cả năm tăng 31,2%.
Chính sách tiền tệ và tài khóa lại thắt chặt trong năm 2011, nhưng lạm phát cả năm vẫn tăng lên 18,13% so với tháng 12.2010 do ảnh hưởng từ việc nới lỏng tiền tệ các năm trước. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỉ giá VND/USD 9,3%, lên mức 20.693 VND/USD đầu năm 2011, gây tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu. Lãi vay VND đạt đỉnh 20-23%/năm trong quý III/2011, mở đầu cho giai đoạn đình trệ sản xuất và phá sản hàng loạt của doanh nghiệp trong năm 2012. Rõ ràng, môi trường kinh tế thiếu ổn định đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và đầu tư dài hạn.
Ngành ngân hàng: Lợi nhuận giảm mạnh
Năm 2012, doanh thu doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường tăng 0,7% nhưng lợi nhuận lại giảm 9%. Chủ yếu là do lợi nhuận ngành ngân hàng, đóng góp 27% lợi nhuận toàn thị trường, giảm 22%. Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 9%, mức thấp nhất trong vòng 20 năm, lỗ do đóng trạng thái vàng và dự phòng nợ xấu đã khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm mạnh. Trong khi đó, lợi nhuận các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Malaysia dù chậm lại nhưng vẫn tăng 25%, 21% và 11%. Lợi nhuận giảm 96% đã khiến Ngân hàng SHB rời “Top 50”; Eximbank được thay thế bởi Vietcombank do lợi nhuận sau thuế Eximbank giảm 30%.
Bất động sản: 4/7 công ty rời Top 50, 3 công ty còn lại rơi khỏi Top 10
Nhóm ngành thứ hai tiếp tục đối mặt khó khăn là bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng. Chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cho vay cao khiến sức mua và lượng giao dịch cực thấp, tồn kho tăng cao đã tạo ra áp lực tài chính rất lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Chịu ảnh hưởng từ khó khăn của thị trường bất động sản cùng chính sách cắt giảm đầu tư công của nhà nước, lĩnh vực xây dựng công nghiệp và dân dụng sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp xây lắp, thép, xi măng chịu ảnh hưởng nặng nề. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành này giảm 45% trong năm 2012 và số lượng doanh nghiệp trong Top 50 chỉ còn lại 7 so với con số 13 năm ngoái.
Các doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Thép Pomina đều rời bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” năm 2013 khi lợi nhuận sụt giảm 70% và 90%. Tập đoàn Hà Đô đã rời vị trí số 1 năm ngoái xuống vị trí 26 do lợi nhuận năm 2012 giảm 81%. Vincom giữ thứ hạng 22 do tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm gần nhất chỉ còn 59%, so với mức 113% năm ngoái. Điều này phản ánh rất rõ việc bất động sản Việt Nam đang hứng chịu giai đoạn hạ nhiệt, sau khi vừa trải qua chu kỳ tăng trưởng nóng những năm trước. Trong khi đó, các công ty bất động sản Indonesia và Thái Lan vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2012 là 72% và 80%.
Doanh nghiệp có cổ phần chi phối Nhà nước thống trị “Top 10”
Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam gắn liền với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo số liệu trong “Báo cáo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, quá trình này khởi động từ năm 1992, diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2003-2006 với 2.649 doanh nghiệp được cổ phần (gấp 2,4 lần giai đoạn 1992-2002) và bắt đầu chậm lại từ 2007 đến nay. Theo báo cáo trên, “tính đến năm 2011, chỉ mới có khoảng 30% sở hữu của khu vực doanh nghiệp nhà nước trở thành đối tượng của cổ phần hóa. Trong số 30 sở hữu nhà nước được cổ phần hóa này, nhà nước vẫn giữ tới 57%. Điều này có nghĩa trong suốt quãng thời gian 20 năm cổ phần hóa, chưa tới 15% sở hữu nhà nước được chuyển sang các chủ sở hữu khác”. Do đó, 70% số công ty có mặt trong Top 50 vẫn do Nhà nước nắm tỉ lệ sở hữu cao (trung bình 43%), trong đó 12 công ty nhà nước sở hữu từ 51% đến 97%.
Bên cạnh đó, Top 10 bảng xếp hạng năm nay cũng do các công ty nhà nước
nắm cổ phần chi phối thống trị, với 9/10 công ty đều do Nhà nước sở hữu
từ 35%-69%, trừ Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC). Điểm
chung là các công ty này được thành lập rất sớm như Vinacafe (1975),
Vinamilk (1976); các công ty cao su thiên nhiên thành lập đầu những năm
1980 và đều được cổ phần hóa trong khoảng thời gian 2003-2006, giai đoạn
chương trình cổ phần hóa diễn ra mạnh mẽ. Thời kỳ đầu đó hiếm có công
ty tư nhân nào được tham gia vào ngành cao su, dầu khí hay sản xuất
những sản phẩm thiết yếu như thuốc, gạo, sữa, phân bón… Được thành lập
trên 30 năm, các công ty này đã trải qua giai đoạn đầu khó khăn để tiến
đến quá trình tăng trưởng, tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư và nắm giữ
thị phần chi phối trong ngành. Các công ty mới xâm nhập ngành không chỉ
gặp rào cản về cạnh tranh thị phần khốc liệt mà cần chi phí vốn đầu tư
lớn hơn rất nhiều. Với tỉ lệ lạm phát cao theo thời gian như Việt Nam
đang trải qua thì vốn dùng đầu tư ngày nay đã lớn gấp nhiều lần ngày
xưa.
- ★ -
Ngôi sao của Top 50
CNG Việt Nam: Quán quân 2013
Chúng tôi dùng bộ tiêu chí này để xếp hạng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán 3 nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và kết quả thật bất ngờ. Malaysia, đất nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, có quán quân là công ty sản xuất dầu cọ và cao su thiên nhiên. Thái Lan nổi tiếng về công nghiệp du lịch thì công ty xếp hạng 1 thuộc ngành này. Quán quân ở Indonesia là Công ty Viễn thông Inti Bangun Sejahtera, tuy có quy mô nhỏ hơn các công ty cùng ngành nhưng doanh thu và lợi nhuận năm 2012 tăng trưởng đến 300%, vượt qua Unilever Indonesia và xếp vị trí số 1.
Trong khi đó, ở Việt Nam quán quân là Công ty Cổ phần CNG Việt Nam, một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, vận chuyển, phân phối khí nén thiên nhiên CNG. Với 3 chỉ số tài chính bình quân 3 năm 2010-2012 khá ấn tượng: tăng trưởng doanh thu là 120%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và vốn đầu tư (ROC) là 55% và 43%, CNG đã giành vị trí đầu tiên trong Top 50. Giống trường hợp Tập đoàn Hà Đô (HDG) năm ngoái, CNG đứng đầu nhờ tiêu chí tăng trưởng doanh thu bình quân 3 năm vượt trội ở mức 120%/năm. Tuy nhiên, sự vượt trội này chủ yếu do quy mô doanh thu năm gốc tính toán nhỏ và tăng trưởng doanh thu không đồng đều qua các năm (năm 2012 tăng 9%, năm 2011 tăng 156%, năm 2010 tăng 278%).
Vinamilk Voi vẫn phi nước đại
Trải qua 10 năm cổ phần hóa, Vinamilk đã có bước tăng trưởng vượt bậc với doanh thu tăng gấp 6,3 lần, lợi nhuận tăng gấp 11 lần, quy mô vốn chủ sở hữu gấp 8,3 lần so với năm 2004 (năm tài chính đầu tiên sau cổ phần hóa) và cũng là 1 trong 4 công ty (GAS, FPT, VNM, PVS) đạt doanh thu tỉ USD trên sàn chứng khoán.
Nếu được phép bình chọn công ty đứng đầu bảng tổng sắp, chúng tôi có lẽ sẽ “bỏ phiếu” cho Vinamilk, bởi một con voi khổng lồ mà biết chạy nhanh như công ty này quả thật không dễ tìm tại Việt Nam.
Điều đặc biệt nhất là toàn bộ hoạt động đầu tư của Vinamilk được tích lũy từ chính nguồn lợi nhuận mà công ty này tạo ra. Trong quá trình hoạt động, Vinamilk cũng có lúc lấn sang mảng cà phê, bia nhưng cuối cùng đã kịp quay về ngành kinh doanh cốt lõi và phát triển khá tốt. Những kết quả ấn tượng trên đã thể hiện sự năng lực quản trị đẳng cấp của đội ngũ lãnh đạo công ty này, đặc biệt là dấu ấn của “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty.
Bà Liên chia sẻ với chúng tôi quan điểm kinh doanh khá quyết liệt: “Tôi nói với nhân viên của mình rằng Vinamilk không những phải trụ được trong ngành mà còn phải giành lấy thị phần, công ty có lớn đến đâu nhưng mỗi năm vẫn phải lấy thêm được một ít thị phần, 1-2% cũng được. Vì đứng yên thì coi như mình đang đánh mất”.
Trong bảng tổng sắp Top 50 của chúng tôi, Vinamilk đã vươn lên vị trí số 2 so với thứ 4 của năm ngoái. Nhìn trong tương quan các doanh nghiệp khác trong bảng xếp hạng, nếu sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su và dầu khí phụ thuộc khá nhiều vào giá bán thì Vinamilk lại tăng trưởng bằng công suất nhà máy liên tục mở rộng và sản lượng tiêu thụ tăng nhanh. Năm 2012 cũng đánh dấu những thành công nhất định của VNM trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triền sản phẩm mới, khi Vinamilk đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới, trong đó có 3 dòng sản phẩm nổi bật là Goldsoy chế biến từ 100% đậu nành không biến đổi gen, sữa chua Probeauty bổ sung Collagen và sữa bột Dielac Optimum hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ từ 0-3 tuổi.
Tổng giám đốc vinamilk là một trong những doanh nhân tiếp nhận tư duy cổ phần hóa và thị trường từ khá sớm. Từ thời kỳ hàng loạt nhà máy sữa thuộc Vinamilk được dựng lên với quy mô nhỏ, đến nay, việc các siêu nhà máy mới sẽ được vận hành đang thể hiện rõ nét quan điểm cạnh tranh quyết liệt của bà trên thương trường. Bà chia sẻ quan điểm kinh doanh “thắng bằng sản lượng” và “lúc này, thay vì xây dựng các nhà máy nhỏ thì đầu tư các nhà máy rất lớn và hiện đại nhất”. Tham vọng của các nhà quản trị Vinamilk là đạt đến doanh số 3 tỉ USD vào năm 2017.
Trong buổi trò chuyện thân mật cùng bà Liên tại siêu nhà máy sữa bột trẻ em, bà chia sẻ: “Sữa và cà phê là hai thứ Việt Nam có thể xuất khẩu tốt. Hiện nay, Vinamilk đang thu mua của nông dân 500 tấn sữa/ngày và sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm trang trại bên cạnh 5 trang trại hiện thời và tiếp tục sát cánh cùng nông dân”.
Vinamilk đã hoạt động theo mô hình kỹ trị nâng cao từ khoảng 4 năm nay. Điều đó có nghĩa, nhân lực biến động cũng không tác động nhiều đến Công ty. Mỗi người có bản mô tả công việc rõ ràng, người sau thay người trước thì cứ thế mà làm. “Văn hóa mà Vinamilk xây dựng từ lâu nay là minh bạch và công bằng. Tôi quan niệm, đã là công ty niêm yết lớn thì không nên giấu giếm điều gì”, bà nói.
Vinacafe Biên Hòa Thay da đổi thịt khi về với Masan
Bên cạnh sự thăng hạng của VNM trong “top 10” (chúng tôi dành một bài viết riêng về VNM), Vinacafe cũng là một đại diện tiêu biểu, minh chứng cho sự tăng trưởng của lĩnh vực hàng tiêu dùng bất chấp khó khăn của chu kỳ kinh tế. Doanh thu và lợi nhuận 2012 tăng 41% và 33%, mức tốt nhất trong vòng 5 năm qua, đã đưa VCF lên vị trí thứ 9 so với 26 năm ngoái. Về với Masan Consumer hơn 1 năm (từ quý III/2011), VCF đã thay đổi từ diện mạo bên ngoài đến kết quả hoạt động kinh doanh. Thị trường dường như đón nhận ngay những chiến dịch quảng cáo mạnh tay mà VCF giới thiệu cho các sản phẩm mới như “Wake up Sài Gòn”, “Wake up Café”,“ New Vina Café”, ngũ cốc dinh dưỡng “Kachi”. Điều đáng nói nhất về sức mạnh tăng trưởng của VCF chính là việc sản phẩm của họ được đưa vào kênh tiêu thụ rộng khắp của Masan, một doanh nghiệp sản xuất mì gói, nước chấm với hệ thống lớn nhất nhì Việt Nam. Nhờ đó sản lượng tiêu thụ cà phê năm 2012 của VCF đã tăng trưởng hơn 30%, ngũ cốc dinh dưỡng tăng khoảng 40% (chiếm 22% doanh thu và dẫn đầu thị phần). VCF đã đặt kế họach doanh thu và lợi nhuận sau thế 2013 tăng 46% và 60% khi nhà máy cà phê hòa tan Long Thành (công suất 3.200 tấn/năm, gần gấp 3 lần tổng công suất 2 nhà máy đang hoạt động) dự kiến đi vào hoạt động năm 2013.
Traphaco & Dược Hậu Giang: Cùng nhau thăng hạng
Nhìn ra ngoài “Top 10”, 40 công ty còn lại trong danh sách “Top 50” không có biến động lớn về thứ hạng so với danh sách của năm 2012. Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là mức tăng hạng của các công ty trong ngành dược phẩm, đặc biệt là Traphaco (TRA) và Dược Hậu Giang (DHG).
Traphaco là công ty dẫn đầu thị phần đông dược nên vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ở mức 30% trong năm 2012. Sự tăng trưởng này đã giúp TRA nâng hạng lên vị trí 29 so với vị trí 47 của năm 2012. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của TRA được hỗ trợ bởi các yếu tố (1) là công ty đầu tiên phát triển vùng trồng dược liệu khép kín bằng công nghệ Greenplan, (2) là công ty biết chủ động về nguồn nguyên liệu với 70% tự sản xuất khép kín, kết hợp thu mua từ nông dân, (3) nhu cầu sử dụng đông dược hiện tại ở Việt Nam đạt mức 80.000 tấn/năm, trong khi công suất của công ty chỉ mới 30.000 tấn/năm.
Trong khi đó, Dược Hậu Giang, công ty có thị phần lớn nhất trong các công ty dược nội địa và có hiệu quả sử dụng vốn tốt nhất (trên 30%) cũng nâng hạng từ 18 (năm 2012) lên 16 (năm 2013).
Thiết bị y tế Việt Nhật: Doanh nghiệp tư nhân duy nhất trong Top 10
Lần đầu tiên vào “Top 50” JVC đã xếp ngay vị trí thứ 3 và là công ty cổ phần tư nhân duy nhất trong Top 10. Vậy JVC là ai? Là công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế hoạt động trong bối cảnh ngành y tế Việt Nam còn yếu, chưa đồng bộ và lạc hậu, JVC có được lợi thế cạnh tranh lớn vì là nhà phân phối độc quyền của rất nhiều hãng cung cấp thiết bị y tế lớn như Hitachi, Carestream Health, Kodak cho hơn 100 bệnh biện lớn trên cả nước. Lợi thế của JVC là nguồn hàng ổn định, giá cạnh tranh và nhiều hỗ trợ ưu đãi từ các nhà sản xuất, trong khi đối thủ của họ chỉ cung cấp hệ thống đơn lẻ, khó vận hành và thiếu tính tương thích. Theo Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Business Monitor, thị trường trang thiết bị y tế năm 2011 ở Việt Nam có giá trị 600 triệu USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 15,2%/năm để hướng tới quy mô trên 1,2 tỉ USD vào năm 2015. Điều này cho thấy, JVC còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Lời kết
Sau 2 năm thực hiện, một số điểm hạn chế của phương pháp nghiên cứu xếp hạng cũng được chúng tôi ghi nhận. Đầu tiên là sự chênh lệch về quy mô giữa các công ty trong Top 50. Chúng tôi luôn mong muốn có thể xếp hạng các công ty quy mô lớn và quy mô nhỏ thành 2 nhóm riêng nhằm phản ánh chính xác hiệu quả quản trị doanh nghiệp ở từng công ty. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn thường có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và đòi hỏi năng lực quản lý không phức tạp như các doanh nghiệp có quy mô lớn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết còn ít và thiếu công ty lớn đã không cho phép chúng tôi thực hiện điều này. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn HOSE thậm chí còn có xu hướng giảm: năm 2011 có 26 công ty mới niêm yết trên sàn, nhưng sang năm 2012 chỉ có 12 công ty.
Một điểm hạn chế khác là chỉ tiêu ROE, ROC mới chỉ phản ánh kết quả quá khứ và thực tại của doanh nghiệp, chưa phản ánh hết tiềm năng dài hạn của công ty. Các công ty trong giai đoạn tăng vốn và mở rộng đầu tư sẽ tạm thời chịu mức ROE thấp hơn và có thể bị xếp hạng thấp hơn. Tuy nhiên, rất có thể 3 đến 5 năm sau, khi các khoản đầu tư này bắt đầu thu lợi nhuận, các công ty này sẽ vào Top 50 và xếp hạng cao. Masan là một công ty đại diện cho trường hợp này. Trong 2 năm vừa qua Masan liên tục mở rộng quy mô bằng cách M&A và Masan cần thêm thời gian để các tài sản mới này đóng góp lợi nhuận. Quy mô vốn tăng nhanh khiến ROE năm 2011 và 2012 ở mức 8,55% và 15%, MSN giữ vị trí 36 trong bảng xếp hạng Top 50.
Cuối cùng, chúng tôi luôn hướng đến sự khoa học, chính xác và công bằng nhất khi thực hiện xếp hạng nhưng chắc chắn mọi sự so sánh đều chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, mục tiêu tối thượng của Hội đồng Khảo sát 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam là luôn tìm cách hoàn thiện các tiêu chí xếp hạng để phản ánh xác thực nhất hiệu quả tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam, tôn vinh các doanh nghiệp có chiến lược tăng trưởng đúng đắn và bền vững.
Danh sách 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2013.