Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Startup được coi là kẻ phá bĩnh các mô hình kinh doanh truyền thống. Nhưng họ cũng đang đứng trước kẻ phá bĩnh nguy hiểm khác là dịch bệnh.

COVID-19 ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm năng tài chính cũng đang điêu đứng, phải mạnh tay cắt giảm chi phí, nhân sự. Còn những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là startup càng gặp khó khăn trước cuộc đào thải khốc liệt này.

Startup yếu đừng ra gió!

Về tác động của dịch bệnh ở Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo, 85% doanh nghiệp cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh; 60% doanh nghiệp thiếu vốn, đứt dòng tiền; 40% doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu... và 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được 6 tháng.

Cũng theo số liệu được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2019. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập. Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất kể từ năm 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả các lĩnh vực.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Lazada tung ra nhiều hoạt động để kích cầu mua sắm trực tuyến trong mùa dịch

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống có tỉ lệ ngừng kinh doanh cao nhất. Điểm đặc biệt nhất chính là hầu hết doanh nghiệp đóng cửa có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, trong đó không thể không kể đến là một lượng lớn startup. Startup Genome ước tính, có khoảng 1/4 số startup trên toàn thế giới đã cho 60% nhân viên nghỉ việc. Đây thực sự là thảm hoạ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những startup có quy mô nhỏ.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Là một người đang đầu tư nhiều cho startup, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NextTech Group, giải thích, các startup vốn dĩ không hề có lượng tiền dồi dào, chưa kể mô hình của nhiều startup có vấn đề. Theo thống kê của SoftBank, có những startup chạy theo mô hình mà phải bỏ ra tới 6 đồng chi phí mới lấy lại được 1 đồng lợi nhuận nên đóng cửa là điều hiển nhiên, dịch bệnh chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình này mà thôi.

“Những ai đang có mong muốn khởi nghiệp trong thời điểm hiện tại thì nên dừng lại, trừ khi tìm được đúng ‘long mạch’ để phát triển. Còn những ai đã khởi nghiệp thì nên tổ chức lại cơ cấu, thực hiện chuyển đổi số, cắt giảm mọi chi phí từ marketing, quảng cáo... nhằm đạt được mục tiêu thu đủ bù chi. Nếu quá khó khăn, tôi xin gửi một câu cho các nhà sáng lập startup: ‘Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt’, nên biết lùi bước, buông bỏ đúng lúc, đừng để phải đi vay nặng lãi mà hãy giải tán sớm startup hiện tại và tìm cơ hội làm lại trong tương lai”, ông Bình đưa ra lời khuyên.

Cùng quan điểm, bà Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Quỹ đầu tư mạo hiểm Zone Startups Việt Nam, cho rằng qua dịch COVID-19, các startup, dù không muốn, cũng phải bước vào giai đoạn chọn lọc. Rất nhiều startup đã ngắc ngoải từ trước và COVID-19 chính là phép thử để đẩy nhanh kiểm tra xem các ý tưởng, mô hình kinh doanh của những doanh nghiệp này có thực sự hoạt động được hay không.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Các nhà đầu tư, các quỹ có tính chọn lọc còn cao hơn nữa. Họ sẽ nhìn xem việc kiểm soát dòng tiền của startup có tốt hay không, vì hiện nay thị trường đã chuyển qua cuộc chiến về dòng tiền, chi phí và startup phải chứng minh khả năng của mình nhiều hơn để vượt qua thời kỳ dịch bệnh. “Đối với các quỹ, đơn cử như Zone Startups, chúng tôi đã luôn có kế hoạch dự phòng ngay cho các công ty khởi nghiệp khi COVID-19 bùng phát. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các startup hoàn thiện lại mô hình kinh doanh và tối ưu hoá Runway (khoảng thời gian cho tới khi doanh nghiệp tiêu hết tiền), cắt giảm chi phi marketing”, bà Quỳnh Võ nhận định.

Cơ hội vàng cho mô hình tốt

Theo khảo sát của Nielsen, trang bán lẻ trực tuyến Tiki ghi nhận lượng đơn hàng online trung bình trong ngày tăng ít nhất 2-4 lần so với ngày thường. Dịch vụ mua sắm online của Co.opmart cũng tăng 4-5 lần trong thời điểm này. Shopee đạt 43,2 triệu lượt truy cập website mỗi tháng trong quý I/2020, tăng 5,2 triệu so với quý IV/2019.

Thậm chí, trước nhu cầu mua sắm online ngày càng gia tăng, Grab đã cho ra mắt dịch vụ đi siêu thị hộ người dùng – GrabMart. Việc chuyển hướng nhanh chóng sang cung cấp các dịch vụ trực tuyến thay vì mua hàng trực tiếp cũng giúp những nhà bán lẻ truyền thống như Big C, MM Mega Market... ổn định tăng trưởng ngay trong mùa dịch và tiếp tục đảm bảo sức mua sau thời gian giãn cách.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

NextTech Group đầu tư vào Pushsale.vn

Lượng người lên VinID đi chợ online hoặc mua hàng trực tuyến cũng tăng gấp 3 so với bình thường. Số người truy cập vào website của Bách hoá Xanh mua hàng online cũng tăng 49% so với quý VI/2019. Chính nhờ những động thái tích cực này mà bước sang tháng 7/2020 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước, ngành bán lẻ chứng kiến mức tăng trưởng khá ấn tượng, đạt 431.900 tỉ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo ông Huỳnh Công Thắng, đồng sáng lập trung tâm hỗ trợ startup Innolab.Asia, trong báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á – Việt Nam 2019 (e-Conomy SEA 2019) do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số Việt Nam ghi nhận giá trị 12 tỉ USD năm 2019, bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Như vậy, từ giá trị chỉ 3,8 tỉ USD vào năm 2015, đến nay nền kinh tế số của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần. Đây sẽ tiếp tục là xu hướng trong tương lai chứ không chỉ bùng nổ trong dịch COVID-19. Dịch bệnh chỉ là cơ hội để các hình thức trực tuyến tiếp cận nhanh hơn các thị trường và khách hàng. Trong tương lai, những sản phẩm liên quan tới công nghệ y tế khám chữa bệnh từ xa, ví điện tử, fintech cũng sẽ phát triển rất tốt.

Trong thời điểm dịch bệnh, Galaxy bất ngờ công bố đầu tư lớn vào mô hình giáo dục trực tuyến Hocmai.vn. Ông Lương Công Hiếu, Tổng Giám đốc Galaxy, cho biết: “Hơn một năm nay, chúng tôi tìm kiếm cơ hội để gia nhập lĩnh vực này cùng với một công ty thực sự tâm huyết với ngành giáo dục.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Đầu tư vào Hocmai, chúng tôi tin tưởng rằng Công ty sẽ có thêm nguồn lực để phát triển và đáp ứng nhu cầu giáo dục trực tuyến ngày càng tăng tại Việt Nam. Sau Hocmai, Galaxy đang muốn đầu tư vào các công ty giáo dục trực tuyến khác ở tất cả các khối như mầm non, phổ thông, đại học, dạy nghề”.

Bà Quỳnh Võ chia sẻ thêm rằng: “Dịch bệnh COVID-19 cũng là cơ hội để thế giới sản sinh ra nhiều hình thức kinh doanh mới. Trước dịch COVID-19, không ai nghĩ là sẽ làm việc tại nhà hoàn toàn, nhưng hiện có rất nhiều công ty công nghệ cung cấp phương tiện làm việc và đã phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, các nền tảng livestream cũng phát triển rất nhanh trong giai đoạn này, GoStream, một startup phát triển nền tảng streaming được Zone Startups đầu tư, đã có doanh số tăng trưởng hơn 100% ngay trong mùa dịch”.

Ngoài các loại hình kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp startup cung cấp những giải pháp chuyển đổi số cũng đang nhận được lượng lớn vốn đầu tư từ các quỹ, điển hình là Next100 của Shark Bình. Từ đầu năm tới nay, Next100 đã đầu tư cho nhiều startup như bot bán hàng, Computer Vision Việt Nam – startup về giải pháp trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính cho các công ty fintech đều đã nhận được số tiền lên tới 10 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoà Bình nhận định, các startup có năng lực thực sự, mô hình tốt, kinh doanh thực chất sẽ ngày càng gọi được vốn lớn, bất kể trong dịch COVID-19 hay không. Mặt khác, dịch COVID-19 như là một cú hích lớn cho lời kêu gọi chuyển đổi số và đây thực sự là cơ hội vàng để Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lên một tầm cao mới.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

“Tôi đầu tư vào startup chuyên về chuyển đổi số vì thấy họ tăng trưởng cao. Bởi lẽ, công nghệ chính là xu hướng của toàn cầu. Có thể thấy giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu đều tăng phi mã ngay trong dịch COVID-19, trái ngược hoàn toàn với các ngành nghề kinh doanh truyền thống. Tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ luôn phản ánh xu hướng của nền kinh tế nhưng sẽ lệch so với hiện tại từ 2-3 năm. Vì thị trường chứng khoán chính là sự đầu tư cho tương lai”, ông Bình nhận định.

Khi nguồn tiền không còn dồi dào

Trong năm 2019, số vốn đổ vào các startup công nghệ tại Việt Nam chiếm 18% toàn Đông Nam Á, trong khi của Singapore là 17%. Các startup Việt Nam đã có nhiều thương vụ gọi vốn lớn lên tới hàng trăm triệu đô như của MoMo, VNPAY... Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, các startup còn lại chỉ gọi được 670 triệu USD, ít hơn khá nhiều so với năm 2018 (gần 900 triệu USD). Thực tế này cho thấy cuộc đua khởi nghiệp đã bước vào giai đoạn chắt lọc, đặc biệt năm 2020 còn có thêm dịch COVID-19.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam được quốc tế nhận định rằng đã kiểm soát dịch rất tốt, nhưng theo ông Nguyễn Hoà Bình, trong năm 2020 số vốn đổ vào các startup tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm so với năm 2019 và tới năm 2021 có thể sẽ chạm đáy.

Trên thế giới, theo kế hoạch năm 2020, Quỹ Vision Fund của SoftBank đầu tư vào 88 startup, trong đó có WeWork, Uber và DoorDash. Tuy nhiên, đại diện của quỹ này cũng cho biết sẽ chỉ một số ít startup trong danh mục đầu tư này có thể nhận đủ tiền mặt theo kế hoạch vào cuối năm nay. Những nhà đầu tư từ Greycroft, Menlo Ventures và Mayfield cũng tiết lộ các công ty đang phải cắt giảm chi phí, thu hẹp kế hoạch tăng trưởng và tập trung duy trì bảo tồn vốn, vì thế rất khó để mở rộng đầu tư vào các startup mới.

Startup trước kẻ phá bĩnh COVID-19

Bà Quỳnh Võ nhận định: “Dù COVID-19 không ảnh hưởng nhiều tới việc đầu tư cho các startup tốt, nhưng thời gian này các quỹ đầu tư đều muốn dừng lại một chút để nhìn nhận lại năng lực của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngoài ra, thị trường startup tại Việt Nam cũng đi sau thế giới khoảng 5 năm, nên để chuẩn hoá một startup và kêu gọi vốn lớn từ các quỹ nước ngoài cũng cần có thêm thời gian. Tuy nhiên, năm nay sẽ không tệ hơn quá nhiều so với năm ngoái”.

Theo tình hình hiện tại, ông Huỳnh Công Thắng, Innolab.Asia, cũng đưa ra lời khuyên cho startup Việt Nam rằng, tiền đầu tư cho startup thực sự không nhiều so với lượng tiền trên thế giới. Phong trào startup chính là cuộc chơi mà những tập đoàn lớn muốn tìm ra những mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp đã phát triển hàng trăm năm của họ.

“Thực tế, tiền đầu tư cho các startup từ các tập đoàn này hoàn toàn không thiếu. Vấn đề ở đây là startup cần chứng minh có khả năng sống khoẻ sau dịch mà thôi. Ngoài ra, các startup Việt Nam cần suy nghĩ thực chất hơn và trở về với điều cốt yếu là phát triển công nghệ, chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ đủ tốt để có thể làm chủ được thị trường trong nước trước”, ông Thắng tư vấn.

Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư