Nokia mịt mờ ngày trở về
Ngày trở về của Nokia còn quá nhiều mông lung.
Khi tìm kiếm con đường tiến lên phía trước trong thời đại 5G, Nokia đã tìm về quá khứ. Bằng chứng là tân CEO Pekka Lundmark cùng tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sari Baldauf đều là người cũ, từng làm việc ở bộ phận mạng của tập đoàn Phần Lan này vào năm 2000. Sau đó, Nokia đã nhanh chóng quật khởi trở thành nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới, với mức vốn hoá thị trường đạt đỉnh xấp xỉ 300 tỉ euro.
Nhưng Nokia ngày Lundmark trở về lại hoàn toàn khác biệt. Tập đoàn này đã bỏ lỡ buổi bình minh 5G, không tận dụng được cơ hội địa chính trị mang lại nhằm hưởng lợi từ thế hệ tiếp theo của các mạng viễn thông. Sự va vấp chiến lược này, theo giới đầu tư, các ông chủ ngân hàng và các cựu nhà điều hành tại Nokia, đã khiến Tập đoàn rơi vào tình thế rất dễ bị tổn thương trước sự tấn công của nhà đầu tư chủ động hoặc một cuộc thâu tóm. Vốn hoá thị trường hiện nay của Nokia chỉ 24 tỉ euro, trong khi giá cổ phiếu quay trở về mức thấp năm 2013.
“Tương lai của Nokia là gì? Đó là một câu hỏi lớn. Các nhà đầu tư Mỹ muốn thấy được sự thay đổi nhanh chóng ở Nokia. Đã đến lúc Ban điều hành phải cho thấy họ có thể làm được gì cho nhà sản xuất thiết bị mạng này”, Juha Varis, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Phần Lan FIM, cổ đông lâu năm ở Nokia, nhận định.
Lundmark cũng không dám chậm trễ. Theo nguồn tin nội bộ, ban lãnh đạo đang gấp rút đánh giá lại chiến lược, dự kiến sẽ có những thay đổi trong các mảng kinh doanh của Nokia, từ mạng cố định và di động cho đến phần mềm, dịch vụ kỹ thuật số, bằng sáng chế, định tuyến IP, mạng cáp quang. Lundmark cho biết: “Thế giới xung quanh đang thay đổi không ngừng. Chiến lược của chúng tôi cũng phải như thế”.
Nhà đầu tư rất trông mong bộ tam mới của Nokia gồm tân CEO Pekka Lundmark, tân Chủ tịch Sari Baldauf và Giám đốc Tài chính sắp nhậm chức Marco Wiren. Bộ tam này được kỳ vọng sẽ vực dậy Nokia sau một năm đầy thất vọng khi tăng trưởng doanh số bán bị qua mặt bởi đối thủ trực tiếp đến từ Thụy Điển Ericsson cũng như công ty dẫn đầu ngành là Huawei, thậm chí trong bối cảnh Mỹ, Anh và các nước khác đang tìm cách nâng đỡ các đối thủ của Huawei do mối quan ngại an ninh liên quan đến tập đoàn Trung Quốc này.
“Tôi rất ngạc nhiên khi họ quá chậm nắm bắt cơ hội kiếm tiền từ đó. Chính phủ Mỹ đã ngỏ ý với Ericsson và Nokia rằng ‘chúng tôi sẽ mua mọi thứ bạn có’. Thế mà họ không kiếm ra tiền từ cơ hội này”, Charly Salonius-Pasternak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, nói.
Nhiều người Phần Lan cho rằng những va vấp nói trên là lỗi của cựu CEO Rajeeve Suri và cựu Chủ tịch Risto Siilasmaa. Tháng 7 vừa qua, ông Suri thừa nhận Nokia đã chậm chạp nắm bắt buổi bình minh của mạng 5G trong năm 2019 khi tập đoàn này vẫn còn đang cố “tiêu hoá” thương vụ Alcatel-Lucent trị giá 15,6 tỉ euro. Một nguồn tin nội bộ cũng nói rằng: “5G đã xuất hiện sớm hơn 1 năm đối với chúng tôi”.
Các nhà đầu tư trong đó có Varis cũng thất vọng. “Năm 2019 Ban quản trị rõ ràng không nhận rõ điều gì đã và đang xảy ra ở Nokia. Risto Siilasmaa có trách nhiệm lớn trong vấn đề này. Ở vai trò là nhà đầu tư, tôi thực sự thất vọng bởi họ đã nói về 5G cách đây 5 năm nhưng kết quả thật sự đáng buồn”, Varis nói.
Sự bất mãn gia tăng được cho là lý do buộc Risto phải ra đi. “Risto chưa đủ cứng rắn và quyết liệt. Các cổ đông và Hội đồng Quản trị đều muốn ông rời khỏi”, một nhà điều hành có tiếng ở Phần Lan nhận xét.
Lundmark, với 5 năm ở cương vị CEO Fortum (Phần Lan), là người được chọn để đưa Nokia vượt qua giai đoạn khó khăn này. Khoảng thời gian lãnh đạo tập đoàn năng lượng nhà nước Fortum đã mài giũa Lundmark, đặc biệt là việc khơi thông các thủ tục nhà nước phức tạp trong thương vụ thâu tóm đối thủ Đức Uniper. Tất cả đã dạy ông làm thế nào để giao tế một cách khéo léo với Chính phủ. Đó là một kỹ năng mà ông cần để giữ sự mềm mỏng ở Nokia, nơi hãng đầu tư nhà nước Phần Lan Solidium là cổ đông lớn duy nhất.
Fortum dù là công ty nhà nước nhưng lại hoạt động khắp thế giới, với vị thế là nhà cung cấp năng lượng sạch lớn tại Châu Âu cũng như sở hữu các khoản đầu tư năng lượng mặt trời ở Ấn Độ. Thời gian dẫn dắt Fortum (2015-2020) và trước đó là ở Nokia (1990-2000), Lundmark đã trải nghiệm sâu sắc những biến động kinh tế, chính trị trên toàn cầu. Và công nghệ – mảng định hình tương lai của Nokia – hiện là lĩnh vực nhạy cảm nhất trong các xung đột địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ, các nước Châu Âu với Trung Quốc.
Giới phân tích và nhà đầu tư kỳ vọng Lundmark có thể mang đến những rung chuyển tích cực ở Nokia. Trong năm 2019, tập đoàn này đã dành phần lớn thời gian để chỉnh đốn lại những va vấp trong mảng 5G và đạt một số thành công nhất định khi nâng mức dự báo lợi nhuận và dòng tiền vào cuối quý II/2020. Nhưng nhiều người lo ngại trước những biến động sâu rộng trong ngành thời gian gần đây. Đặc biệt là xu hướng sáp nhập liên kết giữa các đơn vị khai thác viễn thông ở Mỹ và Châu Âu có thể cướp đi khách hàng của Nokia, trong khi thị trường 5G rộng lớn tại Trung Quốc vẫn là mảnh đất khó xơi đối với tập đoàn này.
Xu hướng sáp nhập liên kết giữa các đơn vị khai thác viễn thông ở Mỹ và Châu Âu có thể cướp đi khách hàng của Nokia, trong khi thị trường 5G rộng lớn tại Trung Quốc vẫn là mảnh đất khó xơi.
Hầu hết các chuyên gia tư vấn đều cho rằng Lundmark cần phải làm rõ trọng tâm của Công ty ở đâu. “Các nhà đầu tư than phiền rằng Nokia đang quá dàn trải”, một nhà tư vấn cho biết. Vị này nói thêm Nokia có thể tập trung vào mảng phần mềm và từ bỏ mảng sản xuất. Một số thì thúc giục Nokia tăng cường mảng doanh nghiệp đang tăng trưởng khá tốt. Đây là mảng bán các mạng tư nhân trực tiếp cho doanh nghiệp, hiện chiếm khoảng 6% doanh thu của Nokia.
Theo các nguồn tin nội bộ, Ban lãnh đạo mới sẽ đánh giá lại tất cả các tài sản của Nokia để xem có phù hợp với chiến lược tổng thể hay không. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cho rằng cần phải cắt giảm nhân sự ở Nokia, vốn duy trì ổn định ở mức khoảng 100.000 người trong những năm gần đây. Lundmark đến nay vẫn giữ kín kế hoạch khi cho biết sẽ cập nhật chiến lược mới cho nhà đầu tư trước thời điểm cuối năm nay. Ông cho biết ông vẫn lạc quan nhưng với thái độ thận trọng. Ít nhất các nhà đầu tư đang rất tin tưởng năng lực của Lundmark qua những năm tháng ông dẫn dắt Fortum và trước đó là Kone Cranes. “Pekka rất giỏi nhìn nhận bức tranh tổng thể và thấy được tương lai, từ đó quyết định nên làm gì”, Varis nói.
Lundmark không còn thời gian để do dự. Vị trí là 1 trong 3 nhà sản xuất thiết bị 5G lớn trên thế giới cũng khó có thể bảo vệ Nokia. Một số nguồn tin nội bộ cho biết Nokia đang là một mục tiêu hấp dẫn cho các nhà đầu tư chủ động, nhất là khi Cevian Capital (Thụy Điển) đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất ở Ericsson. Một số khác lo ngại Nokia có khả năng bị thâu tóm bởi một hãng đầu tư tư nhân Mỹ. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr tuyên bố Mỹ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty Mỹ mua cổ phần trong Nokia hoặc Ericsson để giúp xây dựng một đối thủ quốc tế mạnh hơn làm đối trọng với Huawei.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư