Petrolimex sẽ bứt phá giai đoạn cuối năm?
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ khởi sắc trong phần còn lại của năm 2020.
Gọng kìm COVID-19 và giá dầu
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ luỵ trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hoá, nguyên vật liệu.
Khi mà sức ép giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô do nhu cầu thị trường thì thoả thuận cắt giảm sản xuất OPEC và Nga không đạt được kết quả, cùng với đó các bên đều công bố gia tăng sản lượng sản xuất trong thời gian tới, chấp nhận giảm giá, đã giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí, khiến giá dầu liên tục sụt giảm. Ở trong nước, dưới tác động của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong nửa đầu năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 cùng sự gián đoạn nguồn cung cục bộ, kết quả kinh doanh của Petrolimex (PLX) đã gặp nhiều khó khăn.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Công ty đạt hơn 65.186 tỉ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nửa đầu năm 2020, PLX đã lỗ hơn 1.079 tỉ đồng sau thuế. Trong đó, quý I/2020, Công ty báo lỗ hơn 1.813 tỉ đồng và quý II có sự hồi phục ở mức lãi sau thuế hơn 733 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lợi nhuận của Công ty trong quý II là khá khiêm tốn do giai đoạn giãn cách xã hội trong tháng 4 và thiếu hụt nguồn cung cục bộ trong tháng 6. Nhiều nhà phân phối xăng dầu nhỏ đã tích trữ xăng dầu nhằm đầu cơ xu hướng tăng của giá dầu thô, dẫn đến việc PLX phải nhập khẩu xăng dầu giá cao ngoài kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Tác động kép từ giá dầu và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá cao sự phục hồi của ngành trong nửa cuối năm 2020.
Tín hiệu hồi phục
So với khoản lỗ hồi quý I/2020 thì kết quả kinh doanh quý II/2020 của PLX đã có sự hồi phục đáng kể.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), kết quả tích cực trong quý II nhờ sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng và việc hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho được trích trong quý trước.
Cụ thể, sau khi giảm hơn 10% trong quý I, sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 4% so với cùng kỳ trong quý II/2020. SSI Research đánh giá sự phục hồi mạnh mẽ về sản lượng xăng tiêu thụ của PLX trong tháng 5 một phần là do nhu cầu dồn nén từ tháng 4 và sản lượng bán ra hạn chế từ các nhà bán lẻ khác, khi họ tiến hành găm giữ hàng tồn kho với dự đoán giá xăng dầu tăng.
Thêm vào đó, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng để bảo dưỡng vào tháng 4 và tháng 5 cũng khiến nguồn cung cho các đại lý phân phối trong nước bị gián đoạn. “Là nhà phân phối lớn nhất cả nước với hệ thống cung ứng đa dạng và ổn định, PLX có thể đảm bảo nhu cầu đầu vào bằng cách tăng lượng nhập khẩu và có khả năng tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần trong tháng”, SSI Research nhận định.
Ngoài ra, lợi nhuận của PLX trong quý II/2020 còn được hỗ trợ từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng hàng tồn kho trước đó. Tỉ suất lợi nhuận gộp quý II/2020 đạt 10,3% cải thiện đáng kể từ mức 1,2% trong quý I/2020 và 7,4% trong quý II/2019. Kết quả này đến từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng hàng tồn kho trị giá 1.511 tỉ đồng trong quý II/2020, sau khi giá dầu tăng gần 100% trong quý. Nếu loại trừ tác động từ chi phí dự phòng hàng tồn kho, tỉ suất lợi nhuận gộp trong quý II/2020 sẽ là 5% hay đi ngang so với quý trước nhưng thấp hơn mức 7,6% trong quý II/2019.
SSI Research ước tính kết quả kinh doanh của PLX sẽ phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2020, và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 100% trong năm 2021 do giá dầu tiếp tục ổn định và hoạt động vận tải phục hồi.
Vũ Hoài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư