Nio nỗ lực giành vương miện từ Tesla
Nio từng trên bờ vực phá sản nhưng hiện đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng sang Châu Âu và hơn thế nữa.
Tham vọng mở rộng toàn cầu
Theo CNBC, Tesla đang muốn chuyển sang hoạt động tư nhân, nhưng đối thủ Nio lại đi theo hướng khác sau khi huy động 1,8 tỉ USD trong đợt IPO trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. Được thành lập vào năm 2014 bởi doanh nhân William Bin Li, Nio ban đầu là NextCar. Công ty được hậu thuẫn bởi tập đoàn internet lớn Trung Quốc Baidu và Tencent cùng những công ty khác. Cho đến nay, hãng này đã phát triển 2 loại xe: Siêu xe EP9 và ES8.
Là một trong những nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, Nio từng bên bờ vực phá sản nhưng nay đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng sang Châu Âu và hơn thế nữa.
Cổ phiếu của công ty khởi nghiệp Trung Quốc giảm hơn 80% so với mức cao nhất vào năm ngoái do những rắc rối tài chính gia tăng. Kể từ khi chào bán công khai trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York, Nio đã nhiều lần thay đổi nhiều vị trí nhân sự quan trọng, bao gồm sự ra đi của một trong những người sáng lập và lãnh đạo cho Nio ở Anh và Mỹ.
Sau đó, giữa đợt bùng phát virus Corona, Nio đã công bố các cuộc đàm phán tài trợ với chính quyền Bắc Kinh và thu được 7 tỉ nhân dân tệ (1 tỉ USD) từ các nhà đầu tư, bao gồm cả các tổ chức do chính phủ hậu thuẫn. Lượng xe giao hàng đạt kỷ lục 3.740 chiếc trong tháng 6 và đứng đầu với 10.000 chiếc trong quý II. Hiện, cổ phiếu Nio đã tăng hơn 240% trong năm nay.
Theo Người sáng lập và Chủ tịch William Li của Nio, “Chúng tôi hy vọng trong nửa cuối năm tới, Nio có thể bắt đầu thực hiện một vài nỗ lực sơ bộ ở một số quốc gia chào đón nhiều xe điện hơn”. Theo đó, ông William Li khẳng định: “Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu với Châu Âu”. Sau đó, kế hoạch thâm nhập các thị trường toàn cầu lớn của Nio sẽ diễn ra vào năm 2023 và 2024.
Hiện, Công ty có khoảng 200 người làm việc tại văn phòng ở Mỹ, giảm so với thời điểm đỉnh cao với khoảng 600 người. Nio vẫn còn một chặng đường dài phía trước với tham vọng toàn cầu để có thể sánh ngang tầm với Tesla của tỉ phú Elon Musk.
Tesla đã giao hơn 90.000 chiếc xe trên toàn thế giới chỉ trong quý II. Gần 1/4 doanh thu trong trong quý II đến từ Trung Quốc với 1,4 tỉ USD, trong khi khoảng 1/2 doanh thu đến từ Mỹ, thị trường chính với 3,09 tỉ USD. Doanh nhân Elon Musk cũng để mắt đến Châu Âu. Sau khi mở rộng hoạt động ở Trung Quốc với một nhà máy ở Thượng Hải, Tesla đã đặt nhà máy thứ 2 ngoài Mỹ tại Berlin, Đức mang tên Gigafactory.
Đòn bẩy từ chính phủ Trung Quốc
Cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 đã tấn công thị trường ô tô Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn vì doanh số bán hàng sụt giảm kéo dài nhiều tháng. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, doanh số bán ô tô trong 7 tháng đầu năm giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe năng lượng mới giảm 32,8%.
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Chính quyền Bắc Kinh có tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về phương tiện năng lượng mới, trong khi ngành công nghiệp ô tô nhìn chung đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngay sau khi dịch COVID-19 lắng xuống trong nước, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố các chính sách mới nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và xe điện. Theo đó, các loại xe năng lượng mới, bao gồm xe điện và xe hybrid đã có mức tăng doanh số bán hàng đầu tiên trong năm vào tháng 7 với mức tăng 19,3%.
Hiện, chính phủ Trung Quốc cũng cho phép các công ty bán xe điện không dùng pin, mở đường cho việc Nio tung ra sản phẩm pin như một dịch vụ vào tuần trước. Vị Chủ tịch Nio cho biết, gói đăng ký này giúp giảm chi phí trả trước cho xe và có thể được so sánh với phí xăng dầu thông thường.
Chủ tịch William Li chia sẻ: “Tiêu chuẩn cạnh tranh của Nio là Benz, Audi, BMW và Tesla. Nếu họ sẵn sàng sử dụng dịch vụ pin thì Nio không có vấn đề gì vì họ có thể mua được. Do đó, vấn đề chỉ là liệu họ có sẵn sàng sử dụng nó hay không”.
Mặc dù có thiết lập quốc tế, nhưng theo các nhà phân tích, Trung Quốc rõ ràng là quốc gia dẫn đầu trong thị trường xe điện toàn cầu, với doanh số bán hàng tăng từ 21.800 chiếc năm 2013 lên 740.900 chiếc vào năm ngoái. Đó là chưa kể việc chính phủ Trung Quốc cắt giảm một số khoản trợ cấp hào phóng nhằm khuyến khích sở hữu sớm xe điện và xe hybrid thân thiện với môi trường.
Mai Nam
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư