Kinh doanh thua lỗ, Vietravel và Thiên Minh còn tiềm lực cho ngành hàng không?
Vietravel và Thiên Minh vốn là 2 doanh nghiệp có tiềm lực lớn và “khao khát” được thành lập hãng hàng không riêng, đại dịch đã làm thay đổi tất cả.
Vietravel (hãng lữ hành có thị phần cao nhất trong nước) và Thiên Minh đều đang chịu sức ép “thua lỗ” từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, nhiều khả năng dự án “bay” của cả 2 khó có thể thực hiện trong thời gian sắp tới.
Viettravel có 3 quý liên tiếp “không như ý”
Ngành du lịch đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch, theo số liệu gần đây có đến hơn 90% công ty du lịch đã ngưng hoạt động. Một số vẫn hoạt động cầm chừng nhằm thanh toán các khoản công nợ. Vietravel cũng không nằm ngoài cơn lốc của đại dịch COVID-19.
Trong thông báo tình hình kinh doanh của mình, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với các số liệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19. Theo đó, công ty ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 38 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 23 tỉ đồng. Lợi nhuận ròng sau thuế của Công ty cũng ở mức âm 38 tỉ đồng, và là quý lỗ ròng thứ 3 liên tiếp.
Tính trong nửa đầu năm, doanh thu của Vietravel đã giảm 72%, đạt 996 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, chuyển từ lãi 30 tỉ đồng cùng kỳ xuống lỗ ròng 80 tỉ đồng.
Khoản lỗ nặng nửa đầu năm cũng bào mòn gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối những năm trước của Vietravel. Hiện phần lợi nhuận giữ lại của công ty trên bảng cân đối kế toán còn lại chưa tới 1 tỉ đồng. Sau nửa năm, công ty này mới hoàn thành 32% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã lỗ vượt kế hoạch gần 4 lần. Theo dự kiến, năm nay Vietravel đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.065 tỉ đồng (giảm 60% so với năm trước) và lợi nhuận ở mức âm 22 tỉ đồng.
Trong quý II, toàn bộ hoạt động du lịch đã phải tạm dừng trong hầu hết tháng 4 để thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch. Cho đến nay, mảng du lịch quốc tế của Vietravel cũng chưa thể hoạt động trở lại do Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo đường du lịch. Trong khi, du lịch quốc tế vốn là chủ lực của ngành du lịch.
Trước đó, với thị phần lớn nhất trong lĩnh vực du lịch, Vietravel nhiều lần bày tỏ tham vọng lấn sân sang thị trường hàng không với việc thành lập Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Theo báo cáo của Vietraveal, hãng hàng không Vietravel Airlines hiện đã được phê duyệt phương án đầu tư, dự kiến khai thác chuyến đầu tiên vào năm 2021.
Theo thông tin của hãng, Vietravel Airlines chọn địa điểm khai thác chính là cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế), được hoạt động trong 50 năm và có tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu.
Cũng phải nói thêm, trước nhiều khó khăn của ngành du lịch và hàng không, việc cấp phép cho thành lập hãng bay ngày càng siết chặt. Chính phủ quyết định không xem xét thành lập thêm các hãng hàng không mới đến năm 2022.
Bộ GTVT cho rằng, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cơ bản đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Thiên Minh cũng không thoát “lỗ”
Cũng không tránh khỏi khó khăn của ngành du lịch, trong báo cáo tóm tắt tình hình tài chính gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh cho biết lỗ sau thuế 242 tỉ đồng sau 6 tháng. Cùng kỳ năm trước, công ty có lợi nhuận ròng 37 tỉ đồng.
Mức lỗ sau 2 quý đầu năm của Thiên Minh cao hơn cả lợi nhuận 141 tỉ đồng của năm 2019. Hai năm trước đó 2017-2018, Thiên Minh đạt lợi nhuận 183 và 325 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của Thiên Minh là 1.345 tỉ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.560 tỉ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tương ứng là 1,16.
Giữa năm 2019, ông Trần Trọng Kiên thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh (Kite Air) có trụ sở ở tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của Kite Air là 1.000 tỉ đồng. Ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỉ đồng, giữ 60% cổ phần; Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỉ đồng, chiếm 30% và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỉ đồng, tương đương 10%. Bà Thu là Phó Tổng Giám đốc của Thiên Minh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không dân dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 cộng thêm quy định mới của Chính phủ quyết định không xem xét thành lập thêm các hãng hàng không mới đến năm 2022. Hãng hàng không của Thiên Minh chỉ có thể được phê duyệt chủ trương đầu tư sớm nhất vào năm 2022.
Trước đó, Thiên Minh và hãng hàng không giá rẻ lớn hàng đầu Châu Á là AirAsia từng hợp tác để thành lập một liên doanh hàng không ở Việt Nam, nhưng thương vụ đổ bể vào tháng 4/2019 do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong các thoả thuận.
Trong bối cảnh thua lỗ của cả Vietravel và Thiên Minh như hiên nay, cộng thêm tình hình thua lỗ vẫn có thể kéo dài đến hết năm nay. Vietravel liệu có thực hiện được dự tính ban đầu và còn đủ lực để tiếp tục với dự án hàng không? Thiên Minh có thể thực hiện được ước mơ “bay” với KiteAir vào 2022 như dự tính? Cũng phải nói thêm, sau ngành du lịch, hàng không cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh khiến nhiều hãng bay trong nước và quốc tế đều đang thua lỗ, thậm chí đối mặt tình trạng phá sản.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư