Chuyên gia HSBC: Cần đến những thói quen mới để ổn định tài chính trong thời “bình thường mới”

Chuyên gia HSBC: Cần đến những thói quen mới để ổn định tài chính trong thời “bình thường mới”

Nếu hiện thấy chính mình đang gặp rắc rối, bạn hãy tận dụng cơ hội khủng hoảng đang diễn ra để xây dựng một số thói quen tốt và hướng tới một tài lực mạnh cho bản thân.

Ông Mark Surgenor, Giám đốc Toàn cầu Khối Quản lý Tài sản, Ngân hàng HSBC, mới đây đã đưa ra một số lời khuyên để giúp mọi người quản lý tốt hơn vấn đề tài chính cá nhân trong bối cảnh đại dịch căng thẳng.

Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy khó có thể vượt qua những thời điểm khủng hoảng nảy sinh, đặc biệt là khi tình hình tài chính cá nhân bị đe doạ. Nếu hiện thấy chính mình đang gặp rắc rối, bạn hãy tận dụng cơ hội này để xây dựng một số thói quen tốt và hướng tới một tài lực mạnh cho bản thân. Bằng việc lập kế hoạch, những thói quen mới được áp dụng có thể đưa bạn vượt qua những ‘điều bình thường mới’. Mối liên hệ tốt hơn với tình hình tài lực của bản thân có thể đem lại cho bạn nhiều lựa chọn, bớt căng thẳng và một cuộc sống chất lượng hơn.

Chuyên gia HSBC: Cần đến những thói quen mới để ổn định tài chính trong thời “bình thường mới”

Ông Mark Surgenor, Giám đốc Toàn cầu Khối Quản lý Tài sản, Ngân hàng HSBC

Lưu tâm đến dòng tiền

Dòng tiền tích cực là một chỉ số quan trọng của sức khoẻ tài chính và tính độc lập của một cá nhân. Trong thời buổi suy thoái kinh tế, những tình huống bất ngờ như mất việc làm hoặc cắt giảm thu nhập có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của bạn. Hãy xem xét chi tiêu hàng ngày trong vòng ba tháng gần nhất và phân tích thói quen chi tiêu của bản thân. Nếu bạn không có thói quen theo dõi chi phí sinh hoạt thường xuyên, hãy bắt tay vào việc rà soát các mục chi tiêu trên bảng sao kê ngân hàng và thẻ tín dụng hàng tháng để từ đó phân loại các hạng mục theo mức độ ưu tiên. Bạn có thể đánh giá những chi phí có thể cắt hoặc giảm thiểu. Phương pháp tối giản tài chính ngắn hạn này có thể giúp bạn quản lý dòng tiền tốt hơn.

1. Lập kế hoạch ngân sách chi tiêu

Một mẹo mọi người hay sử dụng liên quan đến lập ngân sách là thực hiện ‘chi tiêu tối thiểu’ theo tháng hoặc theo tuần. Đây là thời điểm bạn chỉ mua những thứ cần thiết đã thống nhất từ trước để tiết kiệm tiền, trả bớt nợ hay dành tiền cho mục tiêu nào đó. Khi lối sống bị hạn chế do một số giới hạn đang được xã hội áp đặt, mọi người có thể tận dụng thời gian này để thực thi chính sách ‘chi tiêu tối thiểu’ để cắt giảm đáng kể các chi tiêu tuỳ ý, giải trí và du lịch. Hãy phân bổ các khoản tiết kiệm này để cho những đầu mục chăm sóc gia đình hoặc tham gia bảo hiểm y tế.

2. Điều chỉnh lối sống

Đây là thời điểm tốt để đánh giá lại những hạn mục thực sự có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân. Một khi các hạn chế xã hội được nới lỏng và nền kinh tế lại mở cửa, bạn hãy đưa ra những quyết định thận trọng về những hạn mục xa xỉ mà bạn có thể mua và sử dụng. Hãy dành phần còn lại cho tiết kiệm hoặc dùng để trả bớt nợ. Bạn thậm chí có thể giảm bớt thời gian làm việc để một trong hai – vợ hoặc chồng có thể ở nhà chăm sóc con trẻ, người già hoặc vật nuôi. Với việc kiểm soát chi tiêu tốt hơn, bạn sẽ có nhiều tự do và lựa chọn để chuẩn bị tốt hơn cho những bất trắc có thể nảy sinh trong tương lai.

Chuyên gia HSBC: Cần đến những thói quen mới để ổn định tài chính trong thời “bình thường mới”

3. Cắt giảm thêm chi phí

Nếu đang trong tình trạng bị giảm hoặc thậm chí không có thu nhập, bạn còn có thể làm được nhiều hơn nữa chứ không đơn thuần chỉ cắt giảm chi phí phát sinh hay đánh giá chi phí cố định của mình. Trong tình hình hiện tại, có thể việc chuyển nhà hay đổi nhà cung cấp có thể bị hạn chế, tuy nhiên, vẫn có một vài hạn mục khác có thể cân nhắc như các khoản chi phí bị lạm phát, chi phí dành cho xe cộ hoặc dịch vụ không thực sự cần thiết. Hãy nghĩ đến việc dọn dẹp lại các khoản mục tài chính phát sinh. Hàng năm, hãy phân tích, đánh giá và cắt giảm chi phí không thật sự cần thiết.

Xây dựng giá trị thực

Giá trị thực là sự chênh lệch giữa giá trị tài sản mà bạn đang sở hữu như nhà cửa, quỹ hưu trí, tài khoản đầu tư, số dư tài khoản, khoản tiết kiệm và những thu nhập khác sau khi trừ đi các khoản nợ như vay thế chấp, nợ thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân. Giá trị thực là một con số quan trọng cần phải lưu ý. Giá trị này giúp bạn xác định tình trạng nợ của bản thân mà có thể ảnh hưởng đến tài sản trong tương lai, cũng như nêu bật những lĩnh vực bạn cần lưu ý trước khi nghỉ hưu. Bằng cách ổn định dòng tiền, mục tiêu của bạn là phải giảm dần các khoản nợ phải trả.

1. Hiểu rõ và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các khoản nợ

Các khoản nợ thường tạo ra chi phí, trái ngược với tài sản thường tạo ra thu nhập. Khoản nợ mà bạn kiểm soát được trong giai đoạn bình thường, có thể gây ra những ảnh hưởng tồi tệ trong thời khắc thị trường đầy biến động, đặc biệt khi bạn bị mất phần lớn thu nhập của mình. Nếu đang có các khoản nợ phải thanh toán hàng tháng, bạn hãy cố gắng tối ưu hoá danh mục nợ của mình bằng cách ưu tiên trả những khoản có lãi suất cao trước. Đối với hầu hết mọi người, đó sẽ là nợ thẻ tín dụng, vay mua xe và các khoản vay sửa chữa nhà cửa. Trong giai đoạn dịch bệnh, các ngân hàng đang giới thiệu các chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay, vì vậy việc chuyển sang một hình thức bảo đảm hơn sẽ giảm bớt áp lực cho dòng tiền của bạn. Nếu bạn không còn khả năng thanh toán, hãy liên hệ ngay với ngân hàng hoặc các đơn vị cung cấp khoản vay càng sớm càng tốt.

Chuyên gia HSBC: Cần đến những thói quen mới để ổn định tài chính trong thời “bình thường mới”

Vay thế chấp có khuynh hướng dễ ‘thở’ để tiếp tục giữ lại vì thường có lãi suất thấp hơn. Thậm chí, đôi lúc bạn có thể đạt được những khoản thu tốt hơn khi thanh toán đều đặn những khoản vay thế chấp hàng tháng và dùng khoản tiền dư để đầu tư vào nơi khác. Hoặc bạn có thể tìm kiếm cách thức tái cấp vốn ở những nơi hợp lý.

2. Tận dụng các tài sản

Nói chung, một vài tài sản có thể đem lại thu nhập ổn định như hình thức cho thuê tài sản hoặc đầu tư hoặc hỗ trợ giảm bớt dòng tiền ra, ví dụ tiết kiệm trên tiền thuê nhà. Tài sản có thể đem lại sự linh hoạt cao hơn, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng như bị mắc bệnh, mất việc làm hoặc đại dịch toàn cầu.

3. Xây dựng một quỹ khẩn cấp

Sẽ thật lý tưởng khi quỹ này bao gồm cả tiền mặt hoặc một hình thức tương tự với tiền mặt mà bạn có thể rút ra để trang trải các chi phí cơ bản của mình trong ít nhất sáu tháng. Cách thức này được đánh giá là một công cụ lập kế hoạch tài chính lành mạnh nhưng có phần nhàm chán, nhưng đây là hình thức an toàn giúp bạn đạt được trạng thái an tâm như giảm bớt căng thẳng, giải toả nợ nần và tạo cơ hội cho bạn đón nhận những điều tốt đẹp mới.

Luôn lạc quan: Sức khoẻ là của cải tối thượng

Khó có ai đưa ra một quyết định sáng suốt khi đang trong trạng thái căng thẳng. Ngoài ra, căng thẳng còn tác động tiêu cực đến sức khoẻ. Sức khoẻ là lợi thế quan trọng nhất của mỗi cá nhân trong thời buổi khó khăn hiện tại.

Chuyên gia HSBC: Cần đến những thói quen mới để ổn định tài chính trong thời “bình thường mới”

1. Bảo vệ sức khoẻ

Bệnh tật và sự sụt giảm thu nhập liên quan đến bệnh có thể diễn ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần có sự chuẩn bị tốt. Bạn cần biết vị thế của bản thân liên quan đến những quyền lợi tổng cộng và tổng các nguồn thu nhập khác nhau khi sức khoẻ gặp trường hợp khẩn cấp. Bạn cần phải có bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo vẫn duy trì chất lượng cuộc sống tốt cho người phụ thuộc hoặc để trang trải các khoản nợ nần trong tương lai. Phí sẽ thấp hơn khi bạn tham gia bảo hiểm nhân thọ lúc còn trẻ tuổi và khoản phí này duy trì không đổi trong suốt thời hạn hợp đồng. Cuộc khủng hoảng hiện nay đem lại nhu cầu cần có đủ bảo hiểm sức khoẻ cho các thành viên gia đình. Nếu bạn chỉ có bảo hiểm theo chính sách bảo hiểm sức khoẻ của công ty thì hãy tính đến một khoản bảo hiểm riêng cho bản thân và cho các thành viên trong gia đình. Hãy nhớ rằng khi bị mất việc, thì chính sách bảo hiểm của công ty không còn nhưng bạn sẽ vẫn được bảo vệ.

2. Tạo một bản di chúc sống

Di chúc là một văn bản thể hiện nguyện vọng cá nhân khi không còn sống nữa. Tuy nhiên, một bản di chúc sống cũng không kém phần quan trọng khi thể hiện mong muốn lúc còn sống của bạn, bao gồm những ước nguyện được điều trị, các biện pháp để duy trì sự sống (chẳng hạn như sử dụng máy thở hay không). Đây là cách tốt nhất để đảm bảo những mong muốn của bản thân được lắng nghe và đáp ứng trong những lúc cần thiết. Bạn phải thông báo cho vợ/ chồng hay những thành viên trong gia đình về mong muốn được chăm sóc của bạn khi có sự cố xảy ra.

3. Sức khoẻ cá nhân là tài sản quan trọng nhất

Một cuộc khủng hoảng như thế này có thể giúp chúng ta tập trung vào điều quan trọng nhất. Bạn hãy bắt đầu lưu ý xây dựng một lối sống lành mạnh. Hãy sắp xếp các mục tiêu về sức khoẻ, đưa ra những lựa chọn có tâm nhất về chế độ ăn uống, tập thể dục, thiền đinh và thậm chí cả những sở thích mới. Đầu tư vào sức khỏe sẽ mang đến cho bạn những đền đáp tốt nhất.

Cuộc sống trong thời đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn thực sự đáng lo ngại ngay cả khi bạn may mắn còn có một công việc hay một nguồn thu nhập ổn định. Nhưng ngay cả trong khủng hoảng, vẫn hãy luôn củng cố tiềm lực tài chính, thể chất và tinh thần để bản thân luôn kiên cường và sẵn sàng cho những gì sắp đến.

Mark Surgeno
Nguồn BizLive